A+ A A- Kiểu đọc sách

Gặp lại tác giả được đưa vàoSGK (kỳ 8): Nhà thơ Nguyễn Duy - Mở khung cửa đẹp để thơ 'vào đời'

19:08 20/05/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp theo 7 kỳ được đăng từ 25/12/2019 – 19/2/2020, bắt đầu từ tuần này, mục “Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa” sẽ trở lại với kỳ 8 về nhà thơ Nguyễn Duy. Ngoài Tre Việt Nam ở trong sách tiểu học, Nguyễn Duy còn có trong sách vỡ lòng bài học vần am. Sách trung học cơ sở có bài Ánh trăng. Sách trung học phổ thông có bài Đò Lèn. Ở bậc đại học, thơ Nguyễn Duy đã là đề tài của hàng trăm khóa luận tốt nghiệp cử nhân, cả chục khóa luận cao học…

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 7): Nhà văn Tạ Duy Anh - Từ 'Bức tranh…' soi chiếu lòng đố kỵ

Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 7): Nhà văn Tạ Duy Anh - Từ 'Bức tranh…' soi chiếu lòng đố kỵ

Truyện ngắn "Bức tranh của em gái tôi" của nhà văn Tạ Duy Anh, tác giả Bước qua lời nguyền, đã gắn liền với bao thế hệ bạn đọc, đặc biệt là những độc giả nhỏ tuổi. Từ khi được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn lớp 6 cho đến nay, truyện ngắn này vẫn là một bài học giáo dục nhân cách giàu ý nghĩa cho trẻ nhỏ.

1. Đóng góp của ông vào sách vở, chữ nghĩa nói chung, vào giáo khoa là đáng kể, đáng nể! Vào năm 2017 thủ bút Nguyễn Duy chép bài Tre Việt Nam được khắc vào đá tảng màu xanh, hình búp măng, rộng 1m, cao 2,35m, nặng 1,7 tấn, đặt trong khuôn viên Ủy ban Nhân dân phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa, quê ông. Bên cạnh trang thơ đá tôn vinh tác giả ấy là khóm tre xanh, lắc lay theo gió, “Mai sau / Mai sau /Mai sau... /Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh”.

Từ đóng góp của một cá nhân nghệ sĩ như nhà thơ Nguyễn Duy mà nhìn rộng ra, mới thấy, đóng góp của giới viết văn vào môn Tiếng Việt, vào việc phát triển tiếng mẹ đẻ thật lớn lao, dù mỗi người, có khi chỉ là một trang mỏng.

Về sự đóng góp này ông kể: “Năm ấy, sau trận lụt kinh hoàng ở miền Trung, mấy anh em chúng tôi mang tập vở quyên góp được từ các doanh nghiệp tới Trường Tiểu học Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên để cứu trợ. Trường chỉ còn là một đống gạch nát. Học trò đang bới cát cứu các quyển sách giáo khoa. Cứu các môn học. Vào chính lúc chúng tôi tới, cuốn Tiếng Việt lớp 4 mà anh thấy đây, sách của bé Lê Thị Thu Nhàn vừa được bới lên, nhà doanh nghiệp Nguyễn Tiến Tòan, trưởng đoàn cứu trợ, mở sách tìm tới bài Tre Việt Nam và giới thiệu với học sinh, đây chính là tác giả Nguyễn Duy của “bụi tre” vừa được bới lên kia. Ngay lập tức tôi được lũ trẻ tưởng thưởng bằng việc các em đồng thanh giữa trời, đọc thuộc lòng thơ tôi! Tôi đã được giải thưởng Nhà nước. Lần này là giải thưởng của nhân dân. Hạnh phúc lắm! Phát khóc! Nếu mấy thầy cô của tôi không cho tre ấy vào giáo khoa, dễ gì tôi có giải thưởng này”.

Chú thích ảnh
Bài thơ "Tre Việt Nam" của Nguyễn Duy trong sách Tiếng Việt lớp 4

2. Nguyễn Duy là người tích cực làm mới thơ của mình. Làm mới triệt để cả ruột và vỏ. Cái mới trong đề tài và giọng điệu giúp thơ Nguyễn Duy trong vòng 3 thập niên cuối thế kỷ 20 luôn có mặt trong các tuyển, các sách giáo khoa và nhất là trong trí nhớ người đọc.

Xét trong thơ Việt cuối thế kỷ 20, thơ Nguyên Duy luôn là hàng chất lượng cao. Và để giữ uy tín cho chất lượng ấy, chiều 15/12/1997 tại 23 Trần Cao Vân Q.1, TP.HCM, Nguyễn Duy đã tuyên bố… ly thân với thơ khi tự cảm thấy không còn tiếp tục làm mới thơ mình được nữa. Từ đây, hứng thú làm mới của nguyễn Duy được dồn vào những sáng tạo liên ngành nhằm mở khung cửa đẹp để thơ xuống đường, vào đời.

Nguyễn Duy mở triển lãm thơ để thơ mình có thể thành vật trang trí nội thất trang nhã, độc bản trong các thư phòng khi ông tự tay chép thơ mình lên bình gốm đang cắm hoa, lên chai rượu vừa uống hết, lên màn hình một ti vi trong một góc nhà... Ông đã chép thơ mình như chơi thư họa trên tranh vẽ của Thành Chương, Nguyễn Đình Hào, trên ảnh chụp của Dương Minh Long và chép cả trên thúng mủng, dần, sàng vô danh.

Bên cạnh những mẫu mã độc bản kia, để thơ mình có thể treo 365 ngày trên tường những ngôi nhà bình dị nhất, Nguyễn Duy chép thơ mình lên lịch rồi in và bán hàng nghìn bản. Lịch rổ rá Đinh Mão 1999, lịch lá Canh Thìn 2000…

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Duy. Ảnh: Văn Bảy

3. Trong mùa lịch năm 2000, Nguyễn Duy đóng 30 triệu đồng cho sở thuế để bộ lịch lá Canh Thìn của mình trở thành một văn hóa phẩm chính danh.

Lấy con số tiền thuế để gián tiếp trả lời người hỏi về số lãi ròng cho một mùa lịch, rồi Nguyễn Duy dông dài về công việc kinh doanh rất nghiêm túc này: “Về nguyên tắc, đã làm thơ thì dù thơ lịch - lịch thơ vẫn phải có cảm hứng bác ạ! Cảm hứng đến trong cơn bức bách lo tiền trả món nợ xây nhà. Thơ tôi in ra là bán được, bán hết, nhưng tích góp một đời thơ, với nửa đời làm ông chủ quán vịt, tự tay hãm tiết canh hầu khách mà rồi cũng chỉ lo được 2/3 tiền xây nhà. Còn 1/3 phải vay ngân hàng. Muốn có tiền trả, mới nghĩ ra chuyện làm lịch thơ. Người làm thơ mà phải làm kinh doanh cũng là chuyện chẳng đặng đừng. Khổ lắm! Giấy tờ phép tắc, thuế má, bán lẻ, bán buôn, ký gửi, đòi nợ, trăm thứ nó hành mình tới xất bất xang bang. Nhưng làm rồi thì thấy thích”.

Ông nói thêm: “Thích vì mình kiếm được tiền mà là tiền sạch! Thích vì là nhà thơ nhưng mình không phiền ai xóa đói giảm nghèo, lại còn đóng được khá khá tiền thuế cho Nhà nước! Thích nhất là tìm thêm được lối phát hành cho thơ”.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Nguyễn Duy tại hội thảo về “Thiền uyển tập anh”. Ông rất quan tâm về văn học thời Lý Trần. Ảnh: Văn Bảy

4. Mỗi khi muốn về quê ngay tại TP.HCM, tôi tìm tới nhà Nguyễn Duy. Trên sân thượng lầu bốn nhà mình, ông có một mái đình (theo nghĩa kiến trúc), một khóm trúc, một ao cá... Trong mái đình ngói đỏ, cột gỗ là thư viện của nhà thơ, ông tiếp bạn ngay tại phòng sách này, trên một bộ ghế thấp, bày chung quanh một đĩa sứ sâu lòng có thả…bèo.

thay vào chỗ của các bình hoa đài các ta vẫn thấy tại các salon là bèo. Béo cái xứ Bắc chứ không phải lục bình Nam Bộ. Sáng Chủ nhật ấy, tôi “về quê” sớm, lúc người Sài Gòn đang cữ cà phê sáng, đúng lúc bà Nguyễn Duy mới bày xong mẹt quà sáng kiểu Tú Xương: “Cơm hai bữa: cá kho, rau muống/ Quà một chiều: khoai lang, lúa ngô” … thế là khách văn, hóa thành khách… ăn.

Tôi được kết bạn với Nguyễn Duy là nhờ vào duyên... ăn của mình. Còn nhớ, đó là một ngày mưa vào những năm 1970, đang dạy học dưới miền Tây, tôi được mời lên TP.HCM lãnh một giải thưởng nhỏ của báo Văn nghệ. Bữa ấy Nguyễn Duy vào vai đầu bếp, bày tiệc đứng tại 43 Đồng Khởi đãi các tân khoa, cùng các đại khoa - Đoàn Giỏi, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng... tới chung vui. Chỉ là “tiểu yến” nên tất tật đều là đồ nguội mua ngoài chợ. Đồ Tây: ba tê, xúc xích. Đồ ta: giò chả. Đã nguội thì héo là tất nhiên, chỉ riêng món Nguyễn Duy chế biến là tươi. Đó là những cọng hành xanh cắm trong cốc pha lê trắng tinh, vừa làm đẹp bàn tiệc, vừa làm ngon cho những thực khách bạo miệng, cứ đưa tay hái những cọng xanh thật dòn, thật thơm mà đưa cay.

Lại nhớ, khi có được mươi triệu tiền thưởng NXB Trẻ dành cho tác giả truyện dài Nhành cọ non tôi đặt đầu bếp Nguyễn Duy làm bữa tiệc có tiệc có tên gọi là “Nhành cọ non bóp thấu” để đãi bạn văn. Bếp Duy bày tiệc cũng ngay tại số nhà cuối hẻm này, khi nhà chưa có ngôi đình kia, còn là một quan bình dân xập xệ tên là quán Vịt…

Ăn sáng xong, chúng tôi ra nắng sớm ngồi bên khóm trúc. Nguyễn Duy hào phóng: “Ông cầm lịch chim năm gà Ất Dậu của tôi về treo chơi. Biếu thêm ông câu thơ chim tôi mới chép được trên đường du khảo ẩm thực xuyên Việt. Câu thơ này viết trên bức tường một một quán nhậu gần ga Lăng Cô. “Rượu cá ngựa bán tại đây/ Uống say sẽ thấy chim bay ra ngoài...”

Chúng tôi cùng cười lớn về thứ thơ “dân gian” dọc đường kia. Sân thượng cả gió khiến khóm trúc cũng ngả nghiêng cười tiếng lá reo, tiếng thân nghiến vào nhau như kéo vĩ đàn cò.

(Còn nữa)

Trần Quốc Toàn

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...