Từ 'thần dân' trở thành 'Vua tiếng Việt'
Khơi nguồn cảm hứng tiếng Việt Là một gameshow do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện và phát sóng từ tháng 9-2021, Vua Tiếng Việt (dưới sự dẫn dắt của MC Xuân Bắc) đã giúp công chúng khám phá, phát hiện, hướng tới việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt thân yêu. Thông qua 4 vòng thi đầy thử thách và thông qua phần tương tác giữa ban cố vấn với người chơi, nhiều kiến thức về chính tả, từ vựng, ngữ pháp, các biện pháp tu từ, vốn thành ngữ, tục ngữ… đã được truyền tải tới người xem một cách sinh động, tươi mới và đầy hứng khởi. Trong bối cảnh “bội thực” gameshow, với không ít chương trình bị đánh giá là vô bổ, thì sự xuất hiện của Vua Tiếng Việt là một điểm sáng đáng khích lệ. Đánh giá Vua Tiếng Việt là 1 trong 10 sự kiện nổi bật của văn hóa Việt Nam trong năm 2021, Thể thao và Văn hóa thực hiện chuyên đề này nhằm tiếp nối nguồn cảm hứng mà chương trình này đã khơi dậy trong công chúng. |
(Thethaovanhoa.vn) - Vua Tiếng Việt đã truyền tải tới người xem “chân dung tiếng Việt” một cách sinh động, tươi mới, bổ ích. Thật bất ngờ, cuộc thi đã thu hút một số lượng người chơi và người xem rất đông đảo. Và quan trọng hơn, “sân chơi” mới lạ này đã khơi dậy cảm hứng và tình yêu tiếng Việt ở khắp mọi nơi.
Cuộc thi với mục đích tìm ra người thắng cuộc (được vinh danh là “Vua tiếng Việt”) qua 4 vòng chơi: 1) Phản xạ, 2) Giải nghĩa từ, 3) Sắp xếp chuỗi từ, 4) Tìm từ đồng nghĩa, trái nghĩa. Nếu thắng, người chơi sẽ vào vòng cuối cùng - vòng thi đặc biệt (để soán ngôi) là thi tài năng (làm một bài thơ - theo từ khòa, bằng một thể thơ ngẫu nhiên, trong 30 giây). Sẽ có 4 người chơi và sau mỗi vòng, 1 người thấp điểm nhất sẽ bị loại. Người thắng cuộc (đi tới đích) sẽ ngồi vào “ngai vua” và giữ ngai này cho đến vòng đấu tiếp theo.
Tiếng Việt, dễ mà khó
Các tri thức đem ra để kiểm tra các kĩ năng tiếng Việt đều rất đơn giản, ai nghe cũng hiểu vì quá quen thuộc (liên quan tới ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, chính tả). Xem ra, “thần dân” nào cũng có thể dự thi và đều có khả năng bước lên “ngôi vương” trong vòng 45 phút chơi. Ấy thế mà khi, bắt tay vào cuộc, ai cũng có cảm giác mình ngồi trên “ghế nóng” như vào một cuộc đua tốc độ, chậm một tích tắc là có thể thua.
Cũng bởi, tiếng Việt, cũng như bất kì ngôn ngữ nào khác đều rất khó, nhất là khi ta phải tự “nhận diện và quy chuẩn”. Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, có tới 6 thanh điệu nên sự nhận diện và gán ghép” cho đúng càng khó hơn (Sai một đi đi một dặm ngay). Bài test đầu tiên chỉ là “ghép các chữ cái đã đảo thứ tự thành một từ có nghĩa”. Ấy thế mà nhiều người đứng nghệt chịu không luận ra được, chẳng hạn: m/Đ/c/c/ộ/ộ (Độc mộc), L/à/C/ồ (Cà Lồ), M/ố/c/n/g/ự (Mực ống), C/h/i/n/t/ằ/n/h (Chằn tinh), ã/u/d/D/i/ầ (Dãi dầu)…
Hay các trường hợp phân biệt chính tả rất dễ sai: vô hình chung hay vô hình trung, phố xá hay phố sá, tựu chung hay tựu trung, chia sẻ hay chia xẻ, Trần Khát Trân hay Trần Khát Chân…
Hay phân biệt từ loại: lênh đênh là động từ hay danh từ? ô nhiễm là động từ hay tính từ? hữu tình là danh từ hay tính từ? Hay đọc cho đúng một câu thơ, một câu thành ngữ hay tục ngữ: hùm/mày/hàm/én/Râu/ngài/ (Râu hùm hàm én mày ngài); trông/tơ/nhện/con/giăng/Buồn (Buồn trông con nhện giăng tơ); Con hơn cha là nhà có… (phúc); v.v...
Nói chung, khi đọc câu hỏi, mọi người chúng ta (kể cả người chơi, người xem) đều phải vắt óc, cố hình dung ra một đáp án. Nếu nhẩn nha suy nghĩ, thậm chí lục lọi tra cứu rồi cũng ra. Song đây là cuộc thi “bấm giờ”. Người chơi chỉ có 10 giây suy nghĩ và trả lời thì rất khó, nhất là áp lực trường quay dễ làm phân tâm, mất bình tĩnh và… cuống. “Trực giác” ngôn ngữ lúc đó rất quan trọng. Nó giúp người chơi nhanh chóng “nhập tâm” ngay để tìm câu đáp tức thì. Câu trả lời có khi tự thân bật ra như một phản xạ. Nó đến nhanh hơn suy nghĩ. Bình thường thì không có vấn đề gì. Nhưng trong các cuộc thi tài (thể thao chẳng hạn), một nhịp, một phần mười giây, thậm chí một phần trăm giây là người ta đã có thể làm nên chuyện.
Cái khó làm nên cái hay
Theo dõi cuộc thi, mọi người xem đều cảm thấy căng thẳng và hồi hộp. Căng thẳng vì phải “nhập cuộc chơi” để tự mình kiểm tra trình độ ngôn ngữ của mình (không giải được thì kém quá). Hồi hộp vì không biết người chơi (trong đó có ta nữa) có trả lời đúng đáp án không. Khi nghe MC Xuân Bắc thông báo mới vỡ òa. Ồ, sao đáp án đơn giản thể mà mình lại không nghĩ ra nhỉ? Mình đã từng nói, từng đọc câu này rồi chứ đâu!
Vì vậy mà xảy ra những tình huống tức cười khi ta thấy người chơi lúng túng khi tìm cách giải nghĩa một từ để người khác đoán ra. Cái khó là không được nhắc lại tiếng đang có trong từ, không dùng ngoại ngữ, không dùng cử chỉ điệu bộ.
Chẳng hạn từ ngào ngạt. Một người chơi (là cô gái) giải thích “Đây là một từ “có hai từ”. Từ đầu là một con dưới biển thêm dấu vào. Từ khác là khi ta bị cảm thì bị…”. Nói “Một từ có hai từ” là không ổn. Thôi được, người nghe vẫn hiểu đây là hai tiếng (âm tiết). Tuy nhiên, mấy ai đoán ra được “con gì dưới biển thêm dấu” chính là con “ngao” thêm dấu huyền (có biết bao con vật dưới biển và có tới 5 thanh điệu nữa để thay thế, để ra đáp án “ngào”). Khi bị cảm người ta đâu chỉ “ngạt mũi” mà còn bị sốt, ho, nhức đầu, đau người… (dấu hiệu đặc trưng hơn)?
Hay từ đồi mồi được một cô gái khác giải nghĩa: “Cái gì mà người già hay có (ý nói “da đồi mồi”)?”. Khi bạn chơi chịu thì lại thay đổi cách giải thích: “Đây là từ có hai từ. Từ đầu đi với “núi”. Từ sau chỉ con vật vẫn đi kiếm…”.
Hay từ sương gió được giải thích: “Từ đầu chỉ cái trên trời rơi xuống vào ban đêm. Từ sau chỉ cái thổi đi thổi lại”; v.v... Ban cố vấn sau đó đã gợi ý một cách giải thích, khai thác kinh nghiệm và trí nhớ văn thơ đã có. Chẳng hạn, nếu ai thuộc thơ Tố Hữu thì việc tìm đáp án cho 2 từ ngào ngạt và sương gió quá đơn giản (Rừng cọ, đồi chè, đồng xanh….... (ngào ngạt); Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ/ Không quê hương…… (sương gió) tơi bời). Còn từ đồi mồi ai cũng biết đó là “một loại rùa biển, mai có vân đẹp, dùng làm đồ trang sức”. Nếu không thì có thể gợi ý: “Từ này chỉ màu da của các cụ già, có lốm đốm những chấm nâu hoặc đen”.
Có nhiều người vì cuống nên giải nghĩa theo “tư duy cơ giới”, tự nghĩ ra một cách giải thích (như giải thích từ nhậu: “Chẳng hạn mình với cậu khi vui vẫn ra ngoài phố, mua bia rồi…”). Thế mà có những cách giải thích “bí rì” mà người chơi cũng đoán ra mới tài. Chính những cái tưởng như “ngô nghê, vụng về” như vậy lại vui, làm nên những chuỗi cười sảng khoái. Họ không phải là giáo viên ngữ văn, không phải là nhà từ điển mà giải thích “chuẩn không cần chỉnh”. Họ có cách diễn giải “dân dã” của họ.
- Giữ ngôi 'Vua tiếng Việt' suốt 3 tuần, Phùng Khắc Bắc Linh có tiếp tục lập kỷ lục?
- 'Vua tiếng Việt': Cuộc tranh tài khó đoán khiến MC Xuân Bắc cũng phải 'bó tay'
- Vua tiếng Việt: Cuộc đua của những người chơi 'ngang tài ngang sức'
Hóa ra con đường dẫn đến tri thức ngôn ngữ không chỉ một. Đặc biệt, ở vòng thi thử tài làm thơ. Người chơi phải “quay bánh xe” chọn bất kì môt thể thơ đã cho (lục bát, song thất lục bát, năm chữ, bảy chữ, thất ngôn bát cú, Đường luật, tứ tuyệt, tự do). Có thể thơ quen thuộc dễ làm, có thể thơ ngay cả nhà thơ chuyên nghiệp cũng khó. Vậy mà trong 30 giây, khá nhiều người chơi không chỉ làm được mà làm hay nữa là khác.
Vua tiếng Việt mới đi được gần 20 cuộc (dự kiến sẽ hoàn tất 25 cuộc rồi sẽ tính tiếp). Xem ra, số người đăng kí chơi ngày một nhiều. Có rất nhiều đối tượng ở khắp nơi tham gia: doanh nhân, nghệ sĩ, diễn viên, người làm nghề tự do, học sinh sinh viên… đều đăng kí thử sức. Có em học sinh lớp 6 (12 tuổi) cũng vào thi rất chững chạc, đấu nghiêng ngả với người lớn. Có những nghệ sĩ gạo cội, cả đời lăn lộn với kịch bản, đối thoại, chữ nghĩa nhưng lại “bó tay” trước một câu hỏi rất giản đơn. Có điều, người thua người thắng đều rất hồn nhiên vui vẻ. Cũng bởi, với tiếng Việt, ranh giới giữa “thần dân” và “nhà vua” chẳng đáng là bao (có khi chỉ là một dấu phẩy, một từ, một lần chậm bấm nút). Càng theo dõi, ta càng thấy thú vị, thấy thấm thía với câu thơ “Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình” (Lưu Quang Vũ).
(Còn tiếp)
PGS - TS Phạm Văn Tình
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần