VĐV bơi Nguyễn Diệp Phương Trâm kiện đơn vị chủ quản TP.HCM: Sẵn sàng thương lượng và hầu tòa
(Thethaovanhoa.vn) - Lãnh đạo ngành thể thao TP.HCM cho biết mâu thuẫn giữa gia đình Phương Trâm và đơn vị chủ quản TP.HCM vẫn chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Trước mắt 2 bên sẽ ngồi lại tìm tiếng nói chung. Nếu gia đình Phương Trâm không đồng ý và muốn kiện thật, phía TP.HCM sẵn sàng đi hầu tòa.
Không thể so sánh Phương Trâm với Ánh Viên
Trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo ngành thể thao TP.HCM đề nghị không nêu tên cho biết: “Phương Trâm là viên ngọc thô được TP.HCM phát hiện và đào tạo từ 7-8 năm nay. Số tiền để đầu tư cho Phương Trâm là tiền của ngân sách Nhà nước chứ không phải của cá nhân nào. Về chuyên môn, thành tích của Phương Trâm năm nay 14 tuổi tốt hơn so với Ánh Viên trước đây khi ở cùng độ tuổi cũng là bình thường, bởi lẽ Phương Trâm được ăn tập bài bản với các chuyên gia, HLV của đội bơi TP.HCM từ nhỏ.
Còn Ánh Viên là trường hợp có năng khiếu, tài năng được phát hiện khi đã lớn hơn độ tuổi của Phương Trâm. Về lâu dài, lấy thành tích hiện tại của Phương Trâm so với Ánh Viên để nói Phương Trâm tốt hơn cả Ánh Viên là so sánh mơ hồ, khập khiễng. Còn rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến thành tích của một VĐV thể thao khi họ trưởng thành.
Như gia đình Ánh Viên sẵn sàng giao con gái họ cho TT TDTT Quốc phòng 4, để Ánh Viên toàn tâm toàn ý tập luyện cùng HLV Đặng Anh Tuấn. Còn Phương Trâm, bây giờ đã bị ảnh hưởng bởi gia đình, chưa biết tâm lý sẽ chi phối thành tích của em ấy sau này ra sao”.
Đề cập đến chuyện Phương Trâm đòi kiện đơn vị chủ quản TP.HCM vì số tiền bồi thường phá vỡ hợp đồng quá cao, lên đến 960 triệu đồng, vị lãnh đạo nói trên cho biết thêm: “Gia đình Phương Trâm đề đạt nguyện vọng xin nghỉ để du học Mỹ nhưng họ cho biết đến giờ vẫn chưa có giấy tờ thủ tục gì để du học Mỹ. Nhiều người cũng ngạc nhiên khi hoàn cảnh gia đình của Phương Trâm không khá giả gì. Những người làm thể thao không giữ người khi họ không muốn ở lại. Thậm chí nếu Phương Trâm du học Mỹ không thành hoặc bỏ về giữa chừng thì sẽ có đơn vị sẵn sàng nhận em ấy trở lại”.
Sẵn sàng cho Phương Trâm đi nếu…
Theo tìm hiểu, phía TP.HCM đòi gia đình Phương Trâm bồi thường số tiền gần 1 tỷ đồng bởi đó là tiền của ngân sách. Lâu nay Phương Trâm đã nhận được rất nhiều sự đầu tư. Ngoài tiền ăn, Trâm còn được nhận chế độ sinh hoạt gần 300.000 đồng/ngày, tiền hỗ trợ tài năng thể thao TP.HCM vài triệu đồng/tháng… Để có một Phương Trâm bây giờ, ngành thể thao TP.HCM đã tốn không ít công sức, tiền của. Và số tiền đòi bồi thường 960 triệu đồng là chưa bằng những gì Phương Trâm đã nhận được. Số tiền đó là chỉ tính sơ sơ tiền hợp đồng 1 năm, không kể hàng trăm triệu đồng tiền thưởng mà Phương Trâm có được nhiều năm qua. Tiền thưởng TP.HCM đều cho Phương Trâm giữ lấy toàn bộ. Theo quy định hợp đồng, VĐV tự cắt hợp đồng với đơn vị chủ quản phải đền gấp 3 lần số tiền đào tạo. Phía TP.HCM sẵn sàng làm tới nơi để làm gương cho nhiều VĐV khác. Nếu buổi gặp tới đây mà phía gia đình Phương Trâm và ngành thể thao TP.HCM không tìm được tiếng nói chung, gia đình Phương Trâm vẫn muốn tiếp tục kiện tụng thì phía TP.HCM cũng sẽ hầu tòa.
Có tin, sự việc ầm ĩ vừa xảy ra xuất phát từ sự xúi giục của những đơn vị khác. Nhận thấy Phương Trâm có nhiều tiềm năng phát triển, địa phương khác muốn lấy VĐV này về để cạnh tranh thành tích. Địa phương đó cũng sẵn sàng đưa Phương Trâm theo Ánh Viên tập huấn tại Mỹ để nâng cao chuyên môn.
Trong khi đó, TP.HCM vì thấy Phương Trâm còn ở độ tuổi quá trẻ (14 tuổi) và chỉ vừa đủ tuổi thi đấu chuyên nghiệp hơn 1 năm qua nên chưa quyết liệt đầu tư cho cô. Những sự tác động sau lưng của đơn vị đó, cùng với lý do Phương Trâm không được tập huấn ở Mỹ và thay vào đó là Trung Quốc nên gia đình VĐV này đã làm to chuyện.
Đem chuyện này trao đổi với ông Mai Bá Hùng, Phó GĐ Sở Văn hoá Thể thao TP.HCM thì chúng tôi được biết: “Tôi không khẳng định bất cứ điều gì khi chưa được kiểm chứng. Nhưng nếu lãnh đạo địa phương nào muốn lấy Phương Trâm về đầu quân thì nên nói chuyện rõ ràng với phía TP.HCM. TP.HCM sẵn sàng tạo điều kiện nếu Phương Trâm đến nơi có nhiều điều kiện phát triển tài năng hơn. Như thế thể thao Việt Nam sẽ không phí hoài một tài năng. Nhưng mọi thứ vẫn phải theo trình tự và tôn trọng những quy định của Nhà nước”.
Việt Hà
Thể thao & Văn hóa