Thư gửi robot citizen: Viết cho tuổi 15
Sophia thân mến! Tháng 6 này, thời tiết và lòng người cũng như nóng hơn khi hàng triệu em học sinh cả nước tôi đã và đang trải qua kỳ thi tuyển vào lớp 10.
Tỷ lệ đỗ vào các trường công lập ở một số thành phố lớn chỉ 60-70%, trong đó các trường tốp đầu thì tỉ lệ chọi còn ở mức “không tưởng”, nên sức ép đè nặng lên vai các em đang bước vào tuổi trăng tròn, độ tuổi thanh khiết và mơ mộng về những điều tốt đẹp nhất trên đời.
Tôi có hai đứa cháu cùng phải thi lên lớp 10. Hôm về quê, bố mẹ cháu gái thì tự tin vì con mình học giỏi. Ngược lại, anh chị có cháu trai lực học khiêm tốn thì lo lắng vô cùng. Một mâm cơm thịnh soạn, đứa cháu trai ngồi rụt rè, bồn chồn lo lắng nhìn bố mẹ trình bày với tôi: “Hôm nay anh chị làm mâm cơm kha khá để động viên cháu. Nói thẳng luôn, nếu thi đỗ thì vui, còn không thì sau một thời gian nữa sẽ định hướng cho nó đi xuất khẩu lao động, khỏi học hành. Không còn con đường nào khác”.
Tôi nhìn gương mặt thằng bé ánh lên niềm vui. Rõ ràng nó đã thấy như trút được gánh nặng thi cử. Nó cũng như nhiều đứa trẻ nông thôn đã quá mệt mỏi, có học giỏi nhưng để cạnh tranh với cuộc đời không đơn giản. Thành ra, gắng được hết cấp 3, không đi đại học thì xuất khẩu lao động là con đường ngắn nhất để có vốn liếng xây dựng tương lai.
Trẻ con thành phố thì sao? Nhìn xung quanh, áp lực với phụ huynh - học sinh thi lên lớp 10 còn nặng hơn cả nông thôn vì cạnh tranh quá cao. Đa số phụ huynh vẫn nghĩ trường công là mô hình có “bao cấp” hoặc con em phải vào trường công mới danh giá, đúng hướng nhưng lại không quan tâm đến việc nó có vừa sức với con mình hay không. Bởi vậy, cuộc chạy đua cho con thi đỗ vào trường công luôn “cháy phanh”. Hai năm nay dịch giã, các em phải học online nhiều nên không phải ai cũng thu nhận được kiến thức đầy đủ. Nhiều đứa trẻ đã dẫn đến stress khi không tự tin mình sẽ “vượt vũ môn” trường công thành công, nhưng vẫn phải nghiến răng mà thi.
Mà đâu riêng gì học sinh và phụ huynh, các trường cũng căng thẳng bởi tỷ lệ đỗ vào trường công thấp ảnh hưởng đến thành tích chung của trường. Thế nên, mới đây “nghi án” ở Hà Nội, giáo viên “tư vấn” học sinh bỏ thi lớp 10 gây xôn xao dư luận. Dù nghi án bị bác bỏ nhưng đừng quên là hằng năm, nhiều phòng GD&ĐT quận, huyện vẫn thống kê số học sinh lớp 9 đỗ vào lớp 10 trường công để đánh giá “thành tích” của trường. Áp lực đó vẫn đè nặng.
- Thư gửi robot citizen: Chóng mặt cùng sách giáo khoa
- Thư gửi robot Citizen: Hè này, hãy dạy trẻ tập bơi
- Thư gửi robot Citizen: 'Hôm qua, em đến trường...'
Sophia thân mến!
Thực ra, vẫn còn nhiều giải pháp để bố mẹ chọn lựa cho con ngoài phải vào trường công bằng mọi giá. Dù không đậu tuyển sinh vào lớp 10 công lập nhưng vẫn có rất nhiều hướng đi khác với các em. Nếu phụ huynh muốn cho con học tiếp văn hóa thì có thể chuyển hướng tại các trường trung cấp nghề, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trường ngoài công lập. Ở những cơ sở giáo dục này tuy số môn học ít hơn ở trường THPT công lập nhưng bằng tốt nghiệp THPT có giá trị như nhau. Thực tế cho thấy, không ít trường THPT ngoài công lập vẫn có những triết lý giáo dục vô cùng khai phóng, chất lượng, có tỷ lệ học sinh lớp 12 đỗ vào các trường đại học công lập khá cao.
Bất chấp mọi giải pháp, việc thi vào lớp 10 hiện nay căng thẳng và tỷ lệ chọi ngang đại học, là một sự bất thường. Từ lớp 9 chuyển sang 10 là độ tuổi 15 trăng tròn, lẽ ra các em phải được hưởng thụ môi trường giáo dục đơn giản hóa nhưng chất lượng, tiên tiến thì ngược lại, phải gánh nặng trên đôi vai mảnh mai đủ chuyện không vui ở bước ngoặt quan trọng của cuộc đời!
Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý