loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Bằng nhiều hình thức, từ tiết học ngoại khóa, hoạt động câu lạc bộ, trải nghiệm đến giờ học chính khóa, các loại hình âm nhạc dân tộc đang được các trường phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh tích cực đưa vào trường học và thu hút sự quan tâm của nhiều học sinh. Qua đó, nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với học sinh, giúp gìn giữ và phát huy các loại hình âm nhạc truyền thống trong các thế hệ học sinh.
Từ ngày 25 đến 29/11, ngôi trường có truyền thống đào tạo và nuôi dưỡng âm nhạc nước nhà sẽ là điểm đến cho những người yêu thích âm nhạc dân tộc thông qua , “Cuộc thi độc tấu – hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc và Liên hoan âm nhạc dân tộc quốc tế” lần 1 năm 2018.
Từ những tiết học vui
Ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc đưa các bộ môn nghệ thuật truyền thống vào trường học thông qua những chuyên đề, lồng ghép trong các môn học đã được rất nhiều trường tích cực thực hiện. Hoạt động này giúp học sinh được tiếp cận, tìm hiểu và khơi gợi đam mê âm nhạc dân tộc.
“Chèo vừa giúp em hiểu rõ về nội dung bài học, vừa giúp em dễ dàng tiếp cận, cảm nhận được những đặc sắc của môn nghệ thuật truyền thống này của dân tộc. Khi các bạn biểu diễn trên sân khấu, em có thể tập hát theo. Em cảm thấy Chèo không còn quá xa lạ và “khó nghe” mà còn thấy rất thú vị” - đó là những điều mà em Nguyễn Đức Mạnh, học sinh Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn (Quận 3) cảm nhận được sau khi tham gia hoạt động sân khấu hóa bằng nghệ thuật Chèo để tìm hiểu tác phẩm Quan âm Thị Kính do Nhà trường tổ chức mới đây.
Cô Đinh Thị Thu, Tổ trưởng môn Ngữ văn, Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn chia sẻ, hoạt động này nằm trong chuyên đề Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc qua nghệ thuật truyền thống Chèo. Việc sân khấu hóa tác phẩm văn học được giảng dạy trong chương trình sách giáo khoa sẽ giúp học sinh hiểu hơn hệ thống các vai nhân vật trong tác phẩm một cách trực quan, sinh động. Mặt khác, Chèo là bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc từ lâu đời, phổ biến ở miền Bắc nhưng những học sinh ở miền Nam ít có điều kiện tiếp cận. Chương trình này cũng tạo cơ hội để các em tiếp cận, hình dung cụ thể hơn về nghệ thuật Chèo truyền thống.
Vui vẻ sau khi biểu diễn thành công trích đoạn “Nỗi oan hại chồng” (Chèo Quan âm Thị Kính), em Đinh Kiều Trang, học sinh trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn chia sẻ, đây là loại hình biểu diễn khá mới mẻ, em chưa được thử sức nên cảm thấy rất hào hứng, nhưng cũng không kém phần hồi hộp, lo lắng. Mặc dù rất khó, nhưng được thầy cô chỉ dạy kỹ lưỡng, em đã làm được. Với hoạt động này, em không chỉ hiểu hơn về Chèo, loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc, mà việc lồng ghép học tác phẩm văn học đã giúp em hiểu sâu sắc hơn nội dung bài học.
Trực tiếp hướng dẫn các học sinh và tham gia biểu diễn tại chương trình này, Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Sỹ Hà (nghệ danh Hà Chèo) chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi khá lo lắng, do nghệ thuật Chèo (phổ biến ở miền Bắc) đòi hỏi người biểu diễn phải hát tròn vành rõ chữ, trong khi các học sinh ở miền Nam có sự khác biệt giọng nói nên khá khó khăn với các em. Tuy nhiên, sau khi tiếp xúc, chúng tôi nhận thấy nhiều em có năng khiếu và đam mê bộ môn này. Chúng tôi rất vui vì điều đó. Từ yêu nghề, quý trọng nghề, chúng tôi cố gắng ươm mầm, giúp các bạn trẻ hiểu giá trị, bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân gian, trong đó có nghệ thuật Chèo”.
Nhận định về vai trò của giáo dục văn hóa nghệ thuật truyền thống trong thế hệ trẻ, thầy Phạm Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn cho rằng, giáo dục các loại hình văn hóa dân tộc cho học sinh, tạo được hiệu ứng tốt để các em thêm hiểu, yêu thích và tự hào về văn hóa, con người Việt, tính cách Việt Nam trong mỗi học sinh ngày càng nâng lên. Những hoạt động do chính các em tham gia thực hiện, biểu diễn càng giúp các em dễ dàng tiếp cận hơn, ấn tượng hơn, khơi gợi trong các em tình yêu, niềm tự hào với nghệ thuật Chèo.
Đến giờ học bài bản
Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du (Quận 10) là một trong những trường đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh đưa môn âm nhạc truyền thống vào giảng dạy trong giờ học chính khóa cho học sinh. Bộ môn này đã được tổ chức từ 3 năm nay, mỗi năm có từ 2-4 lớp học được tổ chức với 2 tiết/tuần và học sinh đăng ký tham gia học nếu yêu thích. Chương trình học bao gồm từ việc giới thiệu các loại hình âm nhạc dân tộc, các loại nhạc cụ, trang phục và hướng dẫn các em thực hành biểu diễn. Gắn với đó là giới thiệu về văn hóa, tín ngưỡng của từng vùng, miền, từ đó giúp các em hiểu cả về nghệ thuật truyền thống và văn hóa, đời sống người dân ở mọi miền đất nước.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du chia sẻ, theo trào lưu, giới trẻ hiện nay rất thích nhạc nước ngoài, xu hướng này tiếp tục phát triển sẽ dần làm mai một âm nhạc dân tộc truyền thống. Vai trò của giáo dục phải làm công tác định hướng xu hướng của các bạn trẻ. Do vậy, dù vốn là môn học ngoại khóa nhưng Nhà trường vẫn quyết định đưa môn âm nhạc truyền thống vào giờ học chính khóa để giáo dục, định hướng học sinh. Điều này nhằm khẳng định với học sinh về tính nghiêm túc, quan trọng của môn học này để các em đầu tư một cách bài bản; đồng thời cũng nhằm tạo sân chơi lành mạnh để các em phát huy được năng khiếu của mình.
“Chúng tôi không kỳ vọng tất cả các em đều biết hát, biểu diễn các loại hình, nhưng môn học giúp các em có thể hiểu được những nét căn bản về âm nhạc dân tộc truyền thống. Thông qua môn học này, tôi cũng hy vọng sẽ có một số em có đam mê và lựa chọn đi theo một loại hình nào đó. Đó là cơ sở, là nhân tố lan tỏa, giúp âm nhạc truyền thống tồn tại và phát triển”, thầy Huỳnh Thanh Phú bày tỏ.
Em Trúc My, lớp 10A17 cho biết, trước đây em cũng biết đến dân ca nhưng không hiểu rõ. Qua những giờ học trên lớp, em cảm nhận dân ca không những rất thú vị mà còn giúp em biết được cội nguồn, truyền thống của dân tộc. Những điệu hò, lý, dân ca ba miền mộc mạc giúp em thêm yêu những điều giản dị của đất nước, con người Việt Nam.
Tham gia giảng dạy bộ môn nghệ thuật truyền thống tại trường, Nghệ sĩ Trần Quang (Nhà hát Bông Sen) chia sẻ, thực tế theo phong trào, các bạn trẻ hiện nay rất thích nhạc trẻ do được tiếp xúc thường xuyên hơn. Trong khi đó, lưu truyền âm nhạc dân tộc cho thế hệ sau là một điều rất quan trọng. Theo chương trình phổ thông, đến bậc Trung học Phổ thông không còn môn âm nhạc. Tuy nhiên, việc thí điểm tổ chức môn âm nhạc dân tộc trở thành môn học chính khóa tại Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Du đã góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc.
“Ở góc độ người làm nghề, tôi hy vọng âm nhạc dân tộc sẽ được đưa vào trường học một cách bài bản, thống nhất, không chỉ ở bậc phổ thông mà có thể cả bậc đại học. Âm nhạc dân tộc có rất nhiều loại hình, cũng không phải em học sinh nào cũng có thể lĩnh hội tốt, vì có nhiều loại hình âm nhạc dân tộc rất “khó nghe”. Nhưng nếu được tiếp cận thường xuyên, các em sẽ cảm nhận được cái hay của mỗi loại hình. Thực tế, trong quá trình dạy, tôi phát hiện có rất nhiều em yêu thích và hát rất hay các thể loại âm nhạc dân tộc từ Bắc, Trung, Nam. Có thể các em không hát được, nhưng qua đó các em cũng có thể hiểu được và góp phần lưu giữ cho thế hệ sau”, Nghệ sĩ Trần Quang bày tỏ.
T.Hoài - TTXVN
loading...