Tản văn cuối tuần: 'Đi bão' - hội cổ vũ bóng đá
Với câu hỏi “Vì sao sau mỗi lần Đội tuyển quốc gia, Đội tuyển U23 thắng một trận bóng đá quan trọng, đoạt chức vô địch, vào tứ kết, bán kết một giải đấu là không khí ngày hội tràn ngập cả nước, hàng triệu người như “lên đồng?”; đã có nhiều lý giải như: Lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu bóng đá,… và tôi không phủ nhận.
Nhưng theo tôi có lẽ nếu chỉ lý giải như vậy thì vẫn chưa đủ, cần tiếp cận từ góc độ khác là lễ hội và hội, từ đó hiểu rõ hơn vì sao chỉ sau ít năm, “đi bão” lại là hành vi xã hội được rất nhiều người hưởng ứng.
Hằng năm ở Việt Nam rất nhiều lễ hội. Có lễ hội liên quan cả nước như 30/4 - 1/5, 2/9, Giao thừa Dương lịch, Giao thừa Âm lịch, Giỗ tổ Hùng vương 10/3 Âm lịch,… Có lễ hội mang tính vùng, miền, địa phương như Lễ hội Gióng, Lễ hội đền Trần, Lễ hội chùa Hương, Lễ hội miếu bà Chúa Sam, Lễ hội nghinh Ông, Lễ hội xuân Yên Tử, Lễ hội Tháp Bà Ponagar… Dù mức độ, phạm vi khác nhau thì các lễ hội này đều đông người tham dự. Nhưng dẫu vậy, sự hồ hởi, náo nhiệt, sinh động, đặc biệt tinh thần sáng tạo, tính vô tư của người tham dự,… tại các lễ hội này khá khác biệt so với “đi bão” - hội cổ vũ bóng đá.
Thiết nghĩ, ý nghĩa chính trị - xã hội, tín ngưỡng - tôn giáo của các lễ hội trên là lý do chủ yếu đưa tới sự khác biệt. Thí dụ, từ mục đích hướng tới và chào mừng Quốc khánh, Ngày Giải phóng miền Nam, Quốc tế Lao động, đón chào năm mới,… yếu tố “lễ” đã quy định sự nghiêm túc trong hành vi người tham dự. Hồ hởi vui chơi thì họ vẫn khó, hoặc không thể thực hiện những hành vi được coi là bất bình thường so với sinh hoạt hằng ngày. Còn trong lễ hội liên quan tín ngưỡng - tôn giáo, “lễ” và “cái thiêng” buộc người tham dự dù không muốn vẫn phải e ngại, tuân thủ mọi quy định hướng đến “cái thiêng” (trang phục nghiêm túc, không mất trật tự, không nói năng tùy tiện,…).
Tóm lại, các lễ hội đó không chấp nhận sự khác thường, và buộc người tham dự phải tuân thủ nhiều quy định thành văn hoặc không thành văn. Cụ thể hơn là hạn chế sự phóng túng, người tham dự không được vui chơi thoải mái, không có cơ hội được trình diễn, trình bày trước cộng đồng những sáng tạo vui vẻ, hài hước của cá nhân…
“Đi bão” - hội cổ vũ bóng đá, thì không như vậy, trước hết là do không ấn định cụ thể về thời gian mà lệ thuộc vào tính chất từng trận đấu. Tiếp đó là tính bộc phát rất cao, không có quy định chung, người tham dự thoải mái bày tỏ nỗi phấn hứng miễn là không vi phạm thuần phong mỹ tục, phải bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
Nói tới “đi bão” là mọi người đều hiểu là thời điểm nam phụ lão ấu ra đường, vác cờ và nhảy múa, ôm chầm cả người không quen biết, cố gắng chế tạo các vật dụng (từ áo, quần, mũ, nón, đến khẩu hiệu, hình thù ngộ nghĩnh) có thể thu hút, khiến cộng đồng thú vị; gắn hoặc vẽ lên người và xe cộ nhiều hình hài vui nhộn, nếu không hò hét đến khản cổ thì gõ hoặc thổi mọi thứ có thể phát ra âm thanh… So với sinh hoạt hằng ngày, các hành vi này là bất bình thường, thậm chí bị chê cười hoặc phản đối, nhưng với “đi bão” - hội cổ vũ bóng đá, thì được cho qua, không “chấp”, không coi là “chướng tai, gai mắt”.
Hiện ở Việt Nam nhiều lễ hội nhưng còn thiếu các ngày hội là dịp để mọi người - nhất là giới trẻ, vô tư chung vui với cộng đồng, và “đi bão” - hội cổ vũ bóng đá, ít nhiều đáp ứng được nhu cầu này.
Có thể là quá lời, nhưng quả khó có thể bác bỏ một sự thật là đến nay, “đi bão” - hội cổ vũ bóng đá, là thời điểm duy nhất mọi người được vui hết mình, công khai thể hiện sự phấn hứng. Vì thế cần quan tâm để hình thành các lễ hội đáp ứng nhu cầu thể hiện niềm vui một cách sảng khoái.
Nhân đây, cũng đề cập một yếu tố liên quan là chúng ta vẫn còn thiếu những ca khúc để mọi người có thể cùng hát trong những ngày vui cộng đồng. Cần bổ sung để cùng với Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Nối vòng tay lớn,… có thêm các ca khúc mới hợp lòng người, đi vào lòng người, phù hợp với bối cảnh đất nước trong thời kỳ mới.
Nhà phê bình Nguyễn Hòa