loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Từ lúc 14h30 ngày 26/3 (giờ Paris), bức tranh lụa Thôn nữ Bắc kỳ của Nguyễn Nam Sơn sẽ được nhà đấu giá Aguttes đưa lên sàn đấu tại trung tâm đấu giá danh tiếng Drouot (Pháp). Trong 73 lô hàng, đại diện của Việt Nam có đến 19 lô, một tỷ lệ khá lớn, chứng tỏ một phần sức hút của tranh Việt.
Cùng với Victor Tardieu (1870- 1937), Nguyễn Nam Sơn (Nguyễn Văn Thọ 15/2/1890 - 26/1/1973) là đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Với khoảng 60 năm gắn bó với nghề, ông để lại khoảng 400 tác phẩm trên nhiều chất liệu, trong đó lụa có hơn 20 bức.
Tác phẩm đến từ Hà Nội
Theo thông tin từ nhà đấu giá Aguttes, Thôn nữ Bắc kỳ có hơn nửa thế kỷ “ngủ yên” trong một bộ sưu tập tư nhân tại Hà Nội, vốn là của thừa kế từ trước năm 1960. Tác phẩm có thể vẽ năm 1935, từng xuất hiện tại hội chợ có tên là Salon de la Sadeai ở Hà Nội năm 1936. Tại hội chợ này, Nam Sơn còn tham gia 3 bức tranh lụa khác.
Trong các tài liệu lưu trữ của gia đình Nam Sơn cũng có đề cập đến tác phẩm này. Ngoài chữ ký và triện, dòng lạc khoản chữ Hán bên góc trái tác phẩm viết: “Thần Kiếm hồ Nguyễn Nam Sơn bút ý”, tạm dịch: “Bức họa này do kẻ hèn ngụ bên hồ Hoàn Kiếm là Nguyễn Nam Sơn vẽ”.
Về vẻ đẹp của tác phẩm, nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi mô tả: “Toàn thể bức tranh chủ yếu là sắc màu xanh lá cây chuyển sang lam ngọc, mềm mại, đa dạng và trong trẻo, vẽ ba thôn nữ miền Kinh Bắc. Người đứng trước là nhân vật chính, nhỏ tuổi nhất, vai gánh buồng chuối được diễn tả một cách tinh tế. Gương mặt xinh xắn, tóc vấn như một chiếc vương miện cài trên đầu. Cô mặc chiếc áo cộc trắng, cổ áo để lộ ra mảnh yếm đào. Một chiếc quần dài màu đen được cột bằng dải lụa xanh. Một dây bùa trừ tà đeo ở cổ, như một điểm trang. Đằng sau là hai phụ nữ lớn tuổi hơn. Đó là mùa Đông, trời lạnh nên họ mặc áo tơi, buộc khăn mỏ quạ, tông xanh nhấn mạnh thêm vẻ lạnh giá của không gian. Cả ba đều có dáng vấp truyền thống tượng trưng và quen thuộc của người nông thôn miền Bắc Việt Nam”.
Dù không chuyên về tranh lụa, nhưng qua Thôn nữ Bắc kỳ, người xem có thể thấy kỹ thuật lụa của Nam Sơn rất tinh tế. Đặc biệt ở cách thể hiện màu sắc, nhìn như xuyên suốt qua thớ lụa. Kỹ thuật này cũng được nhìn thấy qua bức lụa Về chợ mà ông vẽ năm 1927 - nghĩa là trước đó gần 10 năm - từng triển lãm tại Paris. Và Về chợ có lẽ cũng là bức tranh lụa đầu tiên của mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Bởi một trong những sơ tổ tranh lụa hiện đại là Nguyễn Phan Chánh thì phải đến năm 1928 mới chuyển sang học kỹ thuật vẽ lụa Vân Nam và bắt đầu thành công.
Xứng đáng trưng bày ở bảo tàng
Nhìn chất lượng tác phẩm và vị thế của Nam Sơn trong lịch sử mỹ thuật hiện đại, Thôn nữ Bắc kỳ xứng đáng được treo ở các bảo tàng mỹ thuật công lập tại Việt Nam. Hơn nữa, với giá bán ước đoán từ 35.000 đến 50.000 euro, tác phẩm cũng không quá đắt giá để sưu tập.
Thế nhưng, khả năng để các bảo tàng mỹ thuật công lập tại Việt Nam chiến thắng ở các phiên đấu giá như thế này thì gần như không có. Do cơ chế tài chính, nếu có sẵn tiền thì cũng không kịp mua, vì duyệt chi rất mất thời gian, phải họp tới họp lui nhiều lần. Kế đến, các tổ chức như bảo tàng công lập thì thường phải kết toán chi tiêu từng năm, nên không thể có tiền dự trữ cho những việc đột xuất như đấu giá. Cho nên nhiều người còn chỉ biết trông chờ vào các bảo tàng tư nhân, các nhà sưu tập độc lập.
Lê Phổ - “á quân” về giá bán ước đoán
Phiên đấu còn nhiều tác phẩm của bộ tứ quen thuộc tại Pháp là Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ. Đáng chú ý nhất có lẽ là tác phẩm Jeune Fille Songeuse (Thiếu nữ mơ mòng, sơn mài, 60cm x 91cm, 1936) của Lê Phổ, dù giá bán ước đoán chỉ từ 25.000 đến 30.000 euro.
Nếu tác phẩm có giá ước đoán cao nhất phiên thuộc về Pierre Bonnard (1867-1947), từ 500.000 đến 600.000 euro, thì “á quân” về giá thuộc về Lê Phổ, với hai tác phẩm Maternité (Mẫu tử, mực nho và màu nước trên lụa, 59,5cm x 48cm) và Jeune fille à la rose (Thiếu nữ bên hoa hồng, mực Nho và màu trên lụa, 41cm x 32,2cm) cùng ước đoán từ 150.000 đến 200.000 euro.
|
Họa sĩ Ngọc Mai cũng say đắm nàng Kiều như triệu triệu người Việt khác. Và bởi sự say đắm ấy, bà đã dành 12 năm để hoàn thành 28 bức tranh về truyện Kiều và 1 cuốn sách với tựa đề Tranh lụa Kiều.
Văn Bảy
loading...