Triển lãm 'Mùa trong vườn': 2 người phụ nữ và dao khắc
(Thethaovanhoa.vn) - 2 người phụ nữ với 2 điểm xuất phát ngược chiều trong nghệ thuật, hỗ trợ và sáng tác cùng nhau trong một thời gian dài. Mùa trong vườn là kết quả của một hành trình thú vị ấy.
Đó tưởng chừng là một cuộc dạo chơi với cây cỏ hoa lá đầy tính nữ, thế nhưng cuộc dạo chơi của nghệ thuật cũng lắm công phu.
Triển lãm mở cửa tự do từ Tết Dương lịch đến hết ngày 12/1 tại 42 Yết Kiêu, Hà Nội, với gần 80 bức tranh đồ họa đem đến nhiều bất ngờ và suy tư cho người xem.
Tính đa dạng của tranh in và 2 hành trình trái ngược
Có thể nói, chính nhờ sự đa dạng trong các kỹ thuật của đồ họa tranh in hiện đại đã tạo điều kiện cho người nghệ sỹ có thể thỏa sức sáng tạo và biểu đạt để đi những con đường ngược xuôi, khuôn lựa theo cá tính.
Nguyễn Mỹ Ngọc là một giảng viên, một nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đồ họa tranh in chuyên nghiệp. Chị theo đuổi đồ họa từ khi còn là sinh viên mỹ thuật cho tới khi thành nghề. Hành trình tưởng như bằng phẳng, thế nhưng, người biết chị thì lại thấy có điều gì vật lộn, trăn trở trong đời sống người phụ nữ này, hình ảnh đó luôn hiện diện cùng với những bản khắc.
Nguyễn Mỹ Ngọc đi sâu vào nghệ thuật khắc gỗ và khắc kẽm với kỹ thuật in truyền thống trong một khoảng thời gian dài. 3 năm trở lại đây, chị chuyển hướng và tìm thấy nhiều cảm xúc với thể loại tranh khắc cao su kết hợp in độc bản.
Tranh khắc kẽm và cao su với 2 tính chất trái ngược nhau đã đem đến cho họa sĩ những khám phá về nội tâm trong thực hành nghệ thuật. Tranh khắc kẽm được thưc hiện với phương pháp in lõm - 1 trong 5 phương pháp in của tranh đồ họa: In nổi, in lõm, in phẳng, in xuyên và in độc bản. Tranh khắc kẽm đặc trưng với các nét dao khắc sắc lẹm trên kẽm cứng. Trong khi, khắc cao su thực hiện với phương pháp in nổi - các phần tử in nằm nổi cao hơn phần không cần in. Cao su mềm mại cho phép khắc những nét khoáng hoạt, bay bổng. In độc bản là phương pháp thuận lợi cho thực hành tranh in ngẫu hứng.
Như vậy có thể thấy, hành trình trong triển lãm này của họa sĩ Nguyễn Mỹ Ngọc là hành trình đi từ cương đến nhu, từ sự gồng mình sắc lẹm của người phụ nữ hiện đại quay trở về bản chất yếu mềm phóng khoáng thơ mộng. Nhưng có sao, khi chính sự mềm yếu đó mới phù hợp với thể tạng nghệ thuật và con người chị.
“Tôi đi tìm người phụ nữ đó như đi tìm tôi trong nghệ thuật đồ họa tranh in, một loại hình nghệ thuật vừa lý trí lại vừa giàu cảm xúc” - tác giả chia sẻ - “Trong quá trình đó, đã có lúc tôi tưởng mình chi tiết đến sắc nhọn trong kỹ thuật khắc kẽm, nhưng rồi tôi lại thèm cái cái cảm giác mềm mại tự do của hội họa… tôi hy vọng mình đã tìm ra được phần nào người phụ nữ mà tôi hướng tới, mâu thuẫn nhưng thú vị”.
Ở xuất phát điểm ngược lại, Trang Thanh Hiền là giảng viên Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật (Đại học Mỹ thuật Việt Nam). Nhiều năm song hành với nghiên cứu mỹ thuật cổ, chị sáng tác tranh trên chất liệu mực nho và giấy dó. Cái nền tảng nghiên cứu cho chị một sự lý trí nhất định trong thực hành nghệ thuật. Nhưng đổi lại, những kiến thức và năng lượng dồi dào bồi đắp cho nghệ thuật của chị những lớp lang và phá cách thú vị.
Trang Thanh Hiền có phần không theo trình tự cơ bản. Các tác phẩm của chị đã nảy sinh những cách thức sáng tạo khác như in chồng các bản khắc khác nhau, in nối bản, ghép bản, in phối hợp cùng thủ ấn họa, mang tính gợi mở cho thực hành nghệ thuật tranh in vượt qua những lối mòn quy tắc.
“Mùa trong vườn với tôi là một cảm hứng tràn trề, một nguồn năng lượng mới, cảm xúc mới để thoát ra những quen thuộc với mực nho và giấy dó, để tìm đến gỗ và dao khắc sau rất nhiều năm” - họa sĩ nói thêm - “Đôi lúc tôi nghĩ rằng, có lẽ không phải tôi tìm đến đồ họa mà đồ họa hiện đại đã tìm tôi. Nó giúp tôi hoàn thiện phần sáng tạo nằm trong khả năng khám phá nghệ thuật của bản thân từ sâu thẳm trái tim mình”.
Và như vậy, chính những kỹ thuật, phương pháp đa dạng của đồ họa đã góp phần tạo nghĩa và hoàn thiện cho tầng tầng lớp lớp các ý tưởng sáng tác của một nhà nghiên cứu - nữ họa sĩ với cá tính mạnh mẽ.
Cơ duyên thú vị Trang Thanh Hiền có những thử nghiệm với đồ họa từ rất lâu và đã từng sáng tác những tác phẩm khắc gỗ từ những năm 2000 kết hợp giữa vẽ tay trên giấy dó và in bản gỗ những chi tiết. Tuy nhiên công việc nghiên cứu mải miết dường như đã kéo chị ra khỏi những sáng tạo với thể loại tranh này. Chị tâm sự: “Có thể nói, người khơi lại nguồn cho cảm hứng đó trở lại như một mạch ngầm chính là họa sĩ Nguyễn Mỹ Ngọc. Tôi đã bị em cuốn hút bởi những bức tranh khắc trên chất liệu cao su đầy nữ tính, khiến cho cảm xúc mãnh liệt muốn trở lại với dao, với gỗ và những bản in như bừng tỉnh…” |
Sự biến hóa của hoa lá
Từ cảm hứng về các loài hoa, một đặc trưng của tính nữ, những 80 tác phẩm của Mùa trong vườn cho thấy cụ thể sự đa dạng trong thế giới nội tâm của 2 nữ nghệ sĩ.
Hoa lá, che đậy và ẩn hiện trong hình dáng cơ thể người phụ nữ là motif chủ đạo trong các tác phẩm của Nguyễn Mỹ Ngọc. Hình ảnh người phụ nữ khi thì hiển hiện như “mùa trong vườn” - bộ tranh thứ 6, khi thì cuồng nộ căng tràn trong hoa lá cùng thủ pháp chồng lớp in độc bản kết hợp vẽ tay trong bộ tranh Mùa hoa nở. Có khi hình ảnh người phụ nữ khuôn lựa vào hình trăng, rồi ẩn dụ thành chấm tròn bên hoa lá - bộ tranh thứ 2, Trăng. Rồi cuối cùng, triệt tiêu chỉ còn lại khu vườn - bộ tranh thứ 5 - Góc vườn. Ở một khía cạnh nào đó, các cung bậc trăn trở đầy thú vị trong cảm xúc của người phụ nữ này cho ta nhớ đến Thập mục ngưu đồ - 10 bức tranh chăn trâu, một hình thức dạy “thuật luyện tâm” trong Phật giáo Trung Hoa.
Những biểu đạt trong các tác phẩm của họa sĩ Trang Thanh Hiền đa dạng và biến hóa với nhiều motif tạo hình đặc trưng. Trong đó nhiều motif được xây dựng từ các sáng tác mực nho và giấy dó trước đây của chị như: Motif hình người rỗng trong tư thế ngồi của Đức Phật cùng hình cánh hoa phía dưới như bàn như trong các thế thủ ấn; motif đầu người phụ nữ với phần tóc là những loài hoa mang ý nghĩa biểu tượng của Phật giáo như hoa cúc, hoa mẫu đơn, hay motif hoa sen và Đức Phật.
Khi cảm xúc được làm mới, các loài hoa cỏ của đời sống được thêm vào lồng trong bóng dáng các hình tượng cũ. Bằng cách chế bản âm, những hình tượng hiện đó lên xao xác hư ảo như một không gian đồng hiện giữa cũ và mới, giữa chất tâm linh và đời thực. Bên cạnh âm bản, các tác phẩm monoprint, monotype với một tone màu của hoa lá, các hiệu ứng chồng màu, nối bản, thủ ấn… đem đến hiệu ứng của những ảo ảnh mang tính pop art.
- Họa sĩ Trang Thanh Hiền dạy trẻ làm mặt nạ đón Trung thu
- Họa sĩ Trang Thanh Hiền: Câu chuyện tình yêu trong những bức tranh dê
- Trang Thanh Hiền - Đàn bà vượt cạn
Trong những cảm xúc đó, có loạt tranh Niềm tôn kính Van Gogh lấy cảm hứng từ những bông hoa diên vỹ của danh họa Van Gogh. Chính bức tranh này của Van Gogh chịu ảnh hưởng từ kỹ thuật tranh in mộc bản (Ukiyo-ewoodblock prints) của Nhật Bản cũng như phần lớn các tác phẩm khác của ông. Nhưng bức Hoa diên vỹ là sự tĩnh tâm may mắn và hiếm có trong những ngày cuối đời của ông. Và có lẽ, khi nghệ thuật khắc gỗ chạm được vào tâm hồn chị, thì niềm tôn kính với một người nghệ sĩ chân chính đã cho chị những đồng cảm và yêu mến để đem những bông hoa diên vỹ về nghệ thuật khắc gỗ trong sự hồi đáp.
Triển lãm Mùa trong vườn đem đến những hình ảnh phóng khoáng bằng sự kết hợp những kỹ thuật đa dạng của tranh in đồ họa. Và trên hết, chính sự gặp gỡ của 2 người phụ nữ khác biệt đã bồi đắp vào những khoảng trống, đem đến thêm “quá nhiều những màu sắc và hứng khởi… cho khu vườn qua bao mùa thay lá…”
Họa sĩ NGUYỄN MỸ NGỌC Sinh năm 1982 2008 Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam 2011 Thạc sĩ Đồ họa tranh in Chất liệu sáng tác chủ yếu: khắc kẽm, khắc cao su, in độc bản Họa sĩ TRANG THANH HIỀN Sinh năm 1974 1997 Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam 2002 Thạc sĩ văn hóa học 2013 Tiến sĩ văn hóa học 2017 PGS văn hóa nghệ thuật |
Trần Thu Huyền