Sức sống trường tồn của 'Truyện Kiều' trong đời sống đương đại
(Thethaovanhoa.vn) - Như báo điện tử Thể thao & Văn hoá đã đưa tin, chuỗi sự kiện văn hóa "Ai nhớ Tố Như..." do MaiHaBooks tổ chức đang diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, kéo dài hết ngày 31/10, nhằm dịp kỷ niệm 200 năm mất đại thi hào Nguyễn Du.
Lễ khai mạc chuỗi sự kiện được MaiHaBooks tổ chức sáng 29/10 với sự tham dự của các khách mời: Nhà sử học Dương Trung Quốc, GS Trần Đình Sử, Hoạ sĩ Lê Thiết Cương, PGS-TS Nguyễn Hữu Sơn... cùng đông đảo những người yêu mến Truyện Kiều của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du.
Theo bà Hà Thị Hương Mai (TGĐ MaiHaBooks), đây là sự kiện văn hóa đặc biệt, kỷ niệm 200 năm ngày mất của Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du (1765 - 1820).
"Bằng tình cảm và lòng tôn kính với bậc tiền nhân, cũng như nỗ lực đồng hành cùng quý độc giả trên con đường “Khơi nguồn tri thức, gìn giữ tinh hoa”, MaiHaBooks tổ chức một chuỗi hoạt động nằm trong một chương trình tổng thể gồm nhiều hoạt động" - Bà Hà Thị Hương Mai chia sẻ.
Theo đó, chuỗi sự kiện văn hoá "Ai nhớ Tố Như....", gồm các hoạt động: Trưng bày bộ sưu tập các ấn phẩm về Kiều và Nguyễn Du qua các thời kỳ; Tọa đàm khoa học “Kiều trong cuộc sống hôm nay” và chương trình viết thư pháp của Thư pháp gia Thiền Phong trong “không gian Kiều xưa”; Chương trình “Giới thiệu thư họa Kiều của Họa sĩ Nguyễn Tuấn Sơn - Thư pháp gia Châu Hải Đường” cùng kỹ nghệ giấy dó truyền thống Việt Nam; Chương trình “Ai nhớ Tố Như: Nghệ thuật Kiều”.
Đặc biệt, trong năm kỷ niệm đặc biệt này, để thể hiện niềm trân trọng, sự tri ân đối với đại thi hào Nguyễn Du cùng Truyện Kiều, MaiHaBooks tái bản 3 ấn phẩm: Kim Vân Kiều tái bản theo bản in năm 1951; Lãm Thúy Tập; và Tập văn họa Kỷ niệm Nguyễn Du. Tất cả các ấn bản đều được trình bày ấn loát mỹ thuật, hứa hẹn mang đến cho các quý độc giả những cảm xúc mới mẻ và thăng hoa tình yêu với Truyện Kiều - hồn dân tộc thấm từng hơi thở.
Phát biểu tại toạ đàm, họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, ông đã xem nhiều cuốn sách, tất cả các thế hệ họa sĩ VN đều có tác phẩm họa Kiều. Điều đó cho thấy sức sống trường tồn của Truyện Kiều.
"Nói về các tác phẩm họa Kiều, giai đoạn Đông Dương, bộ tứ họa sĩ của VN là Trí Lân Vân Cẩn. Nếu xét về hội họa nói chung thì có thể sáng tác trên bất kỳ cảm hứng nào, nhưng minh họa trên Truyện Kiều thì năng lực, cảm hứng, cách tiếp cận thi ca của người họa sĩ phải tinh tường hơn người khác, sự biên dịch từ ngôn ngữ thi ca sang ngôn ngữ hội họa.
Nội dung của bức tranh phải dựa trên những câu Kiều, phải bám theo nội dung câu chuyện và phong cách hội họa của từng họa sĩ. Tất cả các bức họa trong Tập Văn họa kỷ niệm Nguyễn Du ngày hôm nay đều đạt tiêu chuẩn đó.
Người họa sĩ thời Đông Dương, tôi mê nhất khi họa Kiều là họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, đề tài tranh vẽ về Kiều chơi đàn Nguyệt. Khi vẽ minh họa cho Truyện Kiều phải hiểu được tinh thần, nội dung câu chuyện" - hoạ sĩ Lê Thiết Cương nói thêm.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn đánh giá về bộ sách về Truyện Kiều và Nguyễn Du: Người biên soạn các tác phẩm này có tư duy chính xác. Tôi nghĩ Truyện Kiều là di sản của Việt Nam, đặt ra nhiều câu hỏi cho các thế hệ từ những người 15 tuổi đến 70-80 tuổi càng đọc càng ngẫm ra nhiều điều, thấm thía được kiếp người.
GS Trần Đình Sử cho rằng: "Giá trị lớn nhất Đại thi hào Nguyễn Du để lại là nghệ thuật viết, các tác phẩm chữ Nôm, trong đó có Truyện Kiều đi vào lòng người hấp dẫn lôi cuốn khiến người đời muốn đọc đi đọc lại, muốn lưu trữ. Ba tác phẩm được in với nhiều công phu, bằng chữ viết tay, có những điểm thú vị. Trong các tác phẩm về Kiều của MaiHaBooks ra mắt, có tác phẩm dựa trên các câu thơ của Kiều để sáng tác những bài thơ mới, một mặt thể hiện sự đam mê, thuộc Truyện Kiều, một mặt thế hiện khả năng sáng tác mới, mang tính chất chơi văn thể hiện tài hoa của mỗi người, điều này rất khó, hiện nay ít người làm được".
- Tình yêu Truyện Kiều và 73 bản chuyển ngữ bằng 21 ngôn ngữ
- 'Truyện Kiều còn, tiếng ta còn' (kỳ cuối): Cuộc đời Nguyễn Du và những khoảng mờ dành cho văn chương
- 'Truyện Kiều' với 'lời ăn tiếng nói' của nhân dân
GS Trần Đình Sử cũng rất quan tâm đến vấn đề giảng dạy Truyện Kiều trong trường học, Truyện Kiều thường được học từ lớp 10 nhưng đến lớp 12 thi tốt nghiệp lại thi văn học đương đại, do đó giá trị của Truyện Kiều giảm đi. GS đề xuất nên chăng đưa vào chương trình học và thi lớp 12 để học sinh quan tâm nhiều hơn đến tác phẩm này, đi vào thực tế cuộc sống của nhiều người.
Chuỗi sự kiện "Ai nhớ Tố Như..." sẽ diễn ra tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) tới hết 31/10.
Trần Thị Mai Hoa. Ảnh: BTC