(Thethaovanhoa.vn) - Cuối tuần vừa qua, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 35 năm (1979 – 2014) Trường Viết văn Nguyễn Du, nay là Khoa Viết văn – Báo chí thuộc Đại học Văn hóa Hà Nội.
Nhân dịp này, Bộ VHTT&DL đã trao tặng Khoa Viết văn – Báo chí Bằng khen vì những thành tích và đóng góp xuất sắc trong suốt 35 năm qua.
Địa chỉ đỏ về văn chương, văn hóa
Trong bài phát biểu chào mừng, PGS.TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Trường Đại học văn hóa Hà Nội nhấn mạnh, trải qua một chặng đường 35 năm, quãng thời gian tuy chưa phải đã dài, nhưng Trường Viêt văn Nguyễn Du, nay là khoa Viết văn - Báo chí đã có những thành tựu nổi bật trên nhiều hoạt động.
Một trong những thành tựu vẻ vang nhất, đó chính là sự nghiệp trồng người. Sau 35 năm, đã có 367 học viên tốt nghiệp chuyên ngành Viết văn. Trong số đó, có hơn 100 học viên là hội viên Hội nhà văn.
Trong số những người trưởng thành từ nơi đây, có rất nhiều gương mặt đã có những đóng góp quan trọng cho nền văn học, báo chí, rộng ra là nền văn hóa của đất nước. Nhiều người đã được Đảng, chính phủ trao tặng Giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Hiện nay, nhiều văn nghệ sĩ đang giữ những trọng trách quan trọng trong các tổ chức văn học, báo chí, xuất bản tại trung ương và địa phương trên địa bàn cả nước.
Tất cả những sinh viên đi ra từ mái trường này thuộc các thế hệ vẫn miệt mài lao động sáng tạo, góp phần đáng kể vào diện mạo cũng như tiến trình của nền văn chương và báo chí đương đại. Ngôi trường Viết văn Nguyễn Du, Khoa Viết văn – Báo chí thực sự đã trở thành “Địa chỉ đỏ” về văn chương, văn hóa của đất nước.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên (ngoài cùng bên phải) trao Bằng khen của Bộ cho Khoa Viết văn – Báo chí.Hiện nay Khoa Viết văn – Báo chí đang có 180 sinh viên theo học hai chuyên ngành Viết văn, Báo chí. Nhiều ấn phẩm thơ văn, bài giảng và giáo trình mới là sản phẩm của thầy, trò Khoa cũng lần lượt được xuất bản, đảm bảo nhu cầu học tập và giảng dạy trong bối cảnh giáo dục hiện đại.
Hoàn thiện giáo trình, kết nối quốc tế
Một nỗ lực rất đáng trân trọng của người trông nom “ngôi đền văn chương” – nhà văn Văn Giá trong việc nâng cao chất lượng đào tạo đó là đã biên soạn được Giáo trình Sáng tác truyện ngắn. Lý do phải có giáo trình được nhà văn Văn Giá cho biết: “Ngày đang còn là trường, các thầy cô giảng dạy ở đây đã biên soạn một số Giáo trình hoặc những tư liệu tham khảo. Tuy nhiên, số lượng những sách này đang còn rất khiêm tốn, đếm trên đầu ngón tay.
Đặc biệt, là một trường dạy nghề viết văn, nhưng chưa có một Giáo trình nào được biên soạn để dạy cách sinh viên viết một tác phẩm văn học theo những thể loại nhất định. Các sinh viên ở đây đã từng được thụ giáo khá nhiều những nhà văn tên tuổi, và họ đã được học những điều mà không một giáo trình nào có thể có được. Nhưng do những người đứng lớp toàn là các nhà văn, nên họ chủ yếu truyền đạt kinh nghiệm là chính, vì thế mỗi người dạy theo những cách khác nhau. Các sinh viên không có một bài giảng hoặc giáo trình khả dĩ để dựa vào đó mà nghiên cứu và thực hành. Trong khi đó, chương trình Đại học yêu cầu bắt buộc người dạy, người học phải có giáo trình làm căn bản”.
Ông Văn Giá còn cho biết thêm, ngoài Giáo trình Sáng tác Truyện ngắn, sắp tới đây ĐH Văn hóa sẽ in tiếp Giáo trình Sáng tác Thơ do nhà thơ Vũ Quần Phương và nhà phê bình Chu Văn Sơn biên soạn. Tiếp đến sẽ là Giáo trình sáng tác tiểu thuyết, Giáo trình sáng tác Kịch, Giáo trình sáng tác Ký, Giáo trình viết Phê bình văn học.
Về đạo tạo, chúng tôi luôn và đang xúc tiến mở thêm các ngành và các loại hình đào tạo, trong đó có đạo tạo văn bằng 2. Ngoài ra, chúng tôi còn mở lớp Biên tập Văn học, Biên dịch và Dịch thuật văn học với các ngoại ngữ như Anh, Pháp, Nga, Trung...
Không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo bằng việc hoàn thiện các giáo trình giảng dạy, thời gian tới, Khoa Viết văn – Báo chí sẽ tăng cường hợp tác, kết nối với các cơ sở bồi dưỡng Viết văn ở Mỹ và đặc biệt là kết nối với Đại học Văn chương M.Gorki của Nga hay gần hơn là một số nước châu Á sang Việt Nam để thỉnh giảng, giao lưu văn chương với các nhà văn Việt Nam nói chung và với sinh viên Khoa Viết văn – Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội nói riêng.
Trong khuôn khổ Lễ Kỷ niệm 35 năm ngày thành lập, Khoa Viết văn - Báo chí đã tổ chức Lễ Khánh thành tượng Nhà giáo Hoàng Ngọc Hiến. Đến dự, có nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), Phó GS, TS Nguyễn Văn Cương, Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Hà Nội, Phu nhân Cố Nhà giáo Hoàng Ngọc Hiến, GS Nguyễn Đăng Mạnh và nhà văn Nguyên Ngọc. Thể thao & Văn hóa xin trân trọng giới thiệu một số hình ảnh buổi lễ:
|
Huy Ngọc