A+ A A- Kiểu đọc sách

Từ ý tưởng xóa bỏ khu Hòa Bình tại Đà Lạt: Kiến trúc hôm qua - bản sắc hôm nay

19:00 26/03/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc sống là sự thay đổi. Và ở rất nhiều trường hợp, những kiến trúc của quá khứ đã ít nhiều tỏ ra không đáp ứng nổi nhu cầu của hiện tại. Nhưng trong sự thay đổi ấy, liệu chúng ta có biết cách gìn giữ được những giá trị đã được hình thành theo thời gian?

Rạp Hòa Bình, những ngày này Đà Lạt bỗng buồn đến lạ!

Rạp Hòa Bình, những ngày này Đà Lạt bỗng buồn đến lạ!

Rạp Hòa Bình từ xưa đến nay có thể xem là biểu tượng của Đà Lạt một phần vì nó gắn bó với đời sống tinh thần, văn hóa của người dân Đà Lạt...

Câu hỏi ấy được rất nhiều người đặt ra - khi trong bản quy hoạch vừa công bố, tỉnh Lâm Đồng đang có ý định xóa bỏ khu rạp Hòa Bình (và dinh tỉnh trưởng) để thay thế bằng những công trình mới. Và Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã trao đổi với một số chuyên gia về vấn đề này.

Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên: “Đừng đánh mất “tâm điểm giao thoa văn hóa”

Từng gắn bó nhiều năm với Đà Lạt và có nhiều cuốn sách về thành phố này, nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên cho biết:

Nhìn ở khía cạnh lịch sử và văn hóa, cần một diễn giải khá dài và cẩn trọng để thấy giá trị tài nguyên nhân văn đô thị của khu vực Hòa Bình trong tiến trình hình thành và phát triển của Đà Lạt. Nói ngắn gọn, đây là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng của thành phố, là ngôi chợ trung tâm, là quảng trường đã từng diễn ra nhiều sự kiện văn hóa chính trị và là tâm điểm giao thoa văn hóa, thương mại của các nhóm dân Việt, Pháp, Ấn, Hoa và người bản địa trong lịch sử thành phố.

Chú thích ảnh
Nhà văn Nguyễn Vĩnh Nguyên

Là một điểm mốc trong ký ức cộng đồng đô thị, một cao điểm tinh thần mang đầy đủ tâm tính đặc thù nơi chốn, khu vực này có vị trí vô cùng nhạy cảm. Chúng ta cần nghĩ giải pháp chỉnh trang, tôn tạo, trùng tu, tránh xâm hại để di sản mang lại giá trị văn hóa và kinh tế hơn là chỉ nghĩ đơn giản rằng… thay mới.

* Khi ta nhớ về làng xưa, phố cũ của quê hương mình là nhớ về những cái cụ thể như căn nhà ta ở có mấy mét vuông, mấy cửa sổ, mấy cây ăn trái. Nhưng, ta cũng nhớ cả những cái trừu tượng tâm tình, hồn cốt, hương vị - những cái trừu tượng. Theo anh, hình ảnh Đà Lạt có vài hồn cốt, hương vị nào là đặc trưng, khó lặp lại?

- Tôi nghĩ không trừu tượng lắm đâu. Khi ta nhìn lịch sử dưới quan điểm phân kỳ, cấu trúc được, thì sẽ cắt nghĩa hệ thống di sản các thời kỳ cần gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo là gì để không tự làm nghèo nàn giá trị vốn có. Từ đây nhận ra khu vực nào cần hiện đại hóa, tạo dấu ấn cho đô thị đương đại, phục vụ các nhu cầu thời đại.

Bỏ qua phương diện ký ức, tình yêu là những thứ thường mơ hồ và cảm tính, nếu phân kỳ được lịch sử Đà Lạt, ta sẽ thấy có ba yếu tố chính cần giữ gìn. Đầu tiên là bản địa - tiền đô thị, với hình ảnh lòng chảo đồi cù đổ về hồ Xuân Hương, nơi từng quần cư ngôi làng người Lạch, nay là di sản thiên nhiên (dù đó là thiên nhiên có nhiều dấu ấn nhân tạo).

Chú thích ảnh
Khu Hòa Bình thập niên 1950. Ảnh: Bảo tàng Lâm Đồng

Thứ hai là khu di sản biệt thự, dinh thự, công trình giao thông, tôn giáo, giáo dục với hình thái kiến trúc thời Đông Dương thuộc địa, kéo một vòng cung từ Hùng Vương qua Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Hoàng Văn Thụ. Và cuôi cùng là khu di sản giao thoa văn hóa với sự lớn mạnh dần của vai trò người Việt ở trung tâm Hòa Bình, phía Bắc thành phố (đa số các công trình kiến trúc tân kỳ xây dựng ở khu vực này vào khoảng 1954-1975).

Và cuối cùng, tôi xin khẳng định, dù bảo tồn hoặc làm mới, thì cũng chúng ta đều cần phục hưng môi trường tự nhiên. Tôi nói “phục hưng”, bởi vì hiện nay, sau một giai đoạn phát triển kiểu thị trường không có triết lý, màu xanh trong thành phố cơ bản đã bị xóa đi.

* Cảm ơn anh về những ý kiến thẳng thắn này.

PGS Nguyễn Quốc Thông (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam): “Đô thị luôn cần những biểu tượng”

Tôi đồng ý rằng kiến trúc tất nhiên phải có sự thích ứng với cuộc sống hôm nay. Nhưng ở góc độ ngược lại, một khi đã trở thành biểu tượng cấu thành bản sắc của đô thị , những kiến trúc ấy lại trở thành một tài sản có hàm lượng văn hóa cao. Nói cách khác, chúng tạo ra những giá trị gia tăng cho đô thị hiện đại. Trong đó, ngoài giá trị về văn hóa, những kiến trúc ấy mang lại cả giá trị về kinh tế.

Chú thích ảnh
PGS Nguyễn Quốc Thông

Trên thế giới, cách ứng xử với những công trình như vậy đã được đúc kết thành những giải pháp rất cơ bản. Người ta có thể sửa chữa công trình cũ, có thể sử dụng những loại vật liệu mới nhưng gợi cảm giác hoài niệm, có thể thay đổi công năng – hoặc thậm chí, xây lại nhưng vẫn bảo tồn một vài phần kiến trúc cơ bản mang hồn cốt của công trình. Việc quy hoạch tại Đà Lạt nên tính tới những yếu tố ấy, thay vì vội bỏ đi những kiến trúc cổ xưa.

Văn Bảy – Sơn Tùng (thực hiện)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...