Văn hóa ứng xử chính là di sản văn hóa đáng tự hào của Thủ đô
(Thethaovanhoa.vn) - Dù được nhắc đến nhiều, thực hiện đã lâu nhưng văn hóa ứng xử đối với người dân Hà Nội chưa bao giờ là vấn đề cũ. Những người làm văn hóa Hà Nội vẫn luôn cho rằng, văn hóa ứng xử chính là nét đẹp và là di sản văn hóa đáng tự hào của Thủ đô.
Hơn nữa, sau nhiều năm phai nhạt, để xây dựng lại nét đẹp văn hóa cần thời gian dài để thay đổi được nhận thức, thói quen của xã hội. Vì lẽ đó, thành phố vẫn đang bền bỉ để đưa các bộ Quy tắc ứng xử vào cuộc sống nhằm tạo nên một nét văn hóa riêng có cho Thủ đô.
Hình thành nét văn hóa đẹp
Do ảnh hưởng COVID-19, các cháu nhỏ vẫn còn chưa được đến trường, mọi người hạn chế ra ngoài, thì các thành viên của gia đình ông Nguyễn Phúc Khôi (tổ dân phố Hà Trì 3, phường Hà Cầu, quận Hà Đông) càng có nhiều thời gian gần gũi, chia sẻ với nhau hơn. Ngoài thời gian làm việc nhà, trẻ nhỏ học bài, thời gian còn lại ông bà cùng trò chuyện, vui chơi với các cháu. Tranh thủ lúc này, ông chỉ bảo các cháu cách ứng xử trong gia đình, ở trường lớp và ngoài xã hội.
Từ những việc đơn giản như cảm ơn khi được giúp đỡ, xin lỗi khi làm việc chưa tốt đến ý thức xếp hàng nơi công cộng. Bản thân ông bà luôn là tấm gương để con cháu nhìn vào noi theo, chuẩn mực trong cách đối nhân xử thế, tích cực tham gia công tác của tổ dân phố, của phường. Chính vì vậy, ông bà, con cháu trong gia đình đều biết kính trên nhường dưới, biết yêu thương, sống có trách nhiệm với nhau, được bà con khối phố nể trọng.
Gia đình ông Nguyễn Phúc Khôi cũng như nhiều gia đình khác ở quận Hà Đông luôn ý thức xây dựng văn hóa ứng xử trong gia đình và cũng như ngoài cộng đồng như một cách giữ gìn truyền thống văn hóa của người Hà Nội. Sau 4 năm thành phố Hà Nội triển khai các bộ Quy tắc ứng xử vào thực tiễn, quận Hà Đông từng bước hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của người dân nơi công cộng cũng như các cơ quan, công sở.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Thị Hòa, quận vốn là địa phương thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Do vậy, công tác triển khai bộ Quy tắc ứng xử vào cuộc sống tương đối thuận lợi, tạo thêm chuyển biến trong ý thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức cũng như nhân dân trong việc thực hiện nếp sống văn hóa ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị.
Còn tại quận Thanh Xuân, bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, người lao động và bộ Quy tắc nơi công cộng được triển khai thông qua việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt chi bộ của từng đơn vị, treo tại bộ phận một cửa và tại nhà văn hóa cộng đồng, xây dựng phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thi đua thực hiện văn hóa công sở và nơi công cộng”… Nhiều mô hình hay, cách làm mới gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử như “Tổ dân phố 5 không”.
Nhìn chung, khi thực hiện các bộ Quy tắc ứng xử, ý thức mỗi cán bộ, công chức, người lao động đều chuyển biến và thực hiện tốt tinh thần làm việc, thái độ phục vụ nhân dân. Chỉ số hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính quận Thanh Xuân được nâng cao. Ý thức chấp hành của nhân dân được nâng lên, nhất là trong thực hiện văn minh đô thị, trong việc tham gia các hoạt động nơi công cộng như, vườn hoa, sân chơi, công viên…Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Khánh Hòa khẳng định, Quy tắc ứng xử đã thực sự trở thành nếp sống văn hóa của cán bộ, công chức và nhân dân quận Thanh Xuân.
Bên cạnh đó, nhiều sở ngành, địa phương cũng nghiêm túc thực hiện Quy tắc ứng xử trong công tác và cuộc sống thường ngày. Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội lồng ghép nội dung Quy tắc ứng xử vào việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, cải tiến phương thức làm việc. Sở Tài chính Hà Nội đưa hai bộ Quy tắc ứng xử vào quy chế làm việc, cải tiến thái độ phục vụ nhân dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương của đội ngũ công chức, viên chức...
Gỡ dần những bất cập
Dù có những chuyển biến đáng kể sau 4 năm đưa hai bộ Quy tắc ứng xử vào thực tiễn nhưng vẫn còn đó những bất cập cần tháo gỡ. Nút thắt được chỉ ra trước hết là do nhiều người chưa có ý thức cao nên việc thực hiện chưa tự giác hoặc chưa nghiêm. Có những người quan niệm đó là những việc nhỏ nhưng thực tế, khi xảy ra hành vi chưa chuẩn mực trong văn hóa ứng xử thì hậu quả không lường.
Bài học về văn hóa ứng xử của một số cá nhân trong những năm trước đã tạo dư luận xấu, dù ngay sau đó thành phố xử lý rất mạnh tay. Nhìn chung, nét thanh lịch, văn minh, nhất là giao tiếp ứng xử của nhiều người chưa trở thành nếp sống tự giác phổ biến, thói quen trong cuộc sống.
Một mặt, công tác giáo dục, vận động xây dựng những giá trị tốt đẹp trong quan hệ xã hội, giáo dục nhân cách, ứng xử trong quan hệ gia đình, quan hệ cộng đồng xã hội còn có lúc chưa đạt như mong muốn. Một bộ phận thanh niên nhận thức còn lệch lạc, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, thiếu ý chí, lý tưởng. Ý thức chấp hành trật tự đô thị, vệ sinh môi trường của một bộ phận nhỏ nhân dân còn hạn chế.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Ngọc Tú, thời gian qua, công chức, viên chức, người lao động thuộc Sở luôn có thái độ lịch sự, văn minh, hướng dẫn nhiệt tình khi giải quyết công việc liên quan đến người dân.
- Hội nghị văn hóa 2021: Nối tiếp mạch nguồn 'văn hóa soi đường cho quốc dân đi'
- Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Kỳ vọng gì ở nền công nghiệp văn hóa Việt Nam?
- Chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam
Song cơ quan này còn nhận được một số phản ánh, kiến nghị của công dân, tổ chức về tác phong, thái độ làm việc khi giải quyết thủ tục hành chính, đồng thời vẫn còn tỷ lệ giải quyết văn bản, hồ sơ chậm so với yêu cầu. Chính vì vậy, thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phát huy vai trò giám sát của công dân, tổ chức trong thực thi công vụ.
Thời gian này, Hà Nội vẫn đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, các địa phương cũng tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch nên việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng chưa được thường xuyên. Việc thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng vẫn chỉ mang tính chất vận động, khuyến cáo, chưa mang tính pháp lý nên còn không ít khó khăn trong tổ chức thực hiện.
Để khắc phục tình trạng đó, ngành văn hóa Hà Nội cũng đề nghị quận, huyện, thị xã phổ biến sâu rộng hơn nữa các bộ Quy tắc ứng xử đến từng đối tượng, cơ quan, đơn vị, hội đoàn thể và các cá nhân nhằm tạo chuyển biến trong ý thức xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, thanh lịch. Các đơn vị, tổ chức cần chọn và nhân rộng những mô hình hay để lan tỏa, góp phân xây dựng nếp sống văn hóa Hà Nội.
Thu Hằng