Vì một SEA Games... sạch
“Sạch” ở đây không chỉ là sự cao thượng và vô tư trong cuộc đua giành những tấm huy chương. Nó còn là sự sạch theo nghĩa đen, tại chính những nơi thi đấu.
Chúng ta hãy cùng nhìn lại 2 bức ảnh liên quan tới bộ môn bóng đá nam tại SEA Games 31 đang liên tục được chia sẻ trên mạng xã hội những ngày qua. Chúng gắn với những gì diễn ra ở khán đài, thay vì trên sân cỏ.
Bức ảnh thứ nhất là hình ảnh những cơn “mưa giấy” rất đẹp từ các cổ động viên, với những băng giấy rất dài được tung lên trời và phủ trắng cả một góc khán đài. Nhìn ảnh, hẳn ít ai nhận ra: Đó là cơn mưa từ... 6.000 cuộn giấy vệ sinh, được một nhóm cổ động viên mang vào sân với hi vọng tạo ra một màn cổ vũ mãn nhãn và tiếp thêm sức mạnh cho các cầu thủ Việt Nam.
Còn bức ảnh thứ hai chỉ đơn giản là hình ảnh cậu bé tình nguyện nhặt rác, cũng được ghi lại sau chính trận đấu có màn mưa giấy đặc biệt ấy. Trong ảnh, cậu bé chỉ khoảng 10 tuổi và đang lúi húi cùng một tình nguyện viên thu gom những bịch thức ăn, túi ni lông, vỏ bánh… trên hàng ghế khán đài để cho vào bao rác. Chiếc áo đỏ cổ động đội tuyển Việt Nam được khoác trên người khiến độc giả suy đoán rằng em cũng chỉ là một khán giả theo chân người lớn tới đây, như tất cả mọi khán giả bình thường.
Và, một phần “gạch nối” giữa 2 bức ảnh, chính là hệ quả từ cơn mưa giấy trên sân. Như được phản ánh, trời bỗng đổ mưa kéo dài, khiến những băng vệ sinh không được thu dọn kịp rất nhanh đã trở nên mềm mủn, mục nát và rơi cả xuống trục đường piste trong sân thi đấu vốn có bề mặt không trơn nhẵn. Để rồi, sau trận đấu, đội ngũ dọn vệ sinh trên sân đã phải rất vất vả thu gom và cọ sạch lớp giấy nát này.
Cậu bé trong ảnh chỉ là một trong rất nhiều khán giả đã tình nguyện ở lại sau trận đấu để hỗ trợ đội ngũ dọn vệ sinh trên sân. Không chỉ nhặt băng giấy, vỏ chai nước, bịch bánh kẹo, họ còn thu gom vô vàn những chiếc áo mưa giấy được bỏ lại sau trận đấu, khi cơn mưa đã tạnh.
Và có lẽ, cũng không cần nói thêm sự đúng - sai trong câu chuyện gắn với hai bức ảnh ấy, khi cả hai vẫn đang lan tỏa mãi trên mạng, với cơn mưa “gạch đá” trút xuống những người mang giấy vệ sinh vào sân - cũng như những lời chia sẻ và trân trọng dành cho sự tận tụy, nhiệt thành của những khán giả đóng vai người dọn rác.
Có điều, thay cho những lời lẽ nặng nề dành cho chủ nhân của những màn mưa giấy với lập luận về sự thiếu ý thức, thiếu văn minh vốn có của người Việt Nam, người viết vẫn muốn nhìn mọi thứ theo cách nhẹ nhàng hơn. Đặt trong tâm thế về sự cuồng nhiệt và hết mình trên sân - cũng như việc một bộ phận chính những khán giả này cũng tham gia dọn rác - câu chuyện chỉ nên được nhìn như một thiếu sót về cách tổ chức cổ động của họ.
Đáng nói, câu chuyện “giữ sạch” cho các sân chơi SEA Games vẫn có thể phụ thuộc không ít vào những chi tiết và nằm ngoài ý muốn như thế. Và nếu đặt tâm thế hướng tới sự hoàn hảo, mọi thứ đòi hỏi sự suy nghĩ thấu đáo và cố gắng của mỗi cá nhân, thay vì chỉ trông đợi vào sự vô tư và tận tụy của các tình nguyện viên.
Cũng giống như, để muốn có một môi trường xanh sạch thật sự - thay vì chỉ ở những kỳ cuộc như SEA Games - đó phải là những câu chuyện rất dài về cơ chế và nguồn lực, trong đó có chuyện thu gom và tận dụng phế liệu từ rác, chứ không thể chỉ đơn thuần là vấn đề ý thức.
Trí Uẩn