Thiết kế nội thất của người Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Trong ngôi nhà sàn truyền thống của người Mường thì gian đầu có cầu thang chính đi lên là thuộc về chính chủ, nơi đó có một bếp nhỏ chỉ để ông pha trà, cây cột gỗ đôi và cửa số đối diện là nơi kê bàn thờ và nơi chính chủ ngồi, không ai được phép ngồi đó, tính từ đó xuống hết nhà thì theo thứ tự trong gia đình mà sinh hoạt.
Chúng tôi trích lại đoạn viết trên về nội thất của một ngôi nhà sàn Mường truyền thống (bài 11), khi lối bài trí nội thất chưa có xu hướng trung tâm như ngôi nhà Việt dưới đồng bằng. Lối bày, đặt nội thất có trung tâm phổ biến ở Việt Nam suốt thời phong kiến, trước tiên do lối xây dựng nhà ở đồng bằng, luôn có gian trung tâm và các gian đối xứng phát triển sang hai bên (ba, năm, bảy gian) và sau đó là chịu ảnh hưởng của tinh thần Nho giáo.
Cũng có ý kiến cho rằng chính Nho giáo quyết định lối thờ cúng vào trung tâm, nhưng chúng tôi luôn muốn nghĩ cái đó xuất phát từ thực tế xây dựng trước. Các kiến trúc tôn giáo luôn là kiểu mẫu cho cách bày đặt, vì chúng luôn điển hình và có nhiều đồ tế tự, còn đồ đạc của nhà dân thường rất ít. Lối bày đặt vào chính trung tâm và tỏa ra bốn chiều, kiểu mandala với mặt bằng hình vuông, có ở thời Lý, sau đó nhường chỗ cho lối bày, đặt trung tâm và tỏa ra hai cánh gà theo nhà vì kèo có mặt bằng chữ nhật. Từ cung đình đến nhà dân, thì lối bày, đặt có trung tâm là thống nhất quyết định đồ đạc đi theo nó như thế nào.
Lối bày, đặt trung tâm, gian giữa bao giờ cũng là thờ cúng để các đồ tế tự, các gian hai bên để đồ sinh hoạt thường nhật - giường, tủ, bàn, ghế. Nhưng có thể nói những đồ đạc như trên xuất hiện không đồng thời và không nhất thiết đầy đủ trong mỗi căn nhà người nông dân. Với người Mường và không gian nói trên coi như không có giường, tủ, bàn, ghế. Cái ghế duy nhất là tấm gỗ quây ba chiều ở bếp chính. Và đồ đựng là một chiếc bồ - trò ổ, đan hai lớp có nắp đậy, một tuyệt tác về đan lát, và khi nào con gái đi lấy chồng sẽ được bà và mẹ cho đem theo một hai cái.
Người nông dân Việt cũng không dùng đến tủ, nhiều gia đình không dùng bàn ghế, mà chỉ có cái chõng tre dùng đa năng - nằm, ngồi, bàn ăn cơm. Bộ tràng kỷ tre và sau này bằng gỗ có lẽ cũng xuất hiện 200 năm nay, trước đó thế nào chúng ta không khảo cứu được. Tuy nhiên căn cứ vào các đồ tế tự trong chùa thì đồ gỗ gia dụng Việt Nam cũng tương đối phát triển. Cái rương - hòm có lẽ là đồ đựng thường thấy ở nông thôn, tuy nhiên lại không phổ biến bằng chum đựng. Chum sành dùng đựng thóc gạo, thuốc lá, chè, nước và quần áo, đồ đạc linh tinh, mỗi thứ một chum, to nhỏ khác nhau.
Khi chuyển ra thành phố, nhà cửa khác đi, đồ đạc nhiều lên, khoa nội thất mới có dịp trổ tài. Như trên chúng ta đã khảo về kiến trúc thuộc địa và kiến trúc dân sự trong các phố phường cổ. Mỗi loại có chủ nhân và không gian khác nhau, nên nội thất cũng khác nhau, đòi hỏi design nội thất và đồ đạc cũng khác nhau, thay vì người nông dân nói chung chỉ có một loại nội thất.
Trong căn nhà phố phường cổ theo lối nhà ống hai tầng, hay một tầng rưỡi, cái phản vẫn quan trọng, vì đó là lối nằm ngồi ưa thích của người Việt, sau có thể chuyển thành bộ sập gụ tủ chè. Bộ bàn ghế cao xuất hiện, giống như bàn ghế văn phòng bây giờ, nhưng trong những ngôi nhà Hà Nội cổ nó để dùng làm bàn ăn. Cái tủ kê ở phòng ngủ đựng quần áo và giường không chỉ là giường gỗ truyền thống mà còn xuất hiện nhiều giường lò xo mua và đặt hàng từ Pháp làm bằng sắt tất, có cọc màn gắn với khung giường. Đó là những đồ cố định, bên cạnh những đồ đạc lặt vặt khác, lúc có lúc không.
Trong căn nhà biệt thự hay nhà riêng xây theo kiểu mới, các phòng được phân chia có chức năng rõ ràng. Nhà xây theo kiểu mới, tức là lối biệt thự nhưng gắn với nhà sát nhau trên phố, không có sân vườn bao quanh, vẫn phải đi theo trục dọc từ mặt đường vào trong, thì buồng ngoài để tiếp khách, buồng trong cho người già ở, tiếp đến là sân có bể nước, buồng tắm, cầu thang đi lên tầng hai, và gian bếp phía sau sân. Tầng hai có gian thờ và buồng phía ngoài cho vợ chồng gia chủ. Nếu có người hầu thì họ ở gian bếp. Sau gian buồng bếp là khu vệ sinh. Nội thất được chú trọng chính là buồng khách và buồng chủ, còn gian thờ theo lối truyền thống. Buồng khách, phía cửa thường có bình phong bằng gỗ, hay bằng gỗ cẩn mặt đá lớn, hoặc có khung căng vải, hoặc bốn, sáu, tám tấm vẽ tranh. Tiếp đó đến bàn khách hình tròn, mặt đá, sáu ghế có tay vịn, lưng tựa mặt đá, đôn gỗ hoặc sứ trên để chậu cảnh, có tủ thấp đựng đồ và tranh treo tường tùy theo. Buồng ngủ có giường lớn của vợ chồng gia chủ, sập gụ tủ chè, tủ đựng quần áo, và có thể có bộ salon hay bàn viết. Đôi gia đình mua thêm đàn piano thường kê ở buồng khách.
Trong căn biệt thự, nhiều phòng, tầng một và hai thì tùy từng phòng cho cá nhân mà bố trí. Nhưng quan trọng nhất cũng vẫn là phòng khách phía dưới và phòng lớn cho gia chủ. Ở ngoài hiên, có khoảng trống rộng thường kê bộ bàn ghế cho chủ và khách ngồi chơi tán chuyện, uống trà và cà phê, ngắm vườn có xích đu, rồi qua bình phong vào phòng chính có bộ salon bốn ghế một bàn bọc da và đi-văng dài, tủ sách, đàn piano, lò sưởi để vài kỷ vật, trên tường treo tranh ảnh, tủ đựng đồ sứ làm cảnh, vài ghế phụ cho người này người kia, khay đựng chậu nước rửa tay, gương lớn treo sau bình phong gian chính giữa. Cũng tùy theo cách bố trí và sở thích, nhưng dân công chức Pháp và Việt thường sành điệu dùng đồ theo các phong cách khác nhau, nhưng thống nhất, chứ không dùng đồ lung tung đa phong cách. Trang trí, trình bày nội thất nói lên văn hóa của gia đình và cũng là mức sống trong xã hội.
Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần