loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sau thành công của triển lãm Ngày dịu dàng năm 2016 và những triển lãm chung của một số thành viên trong nhóm với các hoạt động mỹ thuật khác như Triển lãm tranh lụa và điêu khắc nhỏ năm 2018, triển lãm Thấp thoáng Đông Dương năm 2019, có thể nói, triển lãm tranh lụa Ngày - Đêm mang đến một dấu ấn đặc sắc, khẳng định lại vị trí của tranh lụa trong dòng chảy mỹ thuật đương đại Việt Nam.
Bức tranh lụa Thôn nữ Bắc kỳ của Nguyễn Nam Sơn đã lập kỷ lục mới khi được đấu với giá 205.000 euro, tăng gần 600%.
Triển lãm gồm 45 tác phẩm của 9 tác giả: Lê Trần Hậu Anh, Trần Xuân Bình, Lưu Chí Hiếu, Đặng Đình Nguyên, Mai Xuân Oanh, Trần Hoàng Sơn, Tạ Đình Thi, Nguyễn Đức Toàn và Vũ Đình Tuấn. Triển lãm diễn ra từ ngày 5 đến hết ngày 11/11 tại Trung tâm triển lãm Mỹ thuật Art Space (42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Từ đỉnh cao của một chất liệu truyền thống
Cũng giống như các thể loại tranh sơn dầu, sơn mài, tranh lụa hiện đại Việt Nam cũng đã thành công rực rỡ ở giai đoạn đầu thế kỷ 20 với các đề tài mang đậm “tính dân tộc”, “sinh hoạt nông thôn và thành thị trước cách mạng”...
Chủ đề, nội dung, màu sắc, và tinh thần thời đại của các tác phẩm tranh lụa thế kỷ 20 dưới sự dẫn dắt của các thầy người Pháp quá đặc trưng đến độ dường như nó vừa hình thành đã hội tụ đầy đủ điều kiện thuận lợi để định dạng cho tranh lụa hiện đại Việt Nam ở đỉnh cao trong cả một thế kỷ.
Một thời gian dài, tranh lụa Việt Nam im lặng để chuyển mình trong đời sống đương đại. Nội dung, hình thức, tư tưởng là 3 yếu tố cốt lõi trong một tác phẩm nghệ thuật. Tranh lụa - một thể loại đậm chất truyền thống phải đi tìm sự đổi mới ở cả 3 yếu tố trên để bắt nhịp vào dòng chảy hậu hiện đại - đương đại mà vẫn giữ được tinh thần của một chất liệu hội họa truyền thống Việt Nam, quả thật là một chặng đường khó.
Không thể phủ nhận chặng đường đi tìm diện mạo mới cho tranh lụa của các thế hệ họa sĩ tiếp nối nhau giữa 2 thế kỷ, nhưng chỉ đến 10 năm trở lại đây, tranh lụa bắt đầu thay đổi mạnh mẽ, táo bạo ở một số cá nhân họa sĩ và điều đáng nói là những thay đổi ấy có sức thuyết phục cả ở hình thức (bằng cả việc nghiên cứu và đổi mới kỹ thuật, tạo hình, hòa sắc…) và nội dung (chủ đề, tư tưởng…) đối với người xem trong bối cảnh mới.
Triển lãm Ngày - Đêm của nhóm họa sĩ “Nhóm lụa +” lần này hội tụ nhiều tác phẩm độc đáo, phần lớn những thành viên trong nhóm là giảng viên của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - những người tiên phong cho tranh lụa đương đại và sẽ mở đường cho thế hệ tiếp theo của tranh lụa Việt Nam.
Đổi mới từ màu sắc, chủ đề đến kỹ thuật lụa
Nhìn vào các tác phẩm tranh lụa trong triển lãm ngày hôm nay, ta dễ dàng nhận thấy một diện mạo hoàn toàn mới của chủ đề, cách biểu đạt trong một tinh thần đầy hưng phấn của những nghệ sĩ đã ở độ chín về nghề và suy tư nghệ thuật.
Màu sắc của tranh lụa chưa khi nào mạnh mẽ như vậy. Nếu những giai đoạn trước, những sắc xanh, đỏ được các họa sĩ Nguyễn Anh, Nguyễn Tường Lân dò dẫm, khám phá, dè chừng cho vào lụa và phải trải qua một thời gian dài những thử nghiệm ấy mới hòa được với thẩm mỹ của thời đại thì từ đó cho tới nay, có lẽ nhờ rất nhiều những thử nghiệm của các thế hệ họa sĩ vẽ lụa tiếp theo, những sắc độ đa dạng của lụa mới được trưởng thành và trở nên mạnh mẽ, tự tin trong cảm thức về một xã hội hậu hiện đại.
Những tác phẩm của họa sĩ Lưu Chí Hiếu, Trần Hoàng Sơn, Vũ Đình Tuấn là ví dụ tiêu biểu cho sự đột phá về màu. Tuy vậy, với thủ pháp đối lập về màu, tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Đức Toàn lại đem đến cho người xem đương đại những cảm xúc có sức nặng và gợi mở.
Chủ đề, tạo hình và bố cục của các tác phẩm trong triển lãm là những khía cạnh thể hiện sự đa dạng đặc trưng cho phong cách cá nhân của các nghệ sĩ mà ở đó nói lên được cá tính, suy tư, mong muốn của đời sống và nghệ thuật, nhưng cũng qua đó người xem có thể nhận thấy tinh thần thời đại hay bản sắc văn hóa cộng đồng đặc trưng mà trong triển lãm này, những tác phẩm của tác giả Mai Xuân Oanh, và series Mùa nước nổi của tác giả Lê Trần Hậu Anh đã thể hiện rõ nét.
Bằng lối tạo hình biểu hiện - siêu thực, họa sĩ Vũ Đình Tuấn và Trần Hoàng Sơn đã khẳng định được phong cách cá nhân độc đáo với những hình tượng mang tính biểu tượng của đời sống hay những triết lý nhân sinh quan mà các họa sĩ đã thể hiện trong suốt những series sáng tác trước đây của mình.
Và cuối cùng, tất cả những yếu tố ở trên thành công không thể bỏ qua vấn đề kỹ thuật trong tranh lụa. Tới thời điểm hiện tại, các họa sĩ vẽ tranh lụa, nhất là những giảng viên làm công tác giảng dạy và nghiên cứu, đã có một thời gian dài để hệ thống lại những kỹ thuật lụa cổ truyền và hiện đại của Việt Nam. Ngày nay, các họa sĩ đã làm chủ được các kỹ thuật vẽ và bảo quản tranh lụa để có thể tự tin điều phối trên bề mặt hoặc sáng tạo chồng các lớp lụa tạo những hiệu ứng mới, nhưng vẫn giữ được tinh thần trong trẻo, thanh tao của lụa - một chất liệu truyền thống của mỹ thuật Việt Nam.
Triển lãm Ngày - Đêm của 9 họa sĩ đem đến một số góc nhìn về tranh lụa đương đại Việt Nam và còn nhiều những góc nhìn đa dạng khác của các họa sĩ theo đuổi chất liệu hội họa đặc trưng này trong cả nước. Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, tranh lụa Việt Nam đã bắt đầu một thời kỳ khởi sắc trên chặng đường đi tìm tinh thần hội họa Việt Nam hiện đại trong những “chất liệu” của truyền thống.
Trần Thu Huyền
loading...