loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngoài 90 cụ vẫn hằng ngay đi qua chỗ tôi làm việc để tới bàn bóng bàn ở câu lạc bộ hưu trí quận 3, TP.HCM. Cho tới một hôm, anh bạn cùng cơ quan xem ti vi rồi bảo, cụ Thụ “bóng bàn” có mặt trong tấm hình lịch sử này. Đó là tấm hình những anh tự vệ Hà Nội, bồng súng làm tiêu binh bảo vệ lễ đài Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945.
Tiếp theo 7 kỳ được đăng từ 25/12/2019 – 19/2/2020, bắt đầu từ tuần này, mục “Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa” sẽ trở lại với kỳ 8 về nhà thơ Nguyễn Duy.
1. Trần Văn Thụ sinh năm 1928 tại Hà Nội. Bài hát Năm ngón tay ngoan viết năm 1962, khi ông còn là giáo viên trường Mạc Đĩnh Chi, Hà Nội. Năm ngón tay ngoan là bài hát đoạt giải cao nhất trong cuộc thi sáng tác bài hát cho thiếu nhi do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức vào những năm 1960. Đích thân đồng chí Tôn Đức Thắng, Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trao bằng khen và phần thưởng cho tác giả Trần Văn Thụ!
Thầy giáo Trần Văn Thụ nhớ lại: “Người bạn nhạc sĩ, anh Mộng Lân báo tin cuộc thi này với tôi. Tôi hào hứng tính viết một ca khúc nói với thiếu nhi về 5 điều Bác Hồ dạy. Tôi thầm nhắc lại 5 điều dạy và tôi tự hỏi, phải chẳng Bác đưa ra 5 điều để những đứa trẻ chỉ xòe một bàn tay là các ngón tay sẽ gợi nhớ cho các bé. Và là thể 5 ngón tay hiện ra trong bản nhạc như 5 đứa bé múa, hát nhắc nhau làm việc tốt”.
Ngay sau khi Năm ngón tay ngoan được giải, Đài Tiếng Nói VN đã phổ biến ca khúc này tới các em thiếu nhi trong một buổi dạy hát trên sóng của Đài. Vào năm 1990, Năm ngón tay ngoan được đưa vào chương trình Cô hát cho cháu nghe ở các trường mẫu giáo. Và từ năm 2000 nó có mặt trong sách Tập bài hát 1 của NXB Giáo dục Việt Nam.
Mới đây, Hiệp hội Dương cầm Hàn Quốc (The Piano Society of Korea) đã tuyển ca khúc dễ thương này vào giáo trình dạy piano cho những người bắt đầu. Hiện nhạc sĩ Trần Văn Thụ, tác giả bài hát Năm ngón tay ngoan sống tại TP.HCM.
2. Sau ngày cách mạng giành được chính quyền, nhịp sống của thủ đô Hà Nội náo nức hẳn lên. Trong những ngày này, âm nhạc là một món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi người, nhất là thanh niên. Đế đáp ứng nhu cầu đó, một số nhạc sĩ có tên tuổi lúc bấy giờ như nhạc sĩ piano Nguyễn Hữu Hiếu, nhạc sĩ violin Nguyễn Văn Diệp đã đứng ra thành lập một trường dạy nhạc nhỏ lấy tên là Hội Khuyến nhạc, trụ sở là một ngôi nhà 3 tầng ở đằng sau nhà Đấu Xảo nay là Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô.
Hội Khuyến nhạc thu hút được rất nhiều thanh niên yêu nhạc theo học, Trần Văn Thụ là một trong số đó. Lớp này được nhiều người thích vì ngoài môn ký xướng âm, nhạc sinh còn được học những bài hát mới, do anh Nguyễn Hữu Hiếu (sau này là nhạc sĩ của Đài Phát thanh Hà Nội) trực tiếp dạy.
Cụ Trần Văn Thụ kể: “Một hôm, sau buổi học, anh Hiếu chỉ định 6 người ở lại, trong số đó có tôi và anh Huy Khôi (sau này là trọng tài bóng đá có uy tín của Việt Nam). Nhạc sĩ Hiếu cho biết, chúng tôi được chọn đi tập hát bài Tiến quân ca tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Tôi cùng anh đạp xe tới một phòng tập của đài ở đằng sau Nhà hát Lớn.
Cho tới ngày hôm đó, nhiều người Hà Nội đã biết hát bài Tiến quân ca của Văn Cao với âm đầu tiên của ca từ “Đoàn quân Việt Nam đi…” là một nốt nhạc đen. Nhạc sĩ Hiếu nói với chúng tôi rằng, nốt đen được sửa thành một dấu lặng đơn và một móc đơn để nhịp điệu lúc vào bài mạnh hơn. Chúng tôi là những người đầu tiên thực hiện sự sửa đổi trong câu nhạc này để phổ biến cho mọi người.
Sáng hôm sau, chúng tôi cùng nhạc sĩ Hiếu đạp xe xuống Đài Phát thanh ở Mễ Trì, nằm giữa cánh đồng lúa thuộc ngoại ô Hà Nội. Sau khi tập lại 1, 2 lần, trước khi vào phòng thu, người phụ trách ở đây còn dặn dò chúng tôi cố hát cho tốt để phát bài Quốc ca của nước Việt Nam đi khắp thế giới! Ai nấy đều thấy cảm động và hồi hộp.
Trong số 6 anh em được chọn đi hát, tôi là người băn khoăn nhất vì bỏ thì tiếc mà nói sự thật về sự trục trặc của “bộ máy” phát âm của mình thì sợ làm nhạc sĩ Hiếu thất vọng. Số là năm đó tôi 18 tuổi, cái tuổi đã qua giai đoạn đầu của hiện tượng “vỡ tiếng”, nhưng vẫn còn chịu ảnh hưởng. Tuy giọng nói của tôi đã trong trở lại, nhưng có khi bất chợt vẫn “oạc” một tiếng như vịt đực kêu. Hát bình thường với bạn bè thì không sao, vì mọi người thường hát thấp hơn âm chuẩn, nhưng hát đúng tông, với đàn piano thì gay go vì bài Tiến quân ca ở tông Sol có âm cao nhất tới nốt mi.
Nhưng tới lúc này thì không thể thoái lui được nữa rồi. Mọi người đang bước vào phòng. Chúng tôi dàn thành 2 hàng trước micro, cánh cửa phòng được đóng lại, đèn báo hiệu bật sáng và anh Hiếu đã giơ tay làm hiệu… Sau cùng thì tôi cũng góp được giọng của mình cùng với anh em mà không để xảy ra một tiếng lạc âm nào vì cứ tới câu ca có giọng cao nhất là tôi hát xuống hẳn một quãng tám. Anh Huy Khôi đứng cạnh tôi có đôi tai khá thính, khi ra khỏi phòng, khẽ bảo tôi: “Sao cậu lại sáng tác ra cái “Bè ồ” ở giữa bài như vậy? Tôi chỉ cười trừ”.
3. Cụ Trần Văn Thụ kể tiếp: Những ngày ấy, hầu hết các khu phố Hà Nội thường có những cuộc nói chuyện về tình hình trong nước, kết hợp với biểu diễn văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Và điều không thể thiếu trước khi khai mạc là tiết mục chào cờ. Những người biết chơi đàn như Trần Văn Thụ rất được trọng vọng. Cứ chiều tới là đã có người chầu chực ở nhà để mời đi cử nhạc quốc ca. Có khi phục vụ tới nửa đêm mới về nhà, nhưng không hề có phong bì hay thù lao gì như bây giờ, ngoài một vài chén nước trà.
Nhưng duyên may, một anh bạn cùng phố mê coi cải lương, thường tới rạp hát Ái Liên, diễn ở rạp Mô-đéc (moderne) ở phố Hàng Quạt đã quen với ông bà chủ và biết rạp đang rất cần một nhạc công để cử bài chào cờ trước khi trình diễn. Vậy là Trần Văn Thụ được anh giới thiệu với rạp hát này như một nhạc công violon.
Thế là gần một tháng trời, tối nào Trần Văn Thụ cũng tới rạp Ái Liên để cử giai điệu quốc ca lúc mở màn cùng với tiếng đàn banjo alto của một người khác. Khi tiếng nhạc vừa cất, tất cả các khán giả đều đứng lên, im phăng phắc. Tiếng nhạc vừa dứt, mọi người cùng ngồi xuống và vỗ tay rào rào. Hôm nào cũng thế, khiến các diễn viên cũng thấy phấn khởi. Đặc biệt, có lần Trần Văn Thụ theo đoàn xuống diễn ở Hà Đông những 3 tối. Ông kể:
“Cứ diễn xong, tôi mượn một cái phông màn cuộn lại, kê dưới đầu làm gối để ngả lưng bên tấm cánh gà trên sân khấu. Tôi thấy cuộc đời nghệ sĩ cũng dễ chịu. Cho tới đêm mưa của buổi diễn cuối cùng. Khi vở diễn vừa hết, tấm màn trên sân khấu chưa kịp buông xuống thì trời đổ mưa rất to. Khán giả chen nhau ra về. Mấy người phụ trách sân khấu vội vã thu dọn phông cảnh, đạo cụ. Tôi cũng vội cho đàn vào hộp để tránh mưa hắt rồi trèo lên sân khấu tìm chỗ ngả lưng. Đứng giữa những tấm cánh gà bị gió thổi phồng lên như những cánh buồm, tôi thấy một người đàn bà đang cho con bú. Bên cạnh chị còn có một đứa nhỏ nữa đang bám lấy chân mẹ và tôi chợt nhận ra người đàn bà đó là nghệ sĩ Ái Liên. Chị vừa trút bỏ xiêm y lộng lẫy của vở diễn để trở về với chức năng của người mẹ giữa đời thường…”.
Người cử quốc ca ngày ấy theo kháng chiến 9 năm rồi thành… ông giáo chứ không thành nhạc sĩ. Nhưng ông giáo Trần Văn Thụ lại là tác giả ca khúc nổi tiếng Năm ngón tay ngoan với ca từ dí dỏm: “Xòe bàn tay đếm ngón tay, một anh béo trông thật đến hay…”.
Anh tự vệ Hà Nội trong lễ Tuyên ngôn độc lập
Tháng 8/1945, Trần Văn Thụ bước vào tuổi 18. Ngay sau 19/8, anh con trai Hà Nội được phân công đi tiếp quản một khu vực toàn biệt thự ở khu Ba Đình, có phủ Toàn quyền. Sau mấy ngày làm nhiệm vụ canh gác, Trần Văn Thụ lại được cử đi học một lớp học quân sự.
Ngày thứ 6 của khóa học là ngày 1/9, buổi chiều, mọi người rất ngạc nhiên khi được lệnh tập họp để nhận “quân trang”. Đó là một bộ quần áo gồm một sơ-mi ngắn tay, một quần soóc, cái mũ và đôi giày ba ta. Trưa hôm sau, họ từ đơn vị đi ra đường, trong hàng ngũ chỉnh tề. Không ít bà con đứng hai bên đường cứ tưởng đại binh mới ở chiến khu trở về! Tới quảng trường Ba Đình, tuy không được đứng trước lễ đài, nhưng họ cũng được đứng phía trước biển người dân sự và được thấy rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghe rõ từng lời nói của Người và cùng nhau hô rất to và rất đều những lời thề độc lập: “Xin thề! Xin thề! Xin thề!”.
|
(Còn nữa)
Trần Quốc Toàn
loading...