Sự kiện tuần mới: Tuần lễ 'ra quân' của âm nhạc dân tộc
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần này, nhiều hoạt động đáng chú ý của âm nhạc dân tộc cùng lúc diễn ra ở nhiều địa bàn trên cả nước.
1.Tại Hà Nội, chương trình Xưa trước, nay sau diễn ra lúc 20h ngày 1/12 tại Hội trường L’Espace (24 Tràng Tiền). Đây được xem là đêm diễn với sự kết hợp độc đáo giữa nhạc đương đại và nhạc cổ truyền Việt Nam. Ngoài những tác phẩm nhạc cổ như: Nguyệt hạo (tuồng cổ), Ru kệ (chèo cổ), nhạc lễ Phật giáo… Có thể nói, đáng chú ý là 2 tác phẩm Khói Trương Chi và Khói sóng của nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo được nhóm nhạc đương đại Hanoi New Music Ensemble và nhóm Đông kinh cổ nhạc biểu diễn cùng 2 khách mời: Nghệ sĩ Ngô Trà My (đàn bầu) và Phạm Trà My (đàn tranh)
Hai tác phẩm “khói” này nằm trong chùm 6 tác phẩm “khói” của Nguyễn Thiên Đạo, 6 tác phẩm này được xem như 6 concerto viết cho dàn nhạc giao hưởng và nhạc cụ dân tộc. Trong đó, mỗi concerto dành cho một loại nhạc cụ dân tộc: Khói Trương Chi (đàn bầu), Khói sóng (đàn tranh), Khói nguyệt (đàn nguyệt), Khói hát (đàn nhị), Khói khói (sáo - tiêu) và Khói (đàn tỳ bà).
Trong những tác phẩm này, tác giả khai thác những âm sắc mới và những thủ pháp biểu hiện mới của nhạc cụ dân tộc, nâng nhạc cụ dân tộc lên một tầm cao mới có thể sánh vai biểu diễn với các nhạc cụ phương Tây theo tinh thần “dân tộc đích thực, nhân loại tiên phong”.
Đây cũng là những tác phẩm mà nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo dùng phương pháp và kỹ thuật sáng tác tiên phong để nói lên tiếng nói của âm nhạc Việt Nam - triết lý âm nhạc mà ông theo đuổi gần suốt cuộc đời mình và đã được ghi nhận trong từ điển Le Petit Larousse (1982) và Le Petit Robert (1995) là “Nhạc sĩ tài năng, tác giả của dòng nhạc hợp lưu Đông - Tây vô cùng độc đáo”.
2. Nếu ở Hà Nội, biểu diễn những tác phẩm “nhân loại tiên phong”, thì tận miền Tây xa xôi của đất nước sẽ diễn ra liên hoan với tinh thần “dân tộc đích thực” - đó là Liên hoan không gian Đờn ca tài tử và Hò Đồng Tháp 2018, diễn ra từ ngày 30/11 đến 3/12 tại tại khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).
Các đơn vị dự thi bắt buộc phải có 1 tiết mục vọng cổ và một số tiết mục thể hiện đầy đủ các điệu thức của 20 bài bản Tổ của đờn ca tài tử. Cụ thể là phải có 1 hoặc 2 lớp của 3 bài Nam, 6 bài Bắc, 7 bài Hạ và 4 bài Oán.
Mỗi chương trình tham gia liên hoan phải đủ 4 thể loại: Độc tấu hoặc hòa tấu, Hòa đờn và hòa ca, Ca ra bộ và 1 tiết mục Hò Đồng Tháp. Điều đặc biệt là chỉ dùng các nhạc cụ acoustic, kể cả guitar phím lõm cũng không được dùng đàn điện.
Đờn ca tài tử được xem là “đặc sản” của âm nhạc dân gian Nam bộ và đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 12/2013). Còn Hò Đồng Tháp với giai điệu mượt mà, âm hưởng mênh mang được xem là điệu hò tiêu biểu của vùng đồng bằng sông nước miền Tây Nam bộ.
- Âm nhạc dân tộc VN trong dòng chảy thời đại
- Sự kiện tuần mới: Day dứt 'Quỳnh búp bê'; tạo dựng đam mê mua nghệ thuật
“Cộng hưởng” với tinh thần âm nhạc dân tộc như đã nêu trên, trong tuần này Liên hoan Âm nhạc dân tộc quốc tế sẽ diễn ra tại Nhạc Viện TP.HCM (từ 25/11 đến 29/11). Ngoài Việt Nam còn có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật đến từ Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Cu Ba, Hoa Kỳ, Ba Lan, Gana và Đảo quốc Mauritius. Các đoàn nghệ thuật sẽ lần lược giới thiệu âm nhạc truyền thống của đất nước mình, tổ chức workshop “Ngẫu hứng âm nhạc” và chương trình biểu diễn hòa nhạc.
Đặc biệt trong khuôn khổ liên hoan này, một cuộc thi nhạc cụ dân tộc Việt Nam được tổ chức, có 89 thí sinh tham gia dự thi ở 6 nhạc cụ: Đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt (kìm), đàn cò (nhị), sáo trúc và guitar phím lõm.
Hữu Trịnh