A+ A A- Kiểu đọc sách

Rạp Hòa Bình, những ngày này Đà Lạt bỗng buồn đến lạ!

11:29 19/03/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Rạp Hòa Bình từ xưa đến nay có thể xem là một trong những biểu tượng của Đà Lạt một phần vì nó gắn bó với đời sống tinh thần, văn hóa của người dân Đà Lạt...

Ký ức của đô thị

Ký ức của đô thị

Tôi không mấy khó khăn để tìm kiếm những thông tin về rạp Hòa Bình và dinh tỉnh trưởng tại Đà Lạt. Trên mặt báo và các diễn đàn, tư liệu về chúng đang tràn ngập, sau khi tỉnh Lâm Đồng công bố kế hoạch xóa bỏ 2 kiến trúc này.

Sát góc bên trái của rạp Hoà Bình là những ki ốt bán hàng lưu niệm của người Đà Lạt, trong đó có một vài người gốc Bắc. Mỗi lần đi "bát phố" ở khu này, người ta sẽ thấy vẻ mặt "hơi hằn học" của các ông chủ, bà chủ có tiệm sát rạt khu Hòa Bình, nhưng chẳng phải ngại vì thật ra các ông bà chủ khu này đều là người dễ thương, hiền lành và tốt bụng.

Lịch sử đã để lại cho Đà Lạt không ít những công trình kiến trúc giá trị cộng hưởng thêm sự ưu ái của thiên nhiên khiến Đà Lạt trở thành vùng đất cao nguyên đáng sống. Trải qua khoảng thời gian thăng trầm, thành phố hơn 250.000 dân này trở thành thành phố tiềm năng của tỉnh Lâm Đồng sau nhiều đổi thay.

Năm 1934, chợ Đà Lạt được xây dựng với diện tích 900m2 (dài 16m, rộng 15m). Quảng trường trước chợ và đường quanh chợ gọi là Place du Marché (chúng ta vẫn thường gọi là Quảng trường Chợ - trước đó) đến mãi năm 1953, Place du Marché đổi là khu Hoà Bình.

Chú thích ảnh
Khu rạp xi - nê Hòa Bình thời đó. Ảnh: Doi Kuro

Khu Hòa Bình bao gồm tích hợp chợ Đà Lạt, rạp Hòa Bình, chợ đêm. Chợ Đà Lạt được xây dựng xong vào năm 1960, là một trong những ngôi chợ đầu tiên có nhiều tầng. Còn rạp Hòa Bình vốn là chợ cũ chuyển đổi thành rạp chiếu phim.

Rạp "Xi-nê" Hoà Bình là rạp chiếu bóng quy mô nhất trong ba rạp chiếu bóng ở Đà Lạt ngoài  rạp Ngọc Lan, rạp Ngọc Hiệp. Xung quanh rạp Hòa Bình là các cửa hàng nhỏ, khu rạp hát Hòa Bình được xem là trung tâm thành phố Đà Lạt. Khu này từng là chợ chính của thành phố Đà Lạt, sau này người ta xây dựng khu chợ Mới và đập bỏ khu chợ cũ (chợ Cây), chợ Mới Đà Lạt nằm trong khu Hòa Bình dần trở thành nơi buôn bán sầm uất nhất thành phố.

Chú thích ảnh
Ảnh: Wilbur E. Garrett

Ngoài khu chợ Mới, khu Hòa Bình còn có rạp Hòa Bình, từ xưa đến nay nơi này được xem là biểu tượng của Đà Lạt. Một phần vì nó gắn bó với đời sống tinh thần, văn hóa của người dân Đà Lạt phần khác là từ mọi ngả đường, để không bị lạc quá xa trung tâm khách du lịch phải đi theo hướng họ nhìn thấy tháp cao của khu Hòa Bình - chợ Đà Lạt.

Chú thích ảnh
Rạp Hòa Bình từ những thập niên trước. Ảnh: John Aires

Mới đây, thông tin về việc tháo dỡ hoàn toàn rạp hát Hòa Bình làm người dân Đà Lạt ít nhiều bỡ ngỡ. Có lẽ với những người Đà Lạt gốc, đó còn là sự tiếc nuối. Mặc dù hình ảnh chen chúc nhau mua vé đến rạp xem phim vào mỗi cuối tuần chắc chỉ còn trong ký ức.

Nhắc về khu Hòa Bình và những sự thay đổi trước đó, theo tư liệu tìm hiểu, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ chính là người đã tham gia chỉnh trang thay đổi và thiết kế thêm một cầu nối liền khu Hoà Bình đến lầu 2 của chợ Mới và một cầu thang từ góc Lê Đại Hành và Thành Thái xuống chợ Mới. Riêng với rạp Hòa Bình, cửa vào rạp sau này được nâng cao lên vì phía bên trong rạp có dãy ghế hướng xuống thấp, làm vậy là để người xem ngồi phía sau không bị khuất tầm nhìn bởi người phía trước.

Chú thích ảnh
Không chỉ là nơi giao thương, khu Hòa Bình còn trở thành linh hồn hay trái tim của thành phố cao nguyên. Ảnh: Anthony LaRusso

Bên trái là phòng bán vé, trước kia, theo lời kể lại thì có lẽ nơi này chính là nơi đã khiến nhiều người chen chúc và cố gắng đạp xe nhanh nhất chỉ để mua vé, kịp cuối tuần xem phim, đặc biệt là vào những ngày Tết, cả chỗ xếp hàng cũng chẳng có mà đứng.

Chú thích ảnh
Trái tim của Đà Lạt vẫn hiên ngang ở đó dù có phần cũ và xuống cấp

Sau khi chen lấn mua được vé "ngon", vào trong hội trường ai cũng tình tứ và hớn hở. Bên trong được chia làm hai dãy ghế. Rạp Hòa Bình hồi trước có ba loại vé cho ba loại ghế xanh, vàng, đỏ. Vé hạng sang nhất là màu xanh, sau đó hạng trung màu vàng và đỏ là hạng bình dân, hạng này phải ngồi gần hoặc sát màn ảnh. Rạp Hòa Bình trước đó thường chiếu suất phim Tần Thuỷ Hoàng, Tân Độc Thủ Đại Hiệp, Thập Tam Thái Bảo... Với nhiều người vé bình dân đã là cả một thú chơi "xa xỉ", chỉ cần được xem phim "cho đỡ ghiền" là "khoái" lắm rồi. Vé hạng này ngồi sát màn ảnh khi đứng lên bước ra khỏi rạp thì thấy "toàn là đom đóm".

Chú thích ảnh
Hiện tại, rạp Hòa Bình có 2 phòng chiếu, phòng lớn chứa hơn 400 ghế ngồi và phòng nhỏ chứa khoảng 50 - 60 ghế. 
Chú thích ảnh
Phòng chờ trước rạp Hòa Bình

Chú thích ảnh

Sát góc bên trái của rạp Hoà Bình, là những ki ốt bán hàng lưu niệm của người Đà Lạt, trong đó có một vài người gốc Bắc. Mỗi lần đi dạo khu này, người ta sẽ thấy vẻ mặt "hơi hằn học" một tí của các ông, bà chủ có tiệm sát rạt khu Hòa Bình, nhưng chẳng phải ngại vì thật ra các ông bà chủ khu này đều là người dễ thương, hiền lành và tốt bụng.

Chú thích ảnh
Chính diện rạp hát Hòa Bình hiện tại

Nói đúng và chính xác hơn, khu Hòa Bình - Rạp Hòa Bình từ lâu đã có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Đà Lạt. Tôi thử tưởng tượng nếu một ngày người ta mang cao ốc, mang những công trình vĩ đại về đây, có lẽ Đà Lạt sẽ thực sự là một thành phố phát triển, nhưng sau đó Đà Lạt sẽ còn là Đà Lạt? Vùng đất cao nguyên có nền kiến trúc cổ bậc nhất đất Tây Nguyên.

Trong một buổi chiều Đà Lạt sấp sỉ 17 độ, tôi ngồi với người quen ở đối diện khu Hòa Bình. Lúc này, Đà Lạt của tôi vẫn còn dễ thở và "đáng yêu" phải biết.  

"Ở đây người ta quy hoạch cũng đúng thôi, dỡ bỏ rồi người ta xây lại cái mới khang trang vì bây giờ khu Hòa Bình trông nhếch nhác và tối quá, nhưng mà sao buồn quá", anh bạn bên cạnh tôi cất lời.

Chú thích ảnh

Ngày thông tin tháo dỡ khu Hòa Bình truyền đi khắp mạng xã hội đã "lay động" tình yêu của nhiều người dành cho thành phố sương mù. Lay động ở đây không phải vì họ sắp đón chờ một đô thị mới theo lẽ dĩ nhiên mà vì ở đâu đó tại "tiểu Paris phương Đông" người ta đang tiếc nuối khu chợ sống với họ cả một thập niên.  

Ở khu Hòa Bình xưa nay người ta hay bắt gặp các nhiếp ảnh lang thang "săn ảnh". "Phải gắn bó với Đà Lạt đủ lâu thì em mới cảm nhận được nó thay đổi mỗi ngày như thế nào", một anh thợ chụp ảnh nói với tôi khi tôi đang còn mải miết ngắm nhìn hai chữ Đà Lạt ở Khu Hòa Bình.

Chú thích ảnh
Những ngày này bỗng dưng khu Hòa Bình trở thành địa điểm "hot" nhất Đà Lạt, chắc có lẽ ai cũng muốn lưu giữ những khoảnh khắc cuối cùng tại trái tim của thành phố ngàn hoa. 

Riêng với Dinh tỉnh trưởng, không phải bàn luận thêm khi các kiến trúc sư đều nhận định, “đó là một công trình có giá trị lịch sử, kiến trúc, văn hóa lâu đời của Đà Lạt”.

"Dinh tỉnh trưởng ít ai lui tới, không đông đúc như ở khu Hòa Bình nhưng dù là nó hay là khu Hòa Bình thì cũng đều là những kỷ vật mà Đà Lạt có và đáng được trân trọng, tôi mong rằng Đà Lạt sẽ luôn yên bình và không phải kẹt xe như hồi vài tháng trước nữa", một người dân chia sẻ với tôi.

Chú thích ảnh
Dinh tỉnh trưởng hiện tại ở thành phố này dường như chỉ là một dinh thự phủ kín rong rêu

Khác với sự sầm uất ở Khu Hòa Bình, Dinh tỉnh trưởng hiện tại dường như chỉ còn là một dinh thự phủ kín rong rêu, từng là nơi sinh sống và làm việc của tỉnh trưởng Tuyên Đức được xây dựng từ khoảng trước năm 1910. Từ năm 2011 đến nay khu vực này đã từng được trùng tu và tôn tạo, tuy nhiên vì nằm riêng biệt trên một ngọn đồi nhỏ khiến nơi này bị rơi vào quên lãng, cỏ dại bao trùm.

Bản đồ án có tên “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng” được phê duyệt ngày 12/2/1019 theo Công văn số 229/QĐ-UBND đã mang đến nhiều cảm xúc đối với người dân Đà Lạt.

Bản đồ án dự kiến sẽ biến khu Hòa Bình, trái tim của Đà Lạt, thành khu cao tầng thương mại phức hợp hiện đại.

Chú thích ảnh
Trung tâm Hòa Bình được quy hoạch thành 5 phân khu

Cụ thể khu trung tâm Hòa Bình được quy hoạch thành 5 phân khu. Trục chính của khu vực quy hoạch từ đài phun nước (gần cầu Ông Đạo) hướng thẳng lên Dinh tỉnh trưởng cũ. Trục này được thiết kế cây xanh làm chủ đạo.

Phân khu I là khu vực chợ Đà Lạt và đường Nguyễn Thị Minh Khai sẽ trở thành quảng trường trung tâm với nhiều tiểu cảnh hoa mang tính đặc trưng của Đà Lạt. Nơi đây vẫn duy trì khu phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm.

Phân khu II là Khu trung tâm Hòa Bình, là khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách. Theo thiết kế rạp hát Hòa Bình sẽ được thay thế bằng cụm kiến trúc cao tầng, bằng kính để làm khu phức hợp đa chức năng.

Phân khu III là khu vực đồi Dinh tỉnh trưởng cũ là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Tại đây có cụm khách sạn cao tầng ngay trên đỉnh núi. Mở thêm đường giao thông bao quanh Dinh.

Phân khu IV là khu vực chỉnh trang đô thị là khu vực chỉnh trang kiến trúc công trình và cảnh quan các tuyến đường đi bộ gồm các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Lê Đài Hành, Phan Bội Châu… với mục tiêu hình thành khu ở kết hợp thương mại, phát triển hỗn hợp các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách.

Phân khu V là khu vực ven Hồ Xuân Hương. Đây là khu vực công trình dịch vụ du lịch, khách sạn, công trình công cộng giáp hồ Xuân Hương.

Chú thích ảnh
Chợ Đà Lạt về Đêm
Chú thích ảnh
Đà Lạt sẽ phải phát triển, hãy giữ cho Đà Lạt luôn sạch - đẹp và trong lành.

Những ngày này ghé thăm khu Hòa Bình hay chợ Đà Lạt ồn ào, tấp nập người ta đều cảm nhận được một cảm giác buồn vui lẫn lộn.

Vùng đất cao nguyên Lang Biang đang vươn mình phát triển. Thật ra với tôi cũng có một chút tiếc nuối, nhưng tôi tin Đà Lạt sẽ chẳng thể mất đi nếu như tình yêu với mảnh đất này biến thành hành động. Và hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất như việc giữ cho nơi đây luôn trong lành và yên bình như nó vốn có.

Dẫu sao, Đà Lạt vẫn ở đó, trong trái tim của mỗi người!

Hồ Quốc
Tham khảo tư liệu từ lamdonggov

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...