loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Bước vào nghề từ những năm 1980, cho đến nay sẽ không sai khi nói, Đặng Xuân Hòa là một trong những họa sĩ “đắt giá” cả về mọi nghĩa. Cái tên Đặng Xuân Hòa liên tục có mặt ở các triển lãm hay sự kiện đấu giá lớn trong và ngoài nước. Từ năm 2005, tranh của họa sĩ đã góp mặt trong nhiều phiên đấu giá của các nhà đấu giá nghệ thuật nổi tiếng thế giới như Sotheby’s, Christie’s, Borobudur, Larasati…
Phạm Lực, họa sĩ được ví von là “Van Gogh Việt Nam”, vẫn say mê vẽ tranh khi tuổi sắp 80. Với ông, vẽ không chỉ là thói quen, công việc mà là nguồn sống, không vẽ thì ông sẽ ốm. Tranh của Phạm Lực luôn được công chúng đón nhận một cách nhiệt tình.
Năm 2008, họa sĩ Đặng Xuân Hòa giữ vị trí thứ 12 trong Top 30 nghệ sĩ bán tranh đắt giá nhất Đông Nam Á (tổng kết từ hai nhà đấu giá Sotheby’s và Christie’s) và Top 10 của nhà đấu giá Larasati (phần đấu giá nghệ thuật Đông Nam Á đương đại) tại Amsterdam, Hà Lan. Không những vậy, tranh của Đặng Xuân Hòa còn được lưu giữ tại các bảo tàng mỹ thuật quốc gia của Việt Nam, Singapore và Malaysia.
Sinh 1959, tại Nam Định, Đặng Xuân Hòa nổi trội trên thị trường bởi phong cách biểu hình siêu thực (surrealistic figure), rồi biểu hiện (expressionism) và sau này là trừu tượng (abstractism). Biểu hiện của ngôn ngữ trừu tượng trong tranh Đặng Xuân Hòa thông qua khả năng truyền tải cảm xúc qua sự biến hóa của sắc độ màu, gợi tính đa chiều. Chính điều này giúp tạo ra nét cọ riêng của họa sĩ Đặng Xuân Hòa trong dòng chảy tạo hình mỹ thuật Việt Nam đương thời.
Giản lược và đẩy sâu… dẫn thẳng tới trừu tượng
Trừu tượng trước nay vốn là một trong những trường phái thách thức với bất cứ một họa sĩ nào. Trải qua nhiều thử nghiệm, họa sĩ Đặng Xuân Hòa đã dần dà chọn trường phái hội họa trừu tượng là một trong những lối đi của mình vào thời gian sau này. Đây cũng là trường phái giúp Đặng Xuân Hòa định danh trong giới hội họa với nhiều tác phẩm để lại dấu ấn về sáng tạo mỹ thuật.
Từ những năm 1990 của thế kỷ trước, nổi danh với cá tính sáng tạo, cái tên Đặng Xuân Hòa đã được giới chuyên môn đánh giá là một nghệ sĩ có bản năng hội họa mạnh mẽ. Lối vẽ của Đặng Xuân Hòa mang đến cho người xem cảm giác ngẫu hứng trong từng đường họa, ít cân nhắc trong việc sắp đặt bố cục.
Thoạt nhìn, sẽ cảm thấy hỗn độn trong việc sắp xếp chi tiết, thậm chí là bóp méo tạo hình trong nét vẽ. Tuy nhiên, nhìn tổng thể trong một không gian phi trật tự kết hợp với khả năng phối màu có sức gợi lại thấy ẩn sâu trong đường nét tạo hình thô mộc một phần hồn mà họa sĩ bê từ ngoài đời thực vào trong tranh của mình.
Điều này hoàn toàn dễ lý giải khi những năm 1980 là giai đoạn rất khó khăn về kinh tế, xã hội. Hiện thực đời sống lúc đó bước vào tranh của Đặng Xuân Hòa một cách có chiều sâu dưới những nét cọ có sức gợi về sự “gập ghềnh” của số phận con người. Điều này được đặc tả rõ nét qua những tác phẩm chân dung của Đặng Xuân Hòa.
Cho đến thời điểm hiện tại, khi trải lòng về quá khứ với nghề, họa sĩ Đặng Xuân Hòa vẫn giữ cho mình một thái độ trân trọng với sự lựa chọn của cuộc đời mình: “Đối với tôi, đến giờ phút này có thể nói nghệ thuật là đời sống của thế hệ chúng tôi. Chúng tôi đã có một thời trẻ, thi vào các trường mỹ thuật, học và ra trường trong thời kỳ rất khó khăn. Chúng tôi không biết làm nghề gì, ngoài việc yêu nghệ thuật và đến tận bây giờ, theo đuổi có thể nói là hơn 40 năm. Có niềm vui, có khát khao và có cái dường như là số phận trong đó, số phận đã đặt mình đeo đuổi nghệ thuật dù thế nào thì vẫn theo đuổi nó. Vẽ cái gì, làm cái gì, đề tài nào, vẽ ở đâu, vẽ lúc nào... thì nó vẫn phải mang phần hồn. Đó chính là nghệ thuật mà tôi theo đuổi từ trước đến giờ” - họa sĩ bộc bạch.
Quy luật của sáng tạo nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng không chấp nhận sự dẫm chân tại chỗ, mà đòi hỏi người nghệ sĩ phải luôn thay đổi để nâng cao giá trị của sáng tạo nghệ thuật đồng thời phù hợp với thị hiếu tiếp nhận của thời đại. Và với họa sĩ Đặng Xuân Hòa cũng không phải là một ngoại lệ.
Giai đoạn từ năm 1997 đến nay, chứng kiến ít nhiều sự thay đổi trong ngôn ngữ hội họa của Đặng Xuân Hòa. Nếu xem những họa phẩm như: Đứa trẻ lang thang, Ngày xanh, Ở giữa, Ra ngoài… của họa sĩ, dễ dàng nhận thấy sự giản lược đến tận cùng về đường nét và màu sắc, đẩy sâu vào nội tâm, khơi gợi trường liên tưởng đến những giá trị mỹ cảm sơ khai. Điều này, tương hợp với quan điểm của một danh họa trừu tượng người Thụy Sĩ - Paul Klee, ông cho rằng: “Hình họa càng thuần khiết, nghĩa là nếu chúng ta càng chú trọng đến dạng thức thể hiện đồ họa, thì bộ khung hiện thực của những vật thể thấy được càng mờ đi”.
Vốn dĩ những tác phẩm hội họa xưa nay vẫn kén người thưởng thức. Thú thực mà nói, tranh của Đặng Xuân Hòa không dễ xem, nhưng không đến độ đánh đố người xem đến mức ngắm mãi không hiểu gì. Thưởng thức tranh của Đặng Xuân Hòa đòi hỏi người xem phải nghĩ, phải ngẫm đến khi đã thấu cảm được với tư duy tạo hình trong từng đường cọ ắt người xem sẽ hoàn toàn bị cuốn hút, thậm chí là bị mê hoặc với những “vũ điệu” đường nét và màu sắc trong tranh.
Tư duy rất “Tây”… nhưng luôn tìm về cội nguồn dân tộc
Trước thời kỳ Đổi mới, mỹ thuật Việt Nam chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa ấn tượng sâu đậm. Cho đến thời Đổi mới, ảnh hưởng của chủ nghĩa ấn tượng mới thực sự chấm dứt nhờ thế hệ nghệ sĩ trẻ, trong đó Đặng Xuân Hòa là một đại diện tiêu biểu.
Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1983, họa sĩ Đặng Xuân Hòa ra trường vào giai đoạn khởi nguồn Đổi mới, sự giao lưu quốc tế mở ra cơ hội cho thế hệ nghệ sĩ bấy giờ được tiếp xúc với dòng chảy sáng tạo nghệ thuật thế giới.
Đặng Xuân Hòa cho rằng, đây là may mắn khi bắt gặp được thời đại, được đi các nước châu Âu, châu Mỹ, được chứng kiến những điều mới mẻ từ thế giới bên ngoài so với kiến thức học thuật bài bản ở trường mỹ thuật. Từ đó thúc đẩy họa sĩ càng ngày càng phải thay đổi, tìm được cái gì gần mình nhất, là của mình để thể hiện. Đó là cái riêng của mình, không thể hòa lẫn với thế giới, có thể hòa hợp, hòa đồng nhưng không bao giờ hòa lẫn.
Đây cũng là lý do vì sao chủ để mà Đặng Xuân Hòa thể hiện trong tranh của mình hết sức gần gũi, mang đến những giá trị rất Việt Nam, thuộc về hồn cốt dân tộc. Có thể nói, chân dung con người và đồ vật là hai chủ đề xuyên suốt thể hiện trong những tác phẩm của Đặng Xuân Hòa. Những bộ ấm, bình hoa, đèn dầu, mâm ngũ quả, con mèo, con gà… cho đến những đặc tả chân dung dưới nét cọ của Đặng Xuân Hòa luôn phát tỏa những nét hồn hậu đậm chất Việt.
“Mình vẫn là người Việt Nam, yêu văn hóa Việt Nam, yêu lối sống Việt Nam, yêu những cái “bụi bặm” của Việt Nam, những điều này ở các nước khác không có... mình quay về với bản ngã, với dân tộc mình. Điều đó mới đáng quý. Dù chúng ta biết họ hay, họ mới mẻ, đi cùng với họ nhưng không đi theo họ” - họa sĩ Đặng Xuân Hòa nói.
Mặc dù lựa chọn những đối tượng thể hiện trong tác phẩm của mình là những thứ rất Việt Nam nhưng sự lệ thuộc vào những hình tượng cũ thường mắc phải trong các tác phẩm nghệ thuật mang hơi hướng dân tộc kiểu như hoa sen, áo dài, mái đình… dường như không thấy ở tranh của họa sĩ Đặng Xuân Hòa. Ở tranh của Đặng Xuân Hòa mọi sự thể hiện những giá trị dân tộc rất “hợp thời”, mới mẻ trong tư duy sáng tạo nghệ thuật. Rõ ràng trong sự bình dị, gần gũi, thân thuộc lại tìm thấy được sự hoa mỹ đến độ tinh tế trong tạo hình.
Sự kết hợp ngôn ngữ tạo hình trừu tượng kết hợp cùng tinh thần hướng về những giá trị truyền thống của dân tộc họa ra một nét riêng thể hiện đậm đặc hồn vía của dân tộc mang thương hiệu Đặng Xuân Hòa.
Hơn 40 năm cầm cọ, với họa sĩ Đặng Xuân Hòa chưa bao giờ có khái niệm nghỉ ngơi. Họa sĩ từng chia sẻ: “Từ hồi tôi ra trường, dù là vẽ một ký họa bằng tay, hình minh họa bé tí cho báo, hay một bìa sách cho NXB, tôi cũng luôn rất hào hứng. Và suốt sự nghiệp hầu như lúc nào tôi cũng sung sức. Giai đoạn không hào hứng thì cũng ít thôi. Làm việc theo tinh thần hào hứng của mình sướng lắm, vì tự do và không bị ai áp đặt. Tôi vẽ từ năm 1983, và gần như không nghỉ. Tới hôm nay, tôi cũng còn nhiều thứ đang dang dở, còn rất nhiều ý tưởng trong đầu”.
“Cái tôi” trong nghệ thuật… trước tiên phải tự chiều lấy mình
Sẽ không sai khi nói, hội họa Đặng Xuân Hòa là một hành trình cháy kiệt với nghệ thuật. Hành trình yêu nghệ thuật, “đắm đuối” với nghệ thuật, sống cùng với nghệ thuật trong những thời điểm khó khăn nhất để cho đến thời điểm hiện tại, với họa sĩ Đặng Xuân Hòa, nghệ thuật là đời sống thiết thân của mình, “là tiếng nói của tâm hồn mình”.
Hành trình sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ Đặng Xuân Hòa không đơn thuần chỉ là hành trình sống và yêu nghệ thuật. Đó còn là hành trình để đi tìm cái tôi của mình. “Điều mà xã hội chúng ta đang rất thiếu, đó là “cái tôi”. Với thế hệ chúng tôi, để đi tìm “cái tôi” rất khó. Trong thời cuộc khó khăn về kinh tế, xã hội như trước đây, để khẳng định cái tôi thực sự rất khó, nhất là cái tôi trong nghệ thuật lại càng khó.
“Cái tôi” trong đời sống đã phải trả giá bằng cơm ăn, nước uống nhưng “cái tôi” trong nghệ thuật đôi khi phải trả giá bằng cả tinh thần. Chính vì vậy nên những tác phẩm tôi vẽ, đầu tiên, mình phải tự chiều mình trước rồi mới hy vọng người khác cảm thấy hấp dẫn và hay được” - họa sĩ Đặng Xuân Hòa bộc bạch.
Định vị được “cái tôi” luôn là điều vô cùng quan trọng đối với bất cứ nghệ sĩ nào. Thông qua tác phẩm của mình, “cái tôi” của người nghệ sĩ được định hình, được nhận diện giữa một đám đông hỗn tạp có thật, có “dởm”.
Thật vậy! Khi được hỏi điều gì làm nên cá tính riêng biệt của cái tên Đặng Xuân Hòa, họa sĩ đáp lại: “Có lẽ là do tranh của tôi, còn đời sống của tôi bình thường như mọi người, không có gì khác. Những người yêu nghệ thuật họ nhìn ra mình từ khi mình bắt đầu cho đến bây giờ. Họ cho mình một cái niềm tin, động cơ thúc đẩy mình trong sáng tạo. Nghệ thuật của mình như thế nào thì mình đi như thế, thành thật với bản thân, với công chúng. Họ đã đặt cho mình cái tên như thế thì mình phải giữ nó, không bao giờ đánh mất được”.
Khẳng định được vị thế của mình trong làng hội họa với một phong cách sáng tạo nghệ thuật riêng biệt, thế giới hội họa của họa sĩ Đặng Xuân Hòa luôn có một thứ “ma lực” đặc biệt. Đó là thế giới của nghệ thuật trừu tượng đạt đến độ tinh tế trong tạo hình, sở hữu một sức hút chưa bao giờ nguội lạnh đối với giới mộ điệu, nhà sưu tập tầm cỡ.
(Hỏi đáp về Nghề nghiệp - Nghệ thuật - Thị trường)
Đã là nghệ thuật, đều có tính thị trường
* Ông quan niệm thế nào về “tranh nghệ thuật” và “tranh thị trường”?
- Tôi không có 2 quan niệm ấy trong đầu. Đã là nghệ thuật cao hay nghệ thuật thấp đều phải có tính thị trường. Ví dụ các bức tranh của bậc thầy trên thế giới họ vẫn định được giá, các bạn không thể nói đấy là nghệ thuật hay thị trường được. Tác phẩm của người họa sĩ vẽ ra đến tay người tiêu thụ, tức là qua thị trường. Và những tác phẩm đẹp thì sẽ có người mua, những tác phẩm tốt sẽ có người dùng, cũng như các món đồ khác nhưng tác phẩm hội họa sẽ có ý nghĩa hơn bởi nghệ thuật còn mang một giá trị tinh thần.
* Ông xem việc vẽ là nghề hay là nghiệp?
- Thường thường người ta nói là “nghề nghiệp”. Mình yêu nó, đắm đuối với nó từ lúc mình còn bé cho đến lúc khó khăn và đến bây giờ, mình không bao giờ rời bỏ nó. Như thế tôi không biết là nghề hay nghiệp nữa, dường như nó là số phận của một người đã dấn thân đi theo con đường nghệ thuật. Có thể là cả hai, cả nghề và cả nghiệp.
* Vậy ông có khi nào phải vẽ chiều thị hiếu không?
- Không, tôi kiên quyết về điều đó. Đầu tiên là mình vẽ cho mình, mình vẽ cho nghệ thuật của mình. Công chúng phải được thưởng thức cái riêng của mình. Chính vì vậy nên những tác phẩm của tôi, đầu tiên, mình phải tự chiều mình trước rồi mới hy vọng người khác cảm thấy hấp dẫn và hay được.
* Vai trò của người mua tranh với nghệ thuật, sáng tạo?
- Vô cùng cần thiết. Vì đó là mối quan hệ của một xã hội bình thường.
|
(Còn nữa)
Công Bắc
loading...