Họa sĩ Trang Thanh Hiền: Câu chuyện tình yêu trong những bức tranh dê
Đó là những chia sẻ của nữ họa sĩ Trang Thanh Hiền bên lề triển lãm Những con giáp ngày Xuân gồm 77 bức tranh vẽ dê của chị cùng họa sĩ Lê Trí Dũng đang diễn ra tại Trung tâm triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (2, Vân Hồ, Hà Nội).
Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với Trang Thanh Hiền.
* Vì lý do gì chị có ý tưởng vẽ tranh con giáp và vì sao lại làm triển lãm cùng Lê Trí Dũng?
- Mỗi năm Tết đến, tôi đều vẽ một vài bức tranh con giáp cho một năm mới tràn trề sinh lực. Năm nay cũng không ngoại lệ, nhưng có chút đặc biệt hơn, họa sĩ Lê Trí Dũng và tôi muốn cùng kết hợp để có được một phòng tranh Tết, đem lại không khí Xuân sắc cho dịp Xuân về. Phòng tranh của chúng tôi là một trong những điểm nhấn giới thiệu về không gian Tết xưa và nay bên cạnh các trưng bày về Tết người Việt của Bảo tàng Mỹ thuật, Tết vùng cao của Lào Cai...
Để thực hiện triển lãm này, tôi và họa sĩ Lê Trí Dũng đã vẽ liên tục trong 2 tháng trở lại đây. Họa sĩ Lê Trí Dũng có 53 bức acrylic trên giấy, còn tôi có 24 bức tranh mực nho, màu nước trên giấy dó hoặc xuyến chỉ.
* Khác với những con dê dũng mãnh, khỏe khắn trong tranh của họa sĩ Lê Trí Dũng, những con dê trong tranh của chị ít nhiều mang vẻ nữ tính, vì sao vậy?
- Con dê trong văn hóa dân gian vốn là một biểu tượng về một nguồn sinh lực dồi dào và ít nhiều gắn liền với yếu tố phồn thực. Hơn nữa, con dê là một trong những con vật nuôi rất gần gũi với con người. Do vậy khi vẽ về hình tượng này, tôi không chỉ đơn giản là vẽ hay tìm những đặc điểm đặc trưng của con giáp năm mới, mà muốn gắn kết nó với các câu chuyện về cuộc sống, tình yêu, thông qua đó truyền tải những thông điệp cho năm mới.
Phần lớn các tác phẩm trong bộ tranh này là câu chuyện về gia đình và tình yêu như: tình cha con, mẹ con, vợ chồng của những con dê trong “khu vườn tình yêu” với các biểu tượng phồn thực. Ví dụ như tác phẩm gia đình dê và 12 bước chân yêu thương, là một trong những tác phẩm tôi rất tâm đắc. Con dê con như đang nũng nịu bố mẹ ngửa bốn vó lên trời. Vợ chồng dê thì có đến tận 12 chân, tượng trưng cho 12 tháng trong năm đang bước đi trên những lá hình đôi môi, biểu tượng cho tình yêu và niềm hạnh phúc viên mãn. Hay bức tranh “con dê đỏ và thánh mẫu thượng ngàn” như biểu tượng về sự trưởng thành được sự che chở...
* Xem một số bức tranh dê của chị chị người xem như cảm nhận thấy cả màu sắc tâm linh và những âm hưởng của nghệ thuật dân gian cổ truyền của người Việt?
- Là người chuyên về nghiên cứu về mỹ thuật cổ, tôi học được nhiều hơn từ các dòng tranh dân gian như Đông Hồ, Hàng Trống, tranh thờ và di sản mỹ thuật cổ của cha ông những cách thức biểu đạt thú vị. Ví dụ như bức tranh con “dê độc” ở triển lãm này là tác phẩm lấy cảm hứng từ các hình tượng như lợn độc, gà đại cát trong tranh dân gian Đông Hồ, hay bức chạm dê ăn lá thế kỷ 14 thời Trần. Tôi vẽ con dê đỏ đứng một mình với đôi mắt đong đưa cắn vào cuống bông hoa phồn thực, có nghĩa là “nhất dương sinh” biểu tượng vạn vật được sinh sôi.
* Nhân dịp năm mới chị có thể chia sẻ vài điều về mỹ thuật và nghiên cứu - phê bình mỹ thuật hiện nay?
- Trong những năm gần đây, khi các hoạt động mỹ thuật Việt càng tiếp cận với thế giới, thì việc nghiên cứu, phê bình mỹ thuật là điều vô cùng cần thiết. Nó bắc cây cầu kết nối giữa nghệ thuật và công chúng để đem lại những hiểu biết về nghệ thuật mà dường như ở ta còn rất thiếu.
Năm 2014, giới nghiên cứu đã phát huy được vai trò của mình trong việc quảng bá mỹ thuật Việt và ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa như việc sư tử Tàu là điển hình. Tôi hy vọng rằng năm Ất Mùi này, giới mỹ thuật sẽ tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò đó để mỹ thuật thực sự là một món ăn tinh thần của xã hội. Các giá trị văn hóa Việt được tôn vinh đúng nghĩa.
* Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
An Như (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa