loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi bàng nghe tin nhà thơ, nhà biên kịch, NSƯT Văn Lê - tác giả kịch bản Long thành cầm giả ca đột ngột ra đi sau cơn đột quỵ vào tối 6/9 tại nhà riêng (TP.HCM). Và tôi đã lỗi hẹn tặng anh cuốn sách Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình, trong đó có bài thơ Tiếng gọi bò của anh…
Khi đưa kịch bản LTCGC vào sản xuất, Hãng biết đây không phải bộ phim dành cho đối tượng khán giả mua vé hiện nay, những thanh niên (16-22 tuổi) hiếu động chỉ thích phim hành động Mỹ, không hợp với phim lịch sử Việt Nam.
72 năm sống, Văn Lê là nhà văn cống hiến ở cả 2 lĩnh vực văn chương và điện ảnh với hơn 30 tác phẩm và rất nhiều giải thưởng.
Tài năng tỏa sáng cả văn chương và điện ảnh
Khởi đầu sự nghiệp sáng tác, Văn Lê đến với thơ. Sau tập thơ đầu tiên Một miền đất, một con người xuất bản năm 1976, Văn Lê đã xuất bản 3 tập thơ: Khoảng thời gian tôi biết (1983), Phải lòng (1994), Vé trở về (2013) và 2 tập trường ca Những cánh đồng dưới lửa (1997, 2004), Câu chuyện của người lính binh nhì (2006).
Duyên thơ đã đưa Văn Lê đến với những giải thưởng danh giá. Ngoài bài thơ Tiếng gọi bò đoạt giải Nhất Cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1975-1976, anh có 2 tập thơ đoạt giải thưởng, đó là Phải lòng (Giải A thơ về đề tài chiến tranh cách mạng Hội Nhà văn năm 1994), Những cánh đồng dưới lửa (Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng năm 1999, Giải Văn học quốc tế MeKong năm 2006).
Khởi nghiệp bằng thơ ca, nhưng Văn Lê không ngừng khắc khoải tìm kiếm các thể loại mới ngoài thơ. Nỗ lực thử sức, dấn thân với thể văn xuôi và anh đã rất thành công. Văn Lê viết đều, viết khỏe và công bố gần 20 tác phẩm văn xuôi. Tập truyện: “Những ngày không yên tĩnh” (1978), “Chuyện một người du kích (1980), “Bão đen” (1980), “Đồng chí Đại tá của tôi” (1981), “Chim Hồng nhạn bay về (1996) và tập truyện và ký “Những câu chuyện làng quê” (2005); và tiểu thuyết: “Người gặp trên tàu” (1982), Ngôi chùa ở Pratthana (1985), “Khoảng rừng có những ngôi sao” (1985), “Hai người còn lại trong rừng (1989), “Tình yêu cả cuộc đời” (1989), “Khi tòa chưa tuyên án (1989), Tiếng rơi của hạt sương khuya (tiểu thuyết, 1993), “Nếu anh còn được sống (tiểu thuyết, in lần 1 năm 1994, lần 2: 2001; xuất bản tại Hàn Quốc năm 2001), “Đồng dao thời chiến tranh” (1999), “Cao hơn bầu trời” (2004), “Mùa hè giá buốt” (in lần 1 năm 2009, lần 2 năm 2012), “Mỹ nhân” (2013), “Thần thuyết của Người Chim” (2014), “Phượng hoàng” (2014). Và Cống nhân là cuốn tiểu thuyết cuối cùng xuất bản năm 2020 khép lại trong khi bao dự định bản thảo còn dang dở…
Trả nghĩa đồng đội bằng tác phẩm viết về chiến tranh
Năm 1945, L. Tolstoy - nhà văn chuyên viết về đề tài chiến tranh của nước Nga đã phỏng đoán: “Trong một trăm năm tới, chiến tranh vẫn là cảm hứng sáng tạo cho toàn bộ nghệ thuật - từ bi kịch và sử thi cho đến cả những bài thơ tứ tuyệt, trữ tình”. Nói như nhà văn Xuân Thiều “Không đâu như ở Việt Nam, những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc lại kéo dài hàng mấy chục năm. Đây là một hiện thực xã hội mà sử sách không thể nào nói khác được. Dĩ nhiên, những cuộc chiến tranh ấy đã lùi xa, nhưng dư âm của chúng không thể chấm dứt”.
Với cựu chiến binh Văn Lê cũng vậy. Dẫu cuộc chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ, nhưng lúc nào trong tâm can nhà thơ Văn Lê cứ đau đáu, tha thiết với đề tài trận mạc. Không biết bao đêm anh giật mình bởi âm thanh thét gào của cuộc chiến vọng lại. Cũng không đếm nổi bao lần anh thao thức, trăn trở như nghe tiếng thì thầm của đồng đội. Với anh viết về lịch sử, về những ngày đã qua như một món nợ lòng, ám ảnh, hối thúc tâm can: “Quá trình viết cũng chính là quá trình tự giải tỏa mình. Cảm hứng lịch sử luôn luôn hối thúc tôi cầm bút như để lý giải, giãi bày, chia sẻ những suy nghĩ của mình. Viết là để những ngày đã qua không hoang vu…”.
Văn Lê cũng như nhiều văn nghệ sĩ trung thành với đề tài chiến tranh. Mỗi người chọn và đi theo những con đường khác nhau để giải thích về cuộc chiến. Phần lớn tác phẩm của anh xoay quanh số phận con người trong chiến tranh và bao giờ Văn Lê cũng luôn nhất quán quan niệm “Viết về chiến tranh không chỉ là chiến thắng”…
Là thế hệ chỉ chứng kiến cuộc chiến tranh phá hoại, nhưng tác giả bài viết này vẫn có một góc nhìn về cuộc chiến từ phía hậu phương, từ những mất mát, đau thương mà chính tôi là người trong cuộc. Sau khi bảo vệ luận án tiến sĩ ngữ văn Thơ với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi tập hợp những bài nghiên cứu - phê bình in cuốn sách Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình. Trong đó, phần Phụ lục cuốn sách là chân dung hơn 100 nhà thơ thế hệ chống Mỹ. Tôi chọn bài thơ Tiếng gọi bò tha thiết của nhà thơ Văn Lê cho cuốn sách của mình. Bài thơ được trao giải Nhất cùng với Hữu Thỉnh và Anh Ngọc trong Cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1975-1976:
…Tiếng gọi của mẹ già với sặc sụa cơn ho
Tiếng gọi của em thơ nghe buồn như khóc
Tiếng gọi bò vần ta trằn trọc
Trong căn hầm trống trải ven sông
Pháo giặc trời xa vẫn nổ ì ầm
Mẹ ơi! Không thể thấy bò đâu, dù suốt đêm mẹ gọi
Đồn giặc rất xa, gió không mang tới
Con bò của mẹ giữa vòng gai
Tiếng gọi bò ở hai đầu đêm nay
Cứ vần súng và ta trằn trọc…
Trong cảm xúc của nhà thơ Y Phương - đồng đội những năm tháng ở Cục Chính trị Miền, Văn Lê là người hiền hòa, đôn hậu, ấm áp tình bạn hữu. Nhà văn Ngô Vĩnh Bình tiễn biệt đồng đội bằng chính thơ của Văn Lê trong tập thơ Phải lòng:
Bạn bè, đồng chí của tôi
Thương nhau dâng hiến trọn đời thanh xuân
Sống thì lấy thân che thân
Lấy tình bọc lấy cái nhân con người
Cũng vì tình nghĩa cả thôi
Mà ràng, mà buộc một đời với nhau
Mùa Hè giá buốt là tiểu thuyết Văn Lê viết về chiến dịch Mậu Thân 1968 đã đoạt “cú đúp” giải thưởng: Giải B (không có giải A) về Văn học chiến tranh, Bộ Quốc phòng (2004 - 2009); giải Nhất Giải thưởng văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ I (2006-2011).
Tiểu thuyết kể một đơn vị được lệnh rút quân sau100 ngày chiến đấu trong thành phố. Cái tên Mùa Hè giá buốt gợi bao nỗi ám ảnh đến lạnh buốt sống lưng, bàng hoàng với bi kịch xót đau của cuộc chiến. Nói như nhà văn Ngô Thảo: “Nếu viết về sự sòng phẳng trong chiến tranh thì chưa có cuốn nào vượt qua Mùa Hè giá buốt cả”. Nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị đã từng xếp Mùa Hè giá buốt của Văn Lê cùng Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) và Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh) là 3 cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh hay nhất…
Tiểu thuyết Phượng hoàng là tác phẩm viết về chiến dịch cùng tên do Mỹ và quân đội Sài Gòn thực hiện trong giai đoạn 1968-1972. Nhà văn chia sẻ: “Phượng hoàng là cuốn tiểu thuyết tôi viết về những người lính được giao nhiệm vụ xuống những vùng trắng xây dựng phong trào cách mạng. Dù không biết nơi đó có còn cơ sở hay không, lại bị địch phong tỏa dữ dội, nhưng những người lính vững vàng, từng bước xây dựng lực lượng cách mạng”.
Lý giải thành công đó, nhà văn đánh giá cao phẩm tính con người, đó chính là “phẩm hạnh của người lính, phẩm hạnh của dân tộc. Viết về người lính, về nhân dân là viết về phẩm hạnh và lòng trắc ẩn - cái mà thiếu nó chúng ta khó có thể củng cố được danh giá và thể thống con người. Nhờ có phẩm hạnh ấy mà dân tộc ta đã đi vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh một cách điềm tĩnh và đầy tính con người”…
Tiểu thuyết Phượng hoàng đoạt giải A về Văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng 5 năm (2009-2014) và Giải Nhì Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ II (2012-2017).
Người đưa Nguyễn Du lên màn ảnh rộng
Bộ phim truyện nhựa Long thành cầm giả ca (Bài ca về người gảy đàn đất Thăng Long) do Đào Bá Sơn đạo diễn (Hãng phim Giải phóng) đã ra mắt công chúng nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với bao cảm xúc. 2 nghệ sĩ Văn Lê và Đào Bá Sơn cùng ê kíp đã kết hợp nhuần nhuyễn sáng tạo từ ngôn ngữ văn chương sang ngôn ngữ điện ảnh. Từ kịch bản đến phim Long thành cầm giả ca đều nhất quán chất lịch sử và nét văn hóa truyền thống của Thăng Long xưa. Thành công lớn nhất của bộ phim là đã xây dựng được hình tượng một văn nhân tài hoa, nhân ái, rộng lòng yêu thương con người…
Tính từ thời điểm nền điện ảnh Việt Nam ra đời cho đến nay, đây là phim truyện nhựa đầu tiên đưa hình tượng Đại thi hào dân tộc lên màn ảnh rộng. Văn Lê viết kịch bản lấy cảm hứng từ bài thơ chữ Hán cùng tên của Đại thi hào Nguyễn Du. Kịch bản này anh đã đoạt giải Nhất cuộc thi "Kịch bản kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội"…
Sự tận hiến cho nghệ thuật với anh không có giới hạn bến bờ. Bạn bè đồng nghiệp vẫn nhớ sự chia sẻ của anh: “Những người cầm bút như chúng tôi có một khát vọng là làm sao luôn có sức khỏe để viết được hết những gì mình trăn trở, để rồi một mai Diêm Vương có gửi thiệp cho mình thì mình có thể vui vẻ ra đi mà không nặng lòng…”…
Vài nét về nhà văn - NSƯT Văn Lê
Nhà thơ, nhà biên kịch Văn Lê tên thật là Lê Chí Thụy, sinh ngày 2/3/1949. Năm 17 tuổi (9/1966) chàng trai giỏi văn Lê Chí Thuỵ tạm biệt quê hương (xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) nhập ngũ. Tháng 11/1967, anh vào chiến trường Đông Nam Bộ, công tác tại Cục Chính trị Miền. Tài năng văn chương đã đưa Văn Lê đến tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng từ tháng 10 năm 1974. Từ tháng 11/1976, anh làm biên tập viên tuần báo Văn nghệ Giải phóng và tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam. Tháng 12/1977, Văn Lê tái ngũ làm phóng viên chiến trường Tây Bắc Campuchia (Mặt trận 479).
Sau 5 năm quân ngũ, năm 1982, Văn Lê về nhận công tác tại Hãng phim Giải Phóng thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho tới năm 2010 nghỉ hưu.
Văn Lê là hội viên của các Hội: Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam; từng tham gia Ban Chấp hành, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ khoá IV, Uỷ viên Hội đồng Thơ khoá V, VI (Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh)…
Ở lĩnh vực văn học, anh đã đoạt nhiều giải thưởng: Giải A cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam (1975-1976); Giải B thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội (năm 1984); Tặng thưởng Văn học Bộ Quốc phòng cho tiểu thuyết Nếu anh còn được sống (1994); Tiểu thuyết Mùa Hè giá buốt, giải B (Không có giải A) về Văn học chiến tranh, Bộ Quốc phòng (2004 - 2009), Giải nhất Giải thưởng văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ I (2006-2011); Tiểu thuyết Phượng hoàng đoạt giải A về Văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng 5 năm (2009-2014) và Giải nhì Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP.HCM 5 năm lần thứ II (2012-2017)…
Cơ duyên với điện ảnh đã đưa anh đến với nhiều giải thưởng: 3 giải thưởng kịch bản phim Tài liệu xuất sắc nhất, 1 giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất, 1 giải Bông sen Vàng, 5 Bông sen Bạc, 2 Cánh diều Vàng, 1 giải Galaxy của truyền hình Nhật Bản... Văn Lê được phong danh hiệu NSƯT ở lĩnh vực điện ảnh.
NSƯT Văn Lê mất lúc 20h45 ngày 6/9/2020. Lễ động quan sẽ diễn ra vào 7h ngày 9/9, sau đó linh cữu được đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa, TP.HCM.
|
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
loading...