Vãng cảnh chùa Nôm - Tuyệt phẩm kiến trúc Đồng bằng Bắc bộ
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi về thăm chùa Nôm ở xã Đại Đồng- Văn Lâm, Hưng Yên. Chùa có tên Nôm vì nằm ở làng Nôm. Tên tự của chùa là Linh Thông Cổ Tự, do từ xa xưa vốn nằm giữa một rừng thông cổ thụ. Chùa xây dựng vào năm 1680, được trùng tu vào thế kỷ 18. Chùa Nôm nổi tiếng với nhiều nét kiến trúc đặc sắc của văn hoá Việt và nhiều đồ thờ, di vật quý báu.
- Vụ tự ý tu bổ di tích chùa Khúc Thủy: Sai phạm vẫn tiếp diễn
- Chính phủ giao Bắc Giang lập quy hoạch bảo tồn di tích chùa Bổ Đà
Đặc sắc nhất trong những di vật ở chùa Nôm là 122 bức tượng đất nung, miêu tả quá trình trưởng thành của đức Phật qua các giai đoạn của cuộc đời; có bức cao đến 3 nét, có bức rất nhỏ, được trưng bày trong không gian tâm linh thành kính, kỹ thuật chế tác tinh xảo, công phu.
Điều đặc biệt nhất là qua mấy trăm năm thiên tai, lũ lụt, các pho tượng Phật dù chỉ làm bằng đất ở đây vẫn không bị hư hại, vững bền như thách thức với thời gian. Chùa còn có bức tượng cổ bằng đồng "Cửu long phật đản" miêu tả cuộc đời đức Phật tổ Như Lai từ khi mới chào đời, xung quanh là 9 con rồng uốn lượn cùng những tháp, chuông, đỉnh đồng và nhiều di vật quý khác.
Chùa là một công trình kiến trúc tiêu biểu của văn hoá vùng đồng bằng Bắc Bộ. Tam quan cao rộng hiếm thấy. Liền bên cổng vào, tháp chuông và lầu trống cao, uy nghi với đường nét truyền thống soi bóng bên hồ nước rộng. Ngôi chùa chính nằm ẩn mình dưới những bóng cổ thụ, tạo không gian tĩnh mịch, trang nghiêm. Phía bên trái chùa còn một hồ nước nữa, nơi có lầu Quan Âm dáng như một đài sen cao. Một cây cầu đá hình cánh cung nối lầu Quan Âm với sân chùa rộng. Hai Cửu phẩm liên hoa bằng đồng, chạm khắc khá tinh vi ở hai bên cầu tạo nên đường nét kiến trúc hài hoà. Liền bên sân và khu chùa cổ là khu vườn tháp đá ong vàng óng, vẫn nguyên vẹn sau nhiều năm tháng.
Chùa Nôm cuốn hút du khách với các công trình kiến trúc cổ đặc sắc, hài hoà với thiên nhiên trên một không gian rộng nhiều héc ta. Vẻ đẹp ấy càng được tôn lên trong một ngôi làng cổ với cầu đá, bến nước, sân đình rất gần gũi, thân thiết của một vùng quê còn lưu giữ được nhiều nét văn hoá thuần Việt.
Bài và ảnh: Trần Mai Hưởng