Ra mắt 'Ngâm Kiều toàn tập' (Kỳ 2 & hết): Mạch nguồn từ tâm hồn ông bà chúng ta
(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi nghĩ, nếu mọi người biết đến dự án này, hãy thử tìm nghe và nghe một cách kiên trì bất cứ lúc nào rảnh thời gian. Tôi tin nó cũng không quá lạ lẫm, thậm chí có thể sẽ bị thu hút. Bởi vì ngâm Kiều được sinh ra, lớn lên từ trong nhu cầu và tâm hồn của chính ông bà chúng ta” - nhạc sĩ Quang Long tiếp tục chia sẻ trong kỳ 2 của cuộc trò chuyện về dự án Ngâm Kiều toàn tập.
* Trong giai đoạn mạng xã hội và công nghệ nghe nhìn phát triển như hiện nay, anh nghĩ dự án của mình có những thuận lợi và khó khăn gì?
- Khó khăn vô vàn nhưng trong khó khăn đó cũng có rất nhiều thuận lợi. Ai cũng biết, trong thời buổi internet phát triển bây giờ, người nghe được cung cấp quá nhiều lựa chọn để giải trí và phần nào dễ thờ ơ với nghệ thuật truyền thống tưởng như khó hấp dẫn. Nhưng ngược lại, cũng nhờ internet và mạng xã hội, những người tâm huyết và có cùng sự quan tâm tới nghệ thuật truyền thống lại có thể kết nối với nhau dễ dàng. Nếu tôi không có những nghệ sĩ tài năng hiểu và cùng chia sẻ tôi không thể thực hiện được dự án này.
Nhân đây, qua Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN), tôi cũng xin được bày tỏ sự trân trọng tất cả các nghệ sĩ, nghệ sĩ ca, nghệ sĩ trong dàn nhạc, nghệ sĩ đảm nhận vai trò biên tập, thu âm và cả anh em kỹ thuật đã đồng hành cùng tôi, để rồi với một lượng kinh phí ít ỏi tôi đã hoàn thiện được dự án to lớn này.
* Vì sao anh chọn lối ngâm “nguyên bản” mà không phải là một sự cách tân kiểu hiện đại để gần gũi với việc thẩm thấu của con người thời đại nay?
- Ngâm thơ cổ truyền, ngâm thơ cách tân, đọc thơ trên nền nhạc dân tộc, rồi xa hơn nữa là kịch hát truyền thống (chèo, cải lương…), thậm chí múa, rồi tác phẩm khí nhạc dân tộc, hiện đại… chúng ta đã có và có rất nhiều. Điều đó cũng hết sức bình thường vì Truyện Kiều là di sản của dân tộc, là niềm tự hào và quan trọng nhất, nó rất quen thuộc trong đời sống người Việt từ hàng trăm năm rồi. Nhưng ngâm Kiều cho tác phẩm này thì chưa. Chính điều đó cứ thôi thúc tôi phải thực hiện bằng được dự án này.
* Với nhiều người, có lẽ việc nghe một đoạn ngâm Kiều sẽ rất hay, rất thú vị nếu được đặt đúng bối cảnh (chẳng hạn lúc nhàn tản, thảnh thơi, muốn tìm hiểu về văn hóa dân tộc). Bù lại, tôi cũng băn khoăn về việc ngâm Kiều sẽ đi vào đời sống hàng ngày một cách dễ dàng, bởi giới trẻ có vẻ cũng chưa sẵn sàng để tiếp nhận những văn hóa truyền thống như thế này ở mọi nơi mọi lúc. Anh có nghĩ vậy không?
- Chúng ta không thể mong muốn quá nhiều điều cho một việc làm dù rất lớn với một nhóm nghệ sĩ nhưng rất nhỏ so với quy mô cả dân tộc. Khi thực hiện nó, tôi chỉ mong vinh danh được một lối hát thể hiện sự sáng tạo của cha ông ta.
Tất nhiên, với một giá trị cổ truyền chắc chắn nó sẽ không “bắt tai” với toàn bộ những người lớn, người trưởng thành từ độ tuổi trên 30 trở lên thì làm sao dám mong nó lan tỏa tới đông đảo giới trẻ.
Tuy nhiên, dù thế nào thì mong muốn của tôi cũng là để mọi người biết đến sự tồn tại của một thể loại âm nhạc, một lối ngâm đặc trưng riêng dành cho Truyện Kiều.
* Được biết, với một dự án “khủng” như thế này, chi phí có thể lên đến tiền tỷ nhưng hiện nay, ngoài khoảng 35% do quỹ Thiện Tâm hỗ trợ, kinh phí dự án đều do anh bỏ tiền túi ra thực hiện. Việc bỏ ra số tiền đó để làm một sản phẩm có vẻ không có tính thị trường ấy có khiến anh băn khoăn không? Anh không có ý định đi xin thêm tài trợ?
- Tôi may mắn được sự hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm, dù chỉ chừng 35% nhưng số tiền đó rất quan trọng, vì nó là điểm khởi đầu, là động lực cho tôi quyết tâm phải làm bằng được dự án này. Còn nói việc bỏ ra số tiền lớn để làm một sản phẩm không có tính thị trường có khiến tôi băn khoăn hay không tôi xin nói thẳng là không.
Nếu băn khoăn, ngay từ thời điểm đầu mới tham gia hoạt động âm nhạc, lúc còn phụ trách biên tập ở NXB Âm nhạc, mỗi năm thực hiện hàng trăm sản phẩm băng đĩa nhạc các thể loại cho các nghệ sĩ cả nước tôi đã có rất nhiều cơ hội để có những công việc mang tính thị trường và có thể làm ra tiền, nhưng tôi đã không chọn nó mà chọn cho mình con đường đồng hành với âm nhạc dân tộc.
Dù khó khăn về kinh tế nhưng được làm những điều đó khiến tôi thấy đó mới là tôi, được sống là chính mình.
- Giới thiệu bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn
- Sức sống trường tồn của 'Truyện Kiều' trong đời sống đương đại
* Sau Kiều và xẩm, anh còn nghĩ đến những loại hình dân gian nào để làm “sống lại” trong thời đại nay? Những loại hình nào, theo anh là có thể có một đời sống sinh động, dễ tiếp cận với công chúng như các bài xẩm mà anh đã làm?
- Hiện tại tôi chưa hướng tới một nghệ thuật đã thất truyền nào. Nhưng tôi mong giới thiệu được nhiều bài dân ca mà cá nhân tôi thấy hết sức độc đáo, thú vị và chưa nhiều người biết đến.
Tuy nhiên, đó là mong muốn vẫn còn xa xôi, vì để thực hiện được cần có thời gian, đồng thời cũng phải có kinh phí nhất định. Trong khi phần nhiều tâm huyết của tôi vẫn còn đang dành cho xẩm. Xẩm sau những nỗ lực của tôi cùng những người thầy, đồng nghiệp trong gần 20 năm qua đã có chỗ đứng nhất định nhưng vẫn rất cần tiếp tục được tiếp sức.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.
Ngọc Minh (thực hiện)