Thư gửi robot citizen: Bạo lực không chỉ là nắm đấm
Sophia thân mến! Trong phiên Quốc hội chúng tôi thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), nữ đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) đã có phát biểu gây sốt cộng đồng: “Chồng đi làm về nhà nhưng im lặng suốt, không nói gì cả, hoặc suốt ngày khen hàng xóm xinh đẹp, chu đáo; rồi “giận cá chém thớt”, giận dỗi vô cớ... cũng là hành vi bạo lực gia đình, làm cho đối tượng bị tác động khủng hoảng về mặt tâm lý”.
Thực ra, truyền thông hay lẩy ý làm tít khiến nhiều người không hiểu hết vấn đề, nhất là khi chỉ đọc cái tít xong thôi. Đại biểu Mỹ Dung phát biểu câu trên nhằm lý giải rằng những hình thức biểu hiện của bạo lực gia đình rất đa dạng.
Đúng thế. Bạo lực gia đình, trong đó bạo lực hôn nhân, lâu nay thường được hiểu đơn giản là những tác động về thể chất, tức là những hành vi cố ý xâm hại tính mạng hoặc gây ra thương tích trên cơ thể cho nạn nhân. Tuy vậy, người ta đã thống kê vô số hình thức bạo lực như: Bạo lực tình dục, tinh thần, kinh tế...
Ở Việt Nam, bạo lực gia đình đang có chiều hướng gia tăng đến mức đáng báo động. Bạo lực không chỉ phát ѕinh ở các gia đình học vấn thấp mà còn có ở các gia đình học vấn cao; không chỉ có ở những gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn mà còn nảу ѕinh ở những gia đình khá giả; không chỉ ở những đôi vợ chồng mới kết hôn mà còn có cả những đôi vợ chồng ѕống cùng nhau hàng chục năm; nạn nhân không chỉ là nữ, mà có cả nam giới.
Không phủ nhận đằng sau một vụ nghiêm trọng liên quan đến bạo lực gia đình thường có bóng dáng của đủ thứ áp lực từ cuộc sống hiện đại. Chúng ta phải thừa nhận hôn nhân, tình cảm vợ chồng thời buổi này dễ đổ vỡ hơn thời “ông bà anh”.
Đến đây, mọi người không nên “coi thường” tình yêu của thế hệ xưa. Thực tế, ngày xưa ở nhiều cặp vợ chồng, tình yêu chỉ đến ở thời kỳ hôn nhân, sau khi bị bố mẹ đem cưới gả mà chưa biết nhiều về đối tác của mình. Sinh con đẻ cái, tình nghĩa vợ chồng nảy nở mới sinh ra tình yêu. Vợ chồng có chuyện gì ồn ào là tự thân xấu hổ với bà con, xóm giềng. Ly hôn càng là điều húy kỵ. “Đạo vợ chồng” được xã hội xưa coi trọng. “Phu thê tương kính như tân”, tức là, dù là vợ chồng nhưng vẫn phải luôn tôn trọng nhau như khách đến nhà. Sự tôn trọng là nền tảng để điều tiết những hành vi không lệch chuẩn giữa hai bên.
Làm thế nào để con người ta có thể yêu quý nhau, “tương kính như tân” từ khi tóc xanh cho đến ngày tóc bạc? Đi với nhau gần trọn một đời vẫn cần nhau như cần không khí để thở, vẫn biết ơn nhau như một ân nhân lớn trong cuộc đời... Đó không phải là điều đơn giản. Không còn cách nào khác, ngoài tình yêu và tinh thần tôn trọng nhau, các cặp vợ chồng phải không ngừng hoàn thiện, học hỏi học mọi thứ, kể cả học cách yêu thương và đón nhận yêu thương.
Sophia thân mến!
Nói là vậy thôi chứ thực ra để duy trì được sự bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh, không phải là chuyện đơn giản. Cuộc sống bây giờ quá nhiều ẩn ức, từ gia đình đến xã hội. Những chuyện vô tình xảy ra trên đường đi chơi, đi làm cũng có thể người ta bạo lực với nhau. Đụng xe, thay vì tìm hướng giải quyết thì lại lao vào nhau, giở nắm đấm ra trước. Nghỉ lễ, nghỉ Tết lẽ ra vui vẻ nhưng lại xảy ra vô số vụ mượn rượu đánh nhau phải đi cấp cứu. Bạo lực học đường gia tăng, học sinh đánh nhau đã đành, nhiều phụ huynh cũng hành xử thiếu kiềm chế, càng khiến sự việc thêm rối.
Trong vô số chuyện dễ bức xúc, để giữ được cái đầu lạnh quả là không đơn giản. Sáng nay tôi đi đổ xăng xe máy, cách đây chưa lâu chỉ 85 nghìn là đủ nhưng nay phải 125 nghìn vẫn chưa thấy đầy bình. Chỉ nửa năm mà giá xăng tăng mấy đợt, hình như đang là đỉnh điểm, thử hỏi có “đi nhẹ nói khẽ cười duyên” được nữa không?
Bao nhiêu thứ áp lực đang đè lên nỗi lo cơm áo gạo tiền của các gia đình. Có phải vậy mà người ta càng dễ bạo lực với nhau?
Tạm biệt Sophia và hẹn thư sau!
Hữu Quý