A+ A A- Kiểu đọc sách

Bản 'Kiều Kinh' 1898 và con số ước lệ trong 'Truyện Kiều'

08:05 03/08/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Công bố bản Kiều Kinh do Công Thiện Đường in vào mùa Đông năm Mậu Tuất 1898 và lý giải 411 câu thơ chứa con số trong Truyện Kiều là 2 trong 5 nội dung chính tại Hội thảo Minh họa Truyện Kiều dưới cách nhìn minh triết Việt.

Hai góc nhìn mới lạ về 'Truyện Kiều'

Hai góc nhìn mới lạ về 'Truyện Kiều'

16/9 là ngày mất của Nguyễn Du, nhưng gần đây không khí tưởng niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào như đã “nóng” lên với những tọa đàm, hội thảo, trò chuyện… Đặc biệt tuần này có 2 cuộc tọa đàm, thảo luận được xem là 2 góc nhìn lạ về "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, trong đó, buổi tọa đàm với diễn giả là nhà nghiên cứu Nhật Chiêu được xem là tọa đàm rất hàn lâm…

Hướng tới tưởng nhớ 200 năm ngày mất của đại thi hào Nguyễn Du (16/09/1820 - 16/09/2020), cuối tuần qua, Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace) tổ chức sự kiện Minh họa Truyện Kiều dưới cách nhìn minh triết Việt. Sự kiện với sự tham gia của các vị khách mời đặc biệt: Nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn, họa sĩ - nhà giáo Nguyễn Tuấn Sơn, nhà nghiên cứu Lê Nghị, Lâm Thanh Sơn và đông đảo khán giả yêu thích Truyện Kiều trên toàn quốc.

Công bố bản “Kiều Kinh” 1898

Mở đầu hội thảo, nhà giáo - họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn giới thiệu tới khán giả tác phẩm Truyện Kiều dưới dạng bản kinh ngự dụng (chuyên dành cho vua chúa). Cuốn Kiều Kinh này được Công Thiệu Đường in vào mùa Đông năm Mậu Tuất (1898), dưới thời vua Thành Thái và được lưu giữ như một tài liệu văn học cho hoàng thân quốc thích sử dụng.

Về hình thức, bản Kiều Kinh được in khuôn màu tía trên giấy Lạc Đô, mỗi trang đều có dấu Cát Tinh, gáy mỗi tờ giấy giáp đều ghi thuộc nhà in Công Thiệu Đường, ấn bản này được viết bằng tay, “chữ đều”.

Bàn về giá trị của cuốn sách, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn cho biết:

“Điểm đặc biệt của cuốn Kiều Kinh chính là sự phát triển vượt bậc trong trình độ, chất lượng sản xuất các loại sách cổ. Nghĩa là vừa in, vừa viết, vừa vẽ hình minh họa vô cùng sống động. Càng tuyệt vời hơn khi vào năm 1915, những hình họa này được một học giả ngươi Pháp sử dụng để minh họa cuốn Kiều chuyển ngữ của mình. Tôi cho rằng, đó là sức lan tỏa mà Kiều Kinh mang lại”.

Để có được cuốn Kiều Kinh 1898, họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn đã dành nhiều năm tìm kiếm, sau một lần hội ngộ, ông đã vô cùng ngỡ ngàng trước trình độ xuất bản sách cổ tại Việt Nam và không ngần ngại khẳng định: “Đây là cuốn kỳ thư hàng đầu khi minh họa Truyện Kiều cực kỳ đặc sắc”.

Chú thích ảnh
Bản “Kiều Kinh” 1898 do Công Tuật Đường in vào cuối thời vua Thành Thái do họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn sưu tầm

Con số trong “Truyện Kiều” dưới góc nhìn minh triết Việt

Nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn đưa khán giả đến với chủ đề 411 câu thơ có sử dụng con số trong Truyện Kiều. Cũng giống như họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn, “cái duyên” của ông với Kiều bắt đầu từ những ngày rất xa. Câu chuyện về người bà không biết chữ quốc ngữ đọc trôi chảy thơ Kiều, hát Kiều với Trần Đình Tuấn là điều gì đó thật khó tả.

“Mỗi lần đọc Truyện Kiều, bà tôi đều thắp 3 nén nhang vào chiếc lon đựng gạo rồi bắt đầu ngâm nga Trăm năm trong cõi người ta… lúc đó tôi luôn nghĩ, cũng giống như câu thơ, bà sẽ sống được trăm tuổi. Sau này lớn lên, đọc nhiều hơn, nghiên cứu nhiều hơn về Kiều, tôi vẫn ám ảnh những con số. Người Việt Nam rất hay nói số, trong ca dao, tục ngữ và Truyện Kiều cũng không ngoại lệ”.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn (phải) với nhiều năm gắn bó với công trình con số trong “Truyện Kiều” (nguồn Trần Đình Tuấn)

Theo tổng kết sơ bộ của Trần Đình Tuấn, Truyện Kiều có 411 câu thơ có chứa con số. Ông cũng chia sẻ thêm, rất nhiều chú giải trong sách giáo khoa hay một số ấn bản khác đều giải thích sai hoặc không tuyền nghĩa. Điều này gây ra sự cố hài hước rằng Nguyễn Du không hiểu gì về toán học.

Dựa trên lịch sử và căn cứ khoa học về các con số, nhà nghiên cứu Trần Đình Tuấn cho biết: “Giới hạn của cảm giác, trực quan về số của con người và con vật là không quá 4, đặc biệt trong bối cảnh cổ trung đại, sẽ không có sự chính xác tuyệt đối về số lượng. Đây chính là cơ sở tạo nên những con số ước lệ trong thơ ca nói chung và Truyện Kiều nói riêng”.

Kết hợp với quá trình nghiên cứu và phân tích, học giả cho rằng, con số trong Truyện Kiều hầu hết mang tính ước lệ, tượng trưng. Tính ước lệ này được chia thành nhiều hệ thống nói số và sẽ ứng với một cách biểu đạt khác nhau. Hệ thống nói số bao gồm:

- Một và hai: Mang nghĩa ít, thiếu, chưa đủ.

- Ba: Nghĩa là nhiều, mãn, đầy, đủ.

- Tư: Nhiều trông thấy .

- Năm: Cân bằng, trung tâm.

- Chín: Rất nhiều, vô vàn.

- Mười: Rất nhiều, hoàn toàn, toàn vẹn.

Chú thích ảnh
Hình ảnh nhân vật ông bà Vương viên ngoại được một cuốn sách khác in lại từ cuốn “Kiều Kinh” 1898

Lấy một ví dụ cụ thể câu thơ “Tiện đây xin một hai điều/ Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng?” trong Truyện Kiều, ông giải thích:

“Câu thơ đặt trong bối cảnh Kim Trọng làm quen với Kiều, việc sử dụng con số ước lệ một, hai đã tạo nên phong vị nhã nhặn, tinh tế của người quân tử trước giai nhân mình thầm ngưỡng mộ. Rằng chỉ muốn hỏi một vài điều, không gò bó, không ép buộc, thể hiện sự trân trọng, khiêm nhường và rất ý nhị của đôi lứa ngày xưa”.

Ngược lại trong câu thơ: “Ngoài nghìn dặm chốc ba đông”. Ba cũng là một con số ước lệ, nhưng tính ước lệ của nó lại mang nghĩa “quá nhiều”. “Ba đông” vừa ám chỉ sự xa cách muôn trùng, vừa thể hiện nỗi nhớ mong mòn mỏi, theo quy luật, đông là biểu trưng cho “tàn”, “ba đông” nghĩa là thời gian quá nhanh, khoảng cách quá xa và nỗi sầu muộn chứa chất đỉnh điểm”.

Bằng những lý giải thú vị, chân thực đặc biệt là bám sát vào hoàn cảnh sử dụng con số ước lệ, Trần Đình Tuấn đã chạm tới những khía cạnh sâu nhất trong ý nghĩa biểu đạt của con số trong Truyện Kiều, ông thẳng thắn nhận định: “Tôi nghĩ rằng, để có thể hiểu toàn bộ tri thức của Nguyễn Du về con số trong Truyện Kiều, bạn đọc cũng cần một tri thức tương đương mới có thể lĩnh hội được”.

(Còn tiếp)

Hiền Lương

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...