A+ A A- Kiểu đọc sách

"Long thành cầm giả ca": (+), (-) và… lăn tăn

06:59 12/10/2010
loading...
(TT&VH Cuối tuần) - Những khán giả Việt Nam xem bộ phim Đường sơn đại địa chấn (đạo diễn Phùng Tiểu Cương) đã không cầm nổi nước mắt trước câu chuyện và những nhân vật ở tận xứ Đường Sơn bên Trung Quốc vốn hoàn toàn xa lạ với họ. Vậy mà cũng những khán giả này lại cười rộ lên trước những cảnh đáng lẽ phải vô cùng cảm động, thấm thía nghĩ suy của bộ phim lịch sử “thuần Việt” Long thành cầm giả ca. Vấn đề nằm ở khán giả hay ở bộ phim?

Bỏ lại sau lưng các dự án làm phim rầm rộ nhưng tất cả đều lỡ hẹn, Long thành cầm giả ca (LTCGC, hãng phim Giải Phóng, đạo diễn Đào Bá Sơn, diễn viên Quách Ngọc Ngoan, Nhật Kim Anh…) là bộ phim truyện nhựa lịch sử duy nhất được công chiếu trong dịp mừng Đại lễ ngàn năm. Đây cũng là đại diện số một của điện ảnh Việt Nam tại LHP quốc tế Việt Nam lần thứ nhất chuẩn bị khai mạc tại Hà Nội. Phim được quay hoàn toàn ở trong nước, với ê-kíp làm phim là người Việt 100%, lấy cảm hứng là bài thơ chữ Hán nổi tiếng và tác giả của nó - đại thi hào Nguyễn Du, một trong ba Danh nhân văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận (cùng với Nguyễn Trãi và Hồ Chí Minh). “Vị thế” này của LTCGC khiến nó nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Và chính vì vị thế đặc biệt như vậy, LTCGC càng cần được đánh giá, phân tích thẳng thắn, với mong muốn góp thêm một tiếng nói xây dựng cho dòng phim lịch sử Việt Nam nói riêng, cho phim Việt nói chung đáp ứng sự mong mỏi và kỳ vọng của khán giả.

Điểm (+)

Ấn tượng đọng lại nhất trong khán giả của 2 giờ đồng hồ xem phim LTCGC là sự tử tế và cái tâm đến tận cùng của người làm phim - điều rất hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Trong tâm bão của sự kiện bộ phim Việt, Đường tới thành Thăng Long, được thực hiện hoàn toàn ở Trung Quốc, thì những hình ảnh non nước Việt Nam hiện lên trong LTCGC đủ làm người xem cảm thấy dâng lên một niềm tự hào dân tộc, giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng.

Có thể thấy rõ các nhà làm phim đã chịu khó dấn thân tìm được những ngoại cảnh phù hợp cho bộ phim. Ở ta, phim trường không có, thì phương án quay tại Việt phủ Thành Chương và Thiên đường Bảo Sơn có thể xem là phương án tương đối phù hợp và an toàn.

Cái quan trọng nhất người xem thấy rõ ở LTCGC là sự kỹ càng, chỉn chu, và nhiệt huyết trong từng bối cảnh, từng món đạo cụ, giày dép mũ mão phục trang, vũ khí, chú ý đến từng cái cây ngọn cỏ, cho tới gam màu đất chủ đạo… tất cả đều có sự tìm tòi nghiên cứu, chứ không làm qua loa tạm bợ, thậm chí bôi bác như một vài phim lịch sử Việt Nam thời gian gần đây.

Nhưng tất cả những gì nêu ở trên chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ.

Một tác phẩm điện ảnh, dù được sản xuất với kinh phí trăm triệu đô cho đến vài nghìn đô, dù làm tại Việt Nam, Mỹ hay Trung Quốc, Thái Lan, dù nói tiếng Việt, tiếng Anh, hay bất cứ ngôn ngữ nào khác, tất cả đều cùng đi đến một mẫu số chung duy nhất: Mang lại cảm xúc cho khán giả. Nói cách khác, cứu cánh (mục đích cuối cùng) của nhà làm phim là một bộ phim hay, một tác phẩm điện ảnh lay động lòng người.

Điểm (-)

Phải nói là, những ai nhiệt thành với phim Việt mới đủ kiên nhẫn xem LTCGC cho đến hết phim. Trong suốt 2 giờ trên màn ảnh chỉ toàn những cảnh ảo não thê lương, không khí đượm màu trầm buồn u uất, tiết tấu phim cực chậm và đều đều, không có cao trào, không có yếu tố đột biến để dẫn dắt câu chuyện. May mà thỉnh thoảng màn ảnh xuất hiện những khung cảnh non nước Việt Nam đẹp sáng bừng, cảnh vật trong phim đã đánh thức người xem chứ không phải các chi tiết, tình tiết của câu chuyện.

Trong một bộ phim giới hạn về thời lượng, lại là phim lịch sử, thì việc lựa chọn những sự kiện quan trọng, tránh nhồi nhét, làm sao để khán giả chỉ tập trung vào những điểm chính yếu nhất của câu chuyện, là vô cùng quan trọng, nếu không sẽ rất dễ sa đà vào một bài giảng lịch sử. Rất tiếc, đây lại là điểm khó có thể khen của LTCGC.


Quách Ngọc Ngoan vai Tố Như, Nhật Kim Anh vai cô Cầm trong phim
Với LTCGC người xem không biết bộ phim tập trung vào sự kiện hay nhân vật: Tố Như hay cô Cầm? hoặc cả hai? Có quá nhiều nhân vật khiến người xem không kịp biết mối quan hệ giữa họ là như thế nào nếu chỉ qua những gì thể hiện trên màn ảnh (trừ khi họ phải đọc sử để biết rõ về thân thế, gia đình của Nguyễn Du). Đã vậy xen lẫn trong câu chuyện của các nhân vật này là rất nhiều biến cố lịch sử: nào vua Lê chúa Trịnh, nào nạn kiêu binh, rồi Tây Sơn, rồi quân Mãn Thanh xâm lược…

Thôi thì nhiều sự kiện cũng được, ít ra là khán giả sẽ được xem những hình ảnh mãn nhãn, đằng này đạo diễn lại chọn cách đơn giản nhất là… cho các nhân vật tự thuật qua lại với nhau bằng lời thoại. Điều ấy khiến khán giả hụt hẫng như đang xem những thước phim minh họa lịch sử chứ không phải một bộ phim nghệ thuật lấy cảm hứng lịch sử.

Chọn diễn viên, theo góc nhìn của người viết, cũng là một điểm nên bàn đến của LTCGC. Cả hai diễn viên thể hiện nhân vật trung tâm Quách Ngọc Ngoan (Tố Như) và Nhật Kim Anh (cô Cầm) đều có vấn đề.

Quách Ngọc Ngoan có ưu điểm là hình thể cao ráo, không béo mập như phần lớn các diễn viên nam hiện nay, gương mặt anh xương gầy góc cạnh, khá phù hợp với phim cổ trang. Nhưng ưu thế lớn nhất của diễn viên là đôi mắt thì lại là nhược điểm của anh: thiếu linh động, không toát lên vẻ thần thái cốt cách của một thi nhân, làm gương mặt của anh rất kém biểu cảm. Trong phần lớn bộ phim, người xem không thấy bất cứ sự thể hiện cốt cách đặc biệt gì của nhân vật Tố Như, ngoài việc anh cứ đi thơ thẩn như người… mất hồn.

Nếu căn cứ với những gì diễn ra trên màn ảnh, thì vai cô Cầm có đất diễn và số phận hơn hẳn vai Tố Như, nhưng diễn viên Nhật Kim Anh đã quá “diễn”, lúc nào gương mặt cô cũng “đầy tâm trạng”, đã vậy lại hóa trang trắng toát. Bởi vậy, tuy nhân vật trong phim khóc rất nhiều, nhưng hầu như rất ít để lại cảm xúc cho người xem. Mỗi lần cô Cầm cất tiếng hát là “mặt một nơi, giọng một nẻo”.

Hóa trang không thật với nhiều nhân vật khác cũng “góp phần” phá cảm xúc người xem phim. Các quan thì râu tóc thường không ăn với gương mặt (thấy rõ ở nhân vật do Trần Lực đóng). Các nhân vật trải qua mấy mươi năm sóng gió mà thân hình và gương mặt chẳng khác xưa là bao. Tố Như thì da mặt căng như tuổi trẻ, chỉ có râu, chân mày và tóc mai thì bạc trắng. Cô Cầm về già da mặt cũng căng như vậy, chỉ khác là bôi ít màu trắng lên mái tóc.

Nhiều cảnh dụng ý nhưng lại tác dụng ngược. Ví như lời thoại cô Cầm nói với Tố Như rất hay: “Mẹ em bảo nếu khóc thì chỉ khóc bằng một mắt thôi, mắt còn lại không được khóc vì để còn thấy đường mà đi”, thì khán giả lại cười. Cảnh Cô Cầm nằm mơ thấy Tố Như bị đâm, khán giả cũng cười! Cảnh viên quan nhà Lê (do Bùi Bài Bình đóng) tự sát, do chỉ làm ước lệ, trong khi lẽ ra phải là một cảnh quay ấn tượng: Cây gươm chỉ mới đâm vào bụng có một tí mà nhân vật đã chết đứng (thực ra là quỳ). Dễ hiểu vì sao camera chỉ quay ở phía trên, chứ không quay phía dưới bụng của nhân vật, và nhiều khán giả tới cảnh lẽ ra rất bi thương này lại cũng…cười vì thấy nó giống kịch!

Cảnh được xem là “cao trào”, khi cô Cầm muốn hiến thân cho Tố Như. Xưa nay, khi phân tích bài thơ Long thành cầm giả ca, cái tình của Nguyễn Du với người con gái gảy đàn ở Thăng Long chỉ được nhắc đến ở sự cảm thông, ở tri kỷ của hai tâm hồn nghệ sĩ, tuyệt nhiên không nói tới tình trai gái. Trên phim, có lẽ để hấp dẫn hơn, để đời thực và con người hơn, những nhà làm phim đã để Nguyễn Du bị cô Cầm “hớp hồn” không phải bằng tiếng đàn mà bằng… nhan sắc: cảnh gặp gỡ đầu tiên không phải trên chiếu đàn, mà ở chợ, khi cô Cầm cùng chúng bạn đi mua vải, Tố Như nhìn thấy và…ngẩn ngơ. Xin chưa nói tới hư cấu này có thể “hạ thấp” phần nào con người của Nguyễn Du, chỉ căn cứ những gì diễn ra trên phim, có thể hiểu lý do Tố Như từ chối tình cảm của cô Cầm là muốn tôn trọng tình cảm của cô, đồng thời giữ lòng son với người vợ ở quê nhà. Song cũng những gì thấy được trên phim lại thật khó hiểu: cô Cầm thì chủ động gợi tình, Tố Như lại nằm im thít, mắt nhìn lên trần nhà! Diễn xuất của Quách Ngọc Ngoan và xử lý của đạo diễn có cảm giác Tố Như… bị đồng tính hay bất lực, mới có vẻ thờ ơ như vậy! Cảnh lẽ ra cao trào cảm động này, vì thế cũng khiến khán giả… cười.

LTCGC vẫn dùng biện pháp lồng tiếng, trong khi kiểu gương mặt, diễn xuất, cảm xúc của người này mà đi lồng giọng của người khác đã thuộc về công nghệ quá lạc hậu rồi. Theo giải thích của đạo diễn Đào Bá Sơn: “Đây là bộ phim có rất nhiều quan lại và tôi không thể để quan lại nói ngọng, nói sai văn phạm, sai ngữ điệu, ngữ pháp...” (báo Đất Việt). Thắc mắc của khán giả là liệu diễn viên Việt mà đến nói tiếng Việt còn không ra hồn như thế thì có nên gọi là diễn viên?

Bao giờ không phải lăn tăn…

LTCGC rất xứng đáng để ngợi khen ở khâu mỹ thuật, rất “thuần Việt” như đã nói ở trên. Nhưng, nếu chỉ vì phẫn nộ với một vài bộ phim “Việt lai Tàu” mà đẩy tính “thuần Việt” thành tiêu chuẩn cao nhất và duy nhất của một bộ phim thì lại thành cực đoan. LTCGC là một bộ phim truyện Việt Nam 100% (câu chuyện, bối cảnh, đạo diễn, diễn viên…) thì thuần Việt là chuyện đương nhiên. Nếu chỉ xét chuyện “thuần Việt” thì LTCGC có lẽ cũng không phải bộ phim “thuần Việt” đầu tiên và duy nhất của điện ảnh Việt Nam. Ở đâu cũng vậy, khán giả đi xem phim chẳng bao giờ phải lăn tăn phim này có thuần (Nhật, Mỹ, Ý, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ…) gì gì hay không, mà chỉ là phim hay hoặc dở, hấp dẫn hay buồn ngủ, cảm động sợ hãi hay buồn vui… Những người làm điện ảnh Việt Nam phải sớm bước ra khỏi sự “lăn tăn” này mới thực sự hòa nhập được với khu vực và thế giới.

Vũ Duyên Anh
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...