A+ A A- Kiểu đọc sách

'Truyện Kiều còn, tiếng ta còn…' (Kỳ 1): Truyện Kiều sử dụng trên 70% từ thuần Việt, sáng tạo từ mới

06:21 16/09/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Kiệt tác Truyện Kiều đã đi vào đời sống sâu sắc, bền bỉ. Làm nên thành công này trước hết phải kể đến sự sáng tạo của Nguyễn Du trong việc sử dụng nghệ thuật ngôn từ. Nhà thơ sử dụng nhiều chất liệu của ca dao, tục ngữ nhưng cũng từ Truyện Kiều, nhân dân ta có thêm nhiều thành ngữ mới trong đời sống hàng ngày.

 

200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du: Chuyện của tấm văn bia sau gần một thế kỷ

200 năm ngày mất Đại thi hào Nguyễn Du: Chuyện của tấm văn bia sau gần một thế kỷ

Vừa qua, sau khi kết thúc cuộc họp Ban Chấp hành Hội Kiều học Việt Nam, 3 anh em Chi hội Kiều học Hà Nội gồm Đinh Công Vỹ, Phương Văn và tôi đã đến thăm văn bia khắc năm 1929 tưởng nhớ Đại thi hào Nguyễn Du, tác giả Truyện Kiều. Tấm văn bia do Bùi Kỷ soạn đặt trước khuôn viên Hội Khai trí Tiến Đức ở Hà Nội cách đây gần một thế kỷ.

(LTS): Là một kiệt tác văn chương của Việt Nam và nhân loại, Truyện Kiều đã vượt lên mọi giới hạn không gian và thời gian; vượt qua biên giới Việt đến với thế giới; vượt lên mọi thời đại để trở thành tài sản chung của nhân loại bởi giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật ngôn từ.
Với Truyện Kiều, Nguyễn Du chính đã đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta. Trong chúng ta, ai cũng đều biết đến câu “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn…”, nhưng không phải ai cũng biết những con số rất cụ thể, chi tiết như: Truyện Kiều sử dụng tới 70% từ thuần Việt, sử dụng tới 445 thành ngữ, và uyển ngữ như chữ “chút” cũng được Nguyễn Du trân trọng sử dụng tới 47 lần…
Là một là nhà văn nghiên cứu văn hóa, PGS-TS Lê Thị Bích Hồng có lợi thế nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa - một cách tiếp cận văn học của người nghiên cứu hiện nay. Phát huy lợi thế đó, chị đã đóng góp một số công trình nghiên cứu văn học - sân khấu - điện ảnh đặt trong mối quan hệ không thể tách rời của văn hóa. Sẽ không lạ khi PGS-TS Lê Thị Bích Hồng là một người đam mê nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều và hiện đang là lãnh đạo Chi hội Kiều học Hà Nội - Hội Kiều học Việt Nam.
 Nhân 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (16/9/1820 - 16/9/2020), chúng ta hãy cùng PGS-TS Lê Thị Bích Hồng khám phá những cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ Truyện Kiều và những phái sinh của Truyện Kiều trong đời sống.

1. Truyện Kiều được quần chúng nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế yêu mến đón nhậnvà sáng tạo ra nhiều cách thưởng thức tinh diệu, độc đáo, từ vịnh Kiều, bình Kiều, giảng Kiều, tập Kiều,lẩy Kiều, xướng họa Kiều… của các bậc trí thức, tao nhân mặc khách; đố Kiều, bói Kiều, ngâm Kiều, nhại Kiều, phỏng Kiều đặt lời bài hát (hát giặm, hát ả đào, hát ví, hát sa mạc, hát trống quân…), viết thư tình bằng thơ Kiều, đếm cá bằng thơ Kiều, chuyện vui xung quanh Truyện Kiều...

Những hình thức trên mang đậm màu sắc dân gian và đã thu hút đông đảo mọi tầng lớp tham gia.

Khi so sánh với những tác phẩm có giá trị thời Lê Mạt, như Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, Phan Trần truyện, Hoa Tiên ký... viết bằng quốc âm, cụ Đào Duy Anh cho rằng những tác phẩm ấy tuy viết bằng quốc âm, nhưng “lời văn điêu trác, hay dùng điển cố, cho nên chỉ được các hạng thượng lưu trí thức thưởng lãm, mà không phổ cập trong dân gian. Duy Truyện Kiều, văn chương đủ tính nghiêm trang, đường hoàng, điêu luyện, khiến cho kẻ học thức phải khâm phục và yêu mến, mà lại đủ cả tính giản dị, phổ thông để khiến cho bình dân hiểu được mà thưởng thức”.

Chú thích ảnh
Tác giả bài viết và GS Nguyễn Đình Chú bên tượng đài Nguyễn Du

Trước hết, nhìn ở góc độ thể loại, Nguyễn Du đã khéo léo chọn thể lục bát - thể thơ dân tộc có vần, ngữ điệu, dễ thuộc, dễ nhớ cấu thành kiệt tác gồm 3.254 câu lục bát. Khảo sát Truyện Kiều, Nguyễn Du nhất quán chỉ sử dụng thể lục bát gieo vần ở chữ thứ 6, thứ 8 (không gieo vần ở chữ thứ tư). Vì thế, câu lục bát chuẩn bao giờ chữ thứ 2-6-8 phải là thanh bằng và buộc chữ thứ 4 phải là thanh trắc. Khảo sát Truyện Kiều đã cho kết quả: 1.627 câu bát chuẩn (100%), gần 98,5% câu lục chuẩn ngắt nhịp 2/2/2, trong đó có 26 câu lục phá cách, ngắt nhịp 3/3. Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du đã góp phần làm thể thơ lục bát truyền thống đạt tới đỉnh cao về sự tinh tế, điêu luyện, độc đáo và khó có tác phẩm nào có thể vượt qua được.

Với vốn hiểu biết sâu rộng cùng vốn từ vựng tiếng Việt (cả tiếng Hán) phong phú, Nguyễn Du có cách sử dụng từ ngữ rất linh hoạt và sinh động.

Trong thời kỳ này, từ Hán Việt được dùng phổ biến như một phong cách có tính chất thời đại. Trong vốn từ tiếng Việt của chúng ta, từ Hán - Việt chiếm tỉ lệ cao đến 70%. Sống trong thời đại đó, bằng vốn hiểu biết sâu rộng khi viết Truyện Kiều, Nguyễn Du đã chọn viết bằng chữ Nôm, tiếp nhận cả yếu tố Hán - Việt, sử dụng cả điển tích, điển cố, song điều quan trọng tác giả Truyện Kiều luôn có ý thức đưa Truyện Kiều đến gần hơn đời sống của người Việt. Điều đó trước hết thể hiện qua việc sàng lọc kỹ lưỡng của ông khi sử dụng từ Hán Việt.

Chú thích ảnh
“Truyện Thúy Kiều” (Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu đính và chú giải)

Trong 3.254 câu lục bát Truyện Kiều, các từ gốc Hán được dùng có liều lượng, chỉ có duy nhất 1 cặp lục bát sử dụng đậm từ Hán Việt: “Hồ Công quyết kế thừa cơ/ Lễ tiênbinh hậu khắc cờ tập công”.

Khoảng 30% từ gốc Hán được sử dụng trong Truyện Kiều, Nguyễn Du lựa chọn những từ đã được Việt hóa và tiếp tục sáng tạo nên ngôn ngữ bình dân gần lời ăn tiếng nói trong giao tiếp hàng ngày. Vì thế, những từ: Hoa, Xuân, lan, Thu, cúc, tâm, tài, mệnh, đàn bà... đã đi vào đời sống tự nhiên nên dễ được tiếp nhận. Theo khảo sát, các từ được sử dụng tần suất lớn trong Truyện Kiều: từ “hoa” 132 lần, từ “thân” 63 lần, từ “Xuân” 59 lần, từ “hồn” 15 lần, từ “ngựa” 14 lần, chữ “chút” (uyển ngữ) dùng 47 lần; từ ngữ chỉ màu sắc 119 lần…mang sắc thái phù hợp với nội dung.

Dùng từ Hán Việt, Nguyễn Du đã tạo nên sắc thái tu từ cho thơ. Cùng một đối tượng, nhưng ông luôn có cách dùng từ phù hợp cho từng nội dung văn cảnh. Đơn cử một số khái niệm trong Truyện Kiều được thể hiện rất phong phú, đa dạng, như: Phụ nữ (đàn bà, hồng nhan, hồng quần, gái tơ, má đào, má hồng...); mặt trăng (mặt trăng, vành trăng, cung trăng, cung Quảng, gương nga, bóng nga, chị Hằng…); giấc ngủ (giấc xuân, giấc mộng, giấc mê, giấc vàng, giấc chiêm bao, giấc hương quan...); nước mắt (lệ hoa, giọt châu, giọt tủi, giọt tương…).

Trong Truyện Kiều, các điển tích, điển cố được Nguyễn Du vận dụng từ 2 nguồn chính: Từ kinh, sử, truyện, thơ Trung Quốc và văn học dân gian Việt Nam. Hơn 300 điển đích, điển cố quen thuộc được sử dụng trong tác phẩm, như: Sông Tương, Nàng Ban, ả Tạ, nàng Oanh, ả Lý,Tống Ngọc, Tràng Khanh, bể dâu, quả mai...

Chú thích ảnh
Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chúc mừng cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều”

Điều quan trọng Nguyễn Du không lạm dụng điển tích khiến câu thơ khó hiểu, mà qua bàn tay nhào luyện tài tình, những điển cố ấy đã được Việt hóa một cách kỳ diệu. Không kỳ diệu sao được khi các nhà thơ Việt Nam như: Nguyễn Công Trứ, Tản Đà, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Bính, Tố Hữu… ảnh hưởng trực tiếp từ Truyện Kiều đã đưa nó vào tác phẩm một cách nhuần nhị.

Nhà thơ Nguyễn Bính “Vịnh cụ Tiên Điền” bằng câu thơ: “Thương vui bởi tại lòng này/ Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời”. Nguyễn Bính đã sử dụng 2 câu trong Truyện Kiều là "Tẻ vui bởi tại lòng này" và "Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời”.

Bên cạnh việc dùng từ Hán Việt, Nguyễn Du luôn có xu hướng dùng từ thuần Việt nhuần nhị, trong sáng, dễ hiểu. Trong khi một số tác phẩm viết bằng quốc âm, như: Cung oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, Phan Trần truyện, Hoa Tiên ký... mới chỉ sử dụng 40% từ thuần Việt, thì Nguyễn Du đã sử dụng từ thuần Việt trong Truyện Kiều chiếm tỷ lệ 70%.

2. Điều kỳ diệu là Nguyễn Du đã sáng tạo ngôn từ mới chưa từng có trong thực tế, cũng không có trong từ điển. Nhà thơ phá vỡ cách tạo từ thông thường để tạo từ mới tạo hiệu quả lạ hóa và phá vỡ nhiều cấu trúc cố định để tạo thành những kết hợp riêng có (gió trúc mưa mai, gió giục mây vần, gió gác trăng sân, gió thảm mưa sầu, hoa thải hương thừa, hồn rụng phách rời, lấy gió cành chim, tô lục chuốt hồng, tiếc lục tham hồng, liễu ép hoa nài, liễu chán hoa chê, ngày gió đêm trăng, nắng giữ mưa gìn, ăn gió nằm mưa, bướm chán ong chường, bướm lả ong lơi, cười phấn cợt son, dày gió dạn sương, gìn vàng giữ ngọc…).

Nói như GS Trần Đình Sử, đó là những ngôn từ ý tượng (là hình ảnh chỉ nảy sinh trong tâm tưởng, không phải là hình ảnh sao chép thực tại) có cấu tạo riêng, nói lên sự cảm thụ chủ quan của tác giả.

(Còn tiếp)

Người dân vận dụng sáng tạo “Truyện Kiều”

Người dân Việt Nam không chỉ yêu mà còn biết vận dụng sáng tạo Truyện Kiều trong đời sống hàng ngày như đưa đẩy, ví von, mượn ý tứ, mượn câu chữ, so sánh với các nhân vật trong tác phẩm để làm tăng giá trị biểu cảm của ngôn ngữ sử dụng.

Từ khi thành lập (2011), Hội Kiều học Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực góp phần gìn giữ tinh hoa Việt. Gần đây nhất, Hội Kiều học Việt Nam đã tổ chức 4 cuộc thi “Bạn đọc thuộc Kiều” và cuộc thi “Văn tế Đại thi hào Nguyễn Du” trên phạm vi toàn quốc. Cuộc thi thu hút nhiều bạn đọc yêu Kiều tham gia và bước đầu thành công là minh chứng sống động cho Truyện Kiều đã đi vào tâm thức dân tộc, đời sống của đông đảo người Việt các thế hệ.

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...