A+ A A- Kiểu đọc sách

Sáng tác về đề tài tình dục - giới hạn ở đâu?: 'Gia vị' tình dục trong văn chương

07:14 26/04/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tình dục được ví như một "gia vị" không thể thiếu trong văn chương. Người khéo tay sẽ "nêm" vừa đủ, độc giả ăn món sẽ cảm thấy ngon. Ngược lại, nếu "nêm" không khéo, ắt sẽ khiến "món ăn văn chương" không thể nuốt nổi, thậm chí gây phản ứng trái chiều cho các thượng đế.

Tình dục được đề cập trong văn chương ở giai đoạn nào cũng khá phổ biến. Tình dục, các hành vi trải nghiệm liên quan đến giới tính trong văn chương vẫn luôn là yếu tố được cho là “nhạy cảm”…

“Giải mã” sự thu hút của tình dục trong văn chương

Trong talkshow về chủ tình dục trong văn chương tại trường quay của Thể thao & Văn hóa (TTXVN), nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa cho rằng, tình dục trong văn chương là đề tài mà hễ xuất hiện đều gây chú ý.

Chú thích ảnh
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa (phải) và nhà văn Di Li tại trường quay Truyền hình Thể thao & Văn hóa

“Tôi cũng đọc nhiều tác phẩm văn học phương Tây, xem phim có những cảnh tình dục và chuyện tình dục là bình thường" - ông Hòa thẳng thắn. "Có lẽ trong xã hội Việt Nam xưa kia, tình dục là nhu cầu bị cấm đoán, không được thể hiện trong xã hội, vì thế, trong kho tàng truyện tiếu lâm Việt Nam, chuyện ăn và chuyện trai gái chiếm tỉ lệ rất cao. Thiếu ăn, nó chi phối, đeo bám đời sống hàng ngày. Thiếu tình dục cũng thế, nó bị gò bó, trói buộc, khiến người ta không có điều kiện để hiểu, để biết nó là cái gì? Truyện tiếu lâm là một phương tiện để người ta giải tỏa điều đó ra…".

Nhà phê bình Nguyễn Hòa cũng cho rằng, không chỉ thời xưa, trong giai đoạn hiện nay, xã hội phương Đông có những ngặt nghèo riêng, đeo bám đời sống chúng ta. Do đó, kể cả những người sống hiện đại cũng khắt khe trong chuyện đó. Chính vì thế, khi tình dục xuất hiện trong đời sống văn học, nó thu hút sự chú ý của nhiều người.

Chú thích ảnh
Nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa

Tham gia talkshow cùng nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa, nữ nhà văn Di Li đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này.

Theo nữa nhà văn, văn chương là chân, thiện, mỹ, do vậy, người viết hoàn toàn có thể lựa chọn ngôn ngữ để thể hiện, không phải lột tả nhân vật trần tục là phải dùng ngôn ngữ trần tục. "Nếu đúng như thế nào tả như vậy, thì có thể đọc báo nghe đài, hoặc ngồi nói chuyện thô tục với nhau, không cần đến văn chương nữa" - nhà văn Di Li nói. "Trong tác phẩm có nhiều nhân vật thô tục, có những góc tối tăm, nhưng để làm cho nhật vật đúng là hạng người thô tục nhưng tác giả không thô tục là rất khó. Nhà văn làm được điều đỉnh cao như vậy thì tác phẩm mới thành đỉnh cao".

Chú thích ảnh
Nhà văn Di Li

Viết về tình dục cũng cần có ý thức

Làm công việc liên quan đến văn chương nhà phê bình Nguyễn Hòa cho rằng: “Hoàn toàn có thể điều chỉnh ngòi bút nếu như người viết có ý thức về vấn đề tình dục. Còn nếu chỉ viết phóng bút, không quan tâm đến người đọc nghĩ về tác phẩm thế nào, thì sẽ có sự sai, chênh trong tác phẩm".

Theo ông Hòa, tình dục là yếu tố của đời sống này, là một thành phần trong hệ thống các yếu tố tạo nên cuộc sống, tạo nên bản thân mỗi người. Điều quan trọng là phụ thuộc vào tài năng của nhà văn, hãy làm cho tác phẩm đẹp trên mọi phương diện, chắc chắn đó sẽ là một tác phẩm hay, bạn đọc sẽ tìm đến.

Nói về trách nhiệm của người cầm bút, nhà văn Di Li cho rằng: “Những trang viết về tình dục chỉ là một phần trong cuốn sách. Những cuốn sách không hay là không hay tổng thể, chứ không phải vì một vài trang sex. Thêm vào đó, độc giả đôi khi không có con mắt của người phê bình, do đó họ có thể có những phản ứng, những phát biểu tùy tiện, thái quá. Có những cuốn sách, tôi thấy nếu cắt 1 đoạn ra cũng rất khủng khiếp như cuốn Những kẻ thiện tâm, đọc 1-2 trang thì rất sốc, nhưng ở trong tổng thể 1.000 trang sách thì cũng không là gì cả. Do vậy, cũng có những trang sách, nếu cắt riêng thì sẽ thô tục, nhưng đặt trong tổng thể là hài hòa, bình thường, Do vậy phán xét điều gì cần đặt ở tổng thể”.

Cần có người tiên phong cho “cuộc vượt thoát” của văn chương

Đó là quan điểm của nhà phê bình văn học Nguyễn Hòa. Ông cho rằng, văn chương Việt Nam đang cần đến một cuộc vượt thoát để thay đổi mình. “Cuộc vượt thoát ấy phụ thuộc vào nhu cầu của cuộc sống và bạn đọc. Ngoài những bạn đọc bình thường, còn nhiều bạn đọc tinh tế, họ đưa ra những ý kiến mà bản thân mình phải giật mình. Bạn đọc đang có nhu cầu cao, trong khi những lối mòn của các nhà văn đang đi đã đến lúc cần phải thay đổi. Để làm cuộc vượt thoát cần cuộc chung sức của nhiều người, trong đó phải có người tiên phong”.

(Còn tiếp)

Để 'ngôi đền văn chương' còn thiêng

Để 'ngôi đền văn chương' còn thiêng

Cuối tuần vừa qua, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm (1979 – 2014) Trường Viết văn Nguyễn Du, nay là Khoa Viết văn – Báo chí thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội.

Hoa Chanh (ghi)

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...