Về đất Tổ xem bóng đá
Phú Thọ vùng đất linh thiêng nguồn cội, nơi khởi đầu cho hành trình bảo vệ thành công tấm HCV SEA Games 31 của HLV Park Hang Seo cùng học trò. Giờ, người ta còn nhắc đến Phú Thọ là nơi có sự thể hiện tình yêu bóng đá thật dễ thương.
Tỉnh Phú Thọ vinh dự được BTC lựa chọn làm địa điểm thi đấu môn bóng đá nam SEA Games 31. Một cơ hội quý giá để quảng bá hình ảnh quê hương, con người đất Tổ tươi đẹp, thân thiện, mến khách đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Nhớ lại, 19 năm trước, Việt Nam lần đầu tiên đăng cai SEA Games, ngày đó Phú Thọ đã được BTC chọn làm địa điểm thi đấu môn bóng ném. Ở thời điểm đó, một NTĐ đa năng, hiện đại đã được đầu tư, xây dựng, kịp thời tổ chức các trận đấu bóng ném. Chính việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang đã tạo tiền đề để thể thao Phú Thọ phát triển về sau này. Gần 20 năm đi vào hoạt động, NTĐ tỉnh Phú Thọ đã cho thấy hiệu quả hoạt động khi rất nhiều giải thể thao từ cấp tỉnh đến cấp QG đã được tổ chức thành công tại đây.
Giám đốc Sở VH, TT&DL Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy tâm tình: “Việc tổ chức thành công các giải đấu quan trọng thu hút đông đảo người hâm mộ trong nhiều năm qua là dịp để tỉnh Phú Thọ khẳng định uy tín, trách nhiệm trong công tác tổ chức những sự kiện thể thao lớn. Từ đó tạo nền tảng vững chắc trong việc tổ chức thành công các trận thi đấu môn bóng đá nam tại SEA Games 31 trên SVĐ Việt Trì. Đây cũng là dịp quan trọng để quảng bá với bạn bè trong nước và quốc tế về hình ảnh, con người, bản sắc văn hóa đất Tổ Hùng Vương”.
“Cơn mưa tình yêu”
Phú Thọ, miền quê trung du vốn bình lặng, những ngày này tưng bừng "trống giong cờ mở". Bóng đá như một chủ đề bàn tán xôm tụ của người dân nơi đây. Dù tỉnh nhà chưa có đội bóng chuyên nghiệp nhưng tình yêu bóng đá không thua bất cứ nơi đâu. Sân Việt Trì cũng đã biết cách để lại dấu ấn riêng của mình ở những ngày qua.
Nét rất riêng đó được nhìn thấy dưới những cơn mưa nặng hạt trên sân Việt Trì. Những trận đấu của đội U23 Việt Nam trời đều đổ mưa. Hơn 3.000 lá cờ tổ quốc cầm tay đã được khán giả trung du đội mưa ngồi vẫy ủng hộ cho thầy trò ông Park. Hình ảnh quá đẹp mà anh em phóng viên đổ về đây thốt lên “cơn mưa tình yêu”.
Nhìn Quốc kỳ Việt Nam khổ đại được căng ra kiêu hãnh ở sân Việt Trì trong mỗi trận đấu sẽ thấy những xúc cảm dâng trào. Nhìn những dòng người vui như hội giữa rợp trời cờ hoa ở Phú Thọ, mới thấy niềm vui bóng đá mang lại lớn đến mức nào. U23 Việt Nam may mắn sống trong bầu không khí hào hùng đó.
Với đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, khán giả được tận mắt chứng kiến các ĐTQG thi đấu như "cơm bữa". Trong khi những địa phương khác, chuyện này luôn nằm trong mơ của người xem. Ở Phú Thọ thì dễ gì bởi địa phương này là “vùng trắng” trên bản đồ bóng đá đỉnh cao V-League.
Nhìn vào “biển người” màu đỏ ở sân Phú Thọ trong những trận đấu đã qua sẽ thấy khi bóng đá được về những vùng miền xa các đô thị vẫn có sức sống vững bền.
Công tác tổ chức của Phú Thọ đã thành công. Bởi suy cho cùng, bóng đá gắn liền và len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội. Bóng đá Việt Nam cần khán giả, ngược lại, khán giả cũng tìm đến bóng đá không chỉ giải trí mà còn kích hoạt những niềm vui.
Ông Ngô Đức Quý - Giám đốc Trung tâm quản lý, khai thác Khu Liên hợp Thể dục thể thao Phú Thọ tâm sự: “Người dân ở đây mê bóng đá lắm! Hiếm có sân bóng nào không có đội V-League nhưng lại chật cứng khán giả mỗi khi có U23 Việt Nam về thi đấu. Năm 2019 đá giao hữu với U23 Myanmar hay vừa rồi gặp U20 Hàn Quốc đã sôi động rồi huống hồ gì SEA Games. Phú Thọ mong sẽ mang đến nhiều may mắn để bảo vệ được tấm HCV môn bóng đá nam”.
U23 Việt Nam dù chưa thể hiện năng lực ở mức độ bừng khởi nhất sau vòng bảng. Nhưng không hề gì, bởi các chàng trai áo đỏ đã chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Sau trận, khán giả “đội mưa” nán lại để gửi những tràng pháo tay động viên, khích lệ tinh thần đến đứa “con cưng” cho hành trình gian truân phía trước.
Cảm ơn U23 Việt Nam, cảm ơn người dân Phú Thọ! Chúng tôi, những nhà báo cũng khó quên xúc cảm trong những chiều mưa miền trung du ngồi xem bóng đá.
Trần Tuấn