A+ A A- Kiểu đọc sách

Hành trình của những họa sĩ 'triệu đô' (kỳ 3): Hồ Hữu Thủ - người 'không phụ thuộc vào ý niệm'

19:00 06/11/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Làm việc chuyên nghiệp, sáng tác miệt mài và đóng góp một nét cọ lãng du mê hoặc người xem trong hệ sinh thái nghệ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam – đó là Hồ Hữu Thủ.

Hành trình của những họa sĩ 'triệu đô' (Kỳ 2): Bậc thầy tân hiện thực Đỗ Quang Em

Hành trình của những họa sĩ 'triệu đô' (Kỳ 2): Bậc thầy tân hiện thực Đỗ Quang Em

Nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy cho rằng, họa sĩ Đỗ Quang Em vẽ tranh theo lối tân hiện thực (neo-realism), thậm chí có người còn nói ông là cực thực (hyper-realism).

Hồ Hữu Thủ quê ở Nghệ An, lớn lên tại Bình Dương, thành danh tại Sài Gòn từ trước 1975. Hiện ông sống tại làng nghệ sĩ Hàm Long, thuộc phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM. Ông đang mòn mỏi chờ giấy phép để xây một không gian trưng bày kiểu bảo tàng tư nhân của riêng mình. Ông kể phải “chiến đấu” rất nhiều với giới sưu tập thì mới giữ lại được hơn 150 tác phẩm để treo, chứ gật đầu một cái là họ mua hết rồi. Dư tài lực và vật lực để làm một bảo tàng quy mô, chúng ta có thể hình dung được phần nào sức hút và sự thành công của Hồ Hữu Thủ trong thị trường mỹ thuật.

Từ việc muốn “vô niệm”

Hồ Hữu Thủ không quan tâm mình đã vẽ bao nhiêu bức tranh, nhưng giới sưu tập và kinh doanh ước tính phải hơn ngàn bức. Ngắm nhìn ông già tuổi 80, mái tóc bạc phơ, nét cọ lả lơi cho ra những mảng màu ngọt lịm vẫn đều đều ngày ngày hiện ra trên mặt vải bố hoặc trên vóc sơn mài, một nhà sưu tập kể: “Nhà tôi ở quận 7, cứ cuối tuần mà rảnh là tôi hay sang nhà bác Thủ ngồi ngắm bác vẽ tranh. Bảng màu, nét cọ huyền ảo của bác như đưa tôi sang miền cái đẹp ở cõi thần tiên, phiêu bồng và thoát tục. Cái mỹ cảm nơi tranh của bác bay bổng như chạm vào tâm thức của tôi. Khó tả lắm....

Chú thích ảnh
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ

Có nhà sưu tập lớn khác sở hữu mấy tác phẩm sơn mài hoành tráng của Hồ Hữu Thủ. Trong căn phòng rộng lớn của mình, ông ngồi với ấm trà và ngắm các nhịp điệu màu sắc hòa quyện trong tranh trừu tượng. Tâm hồn ông như thoát ra, hòa quyện vào trong tranh, cảm nhận và thư giãn, sáng tạo và cân bằng, nên cảm nhận hạnh phúc thật gần gũi, nó hiện hữu ngay trong phút giây tĩnh lặng ấy.

Tôi có hơn 15 năm gần gũi với người họa sĩ tài hoa này, nên càng hiểu được tâm cảm của các nhà sưu tập lớn kia, khi đứng trước tranh của Hồ Hữu Thủ.

Chú thích ảnh
Hồ Hữu Thủ và không gian đang chờ cấp phép để làm bảo tàng tư nhân

Trò chuyện với Hồ Hữu Thủ thường xuyên, tôi thấu hiểu được cái tâm thế và triết lý khi ông sáng tác. Ông chia sẻ: “Khi bắt đầu vẽ chủ yếu là hình người theo khuynh hướng ấn tượng. Dần dần sang siêu thực để đáp ứng nhu cầu trong tâm thức, cũng có lẫn lộn một số tranh lập thể, tượng trưng, nhưng đó là trong quá trình đi tìm. Sau đó tôi đọc và nghiền ngẫm triết học Đông phương, của Phật giáo và duy vật của Tây phương thì mới rút ra những hình ảnh trong tâm thức của mình. Lúc này tranh trừu tượng ra đời, tranh trừu tượng xuất hiện thường xuyên vào những năm cuối của thập niên 1980, rồi tiếp diễn tới ngày nay”.

Ông nói thêm: “Cái không hình thì dứt bỏ tuyệt đối, nhưng thỉnh thoảng tôi cũng vẽ cái có hình cho thỏa mãn nhu cầu xã nhu cầu xã hội. Tuy nhiên có hình hoặc không hình đều không phụ thuộc vào ý tưởng, không cảm xúc nhiều. Chúng cứ tự chạy ra một cách tự nhiên. Nếu vương vấn vào cảm xúc thì còn ý tưởng, khi đó không phải là của mình, vì mình đang vẽ lại quá khứ, ý tưởng là chắp nối những hình ảnh trong ký ức, là không thật. Mình vẽ với ý niệm thì đó không phải là mình, vì ý niệm nó làm chủ, mà khi vẽ không có ý niệm thì nó là của mình. Lúc này kỹ thuật chỉ là phương tiện thôi, giúp cho tâm thức người nghệ sĩ tuôn ra, nó trở thành cây cọ, nó trở thành màu sắc, kể cả con người họa sĩ cũng trở thành phương tiện luôn”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Âm nhạc” (sơn mài, 120cm x 200cm, 2009) của Hồ Hữu Thủ

Đây quả là một quan niệm hơi lạ, càng lạ hơn khi nghệ thuật ý niệm (conceptual art) đang ảnh hưởng, thậm chí chi phối khá nhiều đến không khí chung của nghệ thuật đương đại.

Hồ Hữu Thủ cắt nghĩa: “Khi ngồi trước giá vẽ thì ý niệm khởi lên lung tung, bảo phải vẽ đi, vẽ như thế này là đẹp, là bán được tranh…, lúc ấy tôi lật ngược tấm toan, không làm theo ý niệm ấy. Thế là một ý niệm khác lại ập đến, muốn chi phối, tôi lại tiếp tục lật ngược toan để dẹp bỏ ý niệm đó. Sau nhiều lần như vậy thì ý niệm biến mất, chỉ còn lại cái đẹp đơn thuần của màu và những kỹ thuật, chúng trở thành phương tiện”.

Đây cũng là cách Hồ Hữu Thủ làm chủ cây cọ khi vẽ tranh trừu tượng trong vô niệm.

Điều này càng có vẻ khó hiểu cho nhiều người, nên ông giải thích thêm: “Để đi vào trạng thái vẽ vô niệm (không cảm hứng, không cảm xúc, không ý niệm…) thì người nghệ sĩ phải trải qua quá trình ý niệm nhiều lần rồi, đến khi làm chủ kỹ thuật và nguồn sáng tạo sẵn có thì mới vẽ sang vô niệm được. Khi sang vô niệm rồi thì giống như chỉ mở cánh cửa ra, lấy “tranh” ra bày lên mặt toan một cách vô thức, không rào cản”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Âm nhạc và hoa” (sơn dầu, 100cm x 100cm, 2014) của Hồ Hữu Thủ

... Đến người tiên phong làm đa dạng chất liệu sơn mài

Trong một lần triển lãm có gặp một họa sĩ ở Đà Nẵng, tôi nói nghệ thuật xuất phát từ vô thức. Họa sĩ này không đồng ý. Sau mười năm gặp lại, họa sĩ này nói với tôi: “Hồ Hữu Thủ nói đúng, sáng tạo cần chạm đến vô thức và vượt qua định kiến”.

“Có một điều thú vị cho người sáng tạo và người thưởng lãm: sự sáng tạo thường dành cho mỗi người chứ không chỉ riêng cho họa sĩ. Vậy thì tại sao có người nhận được, có người không nhận được? Là vì thói quen định kiến chiếm hữu trong mỗi người là khác nhau, định kiến lớn sẽ làm chết đi nguồn sáng tạo, thưởng lãm. Đứng trước một tác phẩm nghệ thuật thì phải thả tâm hồn mình một cách vô tư, không còn ý niệm nữa thì mới nhận được tín hiệu từ tâm hồn của người nghệ sĩ” - Hồ Hữu Thủ giải thích.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Giai điệu” (sơn mài, 100cm x 200cm, 2009) của Hồ Hữu Thủ

Hồ Hữu Thủ “nuôi lửa” cho khát vọng của mình bằng cách làm việc liên tục và liên tục cho đến khi điều đó trở thành nguồn sáng tạo thường trực. Cho dù là sơn mài hoặc sơn dầu, hữu hình hoặc trừu tượng, ông luôn muốn chạm đến sự sáng tạo trong tạo hình và chất liệu vẽ.

Khi mới bước vào vẽ sơn mài đầu thập niên 1980, Hồ Hữu Thủ sáng tạo ra nhiều kỹ thuật mới - mà vì quan niệm theo lối cũ, người ta không dám làm trong sơn mài. Ví dụ dán bố, làm lồi lõm tác phẩm, vật liệu tổng hợp… Vì quan niệm không có giới hạn trong sáng tạo nên người ta gọi Hồ Hữu Thủ là người tiên phong làm đa dạng chất liệu sơn mài. Hồ Hữu Thủ quan niệm không những sáng tạo trong nghệ thuật mà còn phải sáng tạo trong cả chất liệu nữa.

Ông nói rằng ông vẽ tranh cũng như là đang thiền. Điều này rất tuyệt vời. Cái chất tâm linh sâu lắng vì vậy cũng ẩn hiện trong tác phẩm. Ông nói: “Trong đời sống của mình có 2 vế rõ ràng lắm, một cái thuộc về kiến thức, lý trí, một cái nó thuộc về tâm thức. Người nghệ sĩ đích thực là họ rung động từ trong tâm thức, lúc ấy cái lòng mình nó trống không, cái đầu mình nó trống không. Người nghệ sĩ thì họ mẫn cảm, biết được, nắm được cái đó và họ phóng chiếu cái đó ra ngoài. Tôi ví dụ cái mặt kiếng mà trên đó bám đầy bụi. Bụi là ý tưởng! Bây giờ mình muốn thấy sự trong suốt của tâm thức thì phải lau bỏ cái đó đi, cho nó trong sáng đi. Và tôi là họa sĩ thì tôi chỉ là phương tiện, để cho vết màu hình ảnh đó được thoát ra ngoài. Đó! Thiền nằm ở chỗ đó. Nghệ thuật phát xuất từ chỗ đó”.

Chính cái triết lý mà Hồ Hữu Thủ nghiền ngẫm và trải nghiệm khi vẽ tranh đã chạm vào tầng sâu mỹ cảm của người xem, đưa họ phiêu bồng qua nhiều cung bậc cảm xúc. Qua đó, chân dung nghệ thuật của ông cũng hiển hiện. Vì vậy mà ông rất nổi tiếng và chiếm cảm tình của nhiều nhà sưu tập khó tính nhất. Tranh của ông vì thế cũng ngày một vươn xa trong thị trường nghệ thuật cũng như hiện diện trên tường của nhiều nhà sưu tập tên tuổi.

Vị nghệ thuật hay là vị thị trường?

* Ông quan niệm thế nào về “tranh nghệ thuật” và “tranh thị trường”?

- Câu hỏi này đi chia tách thành hai vế, nhưng mà mình tách thế này không đúng lắm đâu. Nghệ thuật là nghệ thuật thôi, chỉ có một chứ không có thị trường hay không thị trường. Cái thị trường hay không thị trường là do trong xã hội nó chia ra, nó tách bạch ra. Nhìn cái tranh thấy đẹp đó là nghệ thuật, vậy thôi. Còn một khi mang ra xã hội trao đổi, sưu tập, đấu giá… thì nó lại mang tính thị trường rồi.

* Ông xem việc vẽ là nghề hay là nghiệp?

- Khởi đầu đi học nó là cái nghề. Còn nhỏ đi học xem như học cái nghề chứ có biết gì đâu. Nhưng giờ đây, 80 tuổi rồi vẫn còn khỏe, tôi biết đó là cái nghiệp trong đời này. Vẫn tiếp tục sáng tác tới một giờ phút nào đó rồi đi.

* Vậy ông có khi nào phải vẽ chiều thị hiếu không?

- Không! Tôi vẽ nghệ thuật thôi, không vẽ với ý niệm để dễ bán. Bởi vì tôi biết chắc nếu mình đạt tới cái nghệ thuật thì đỉnh cao rồi, người xem nhìn họ sẽ biết.

* Vai trò của người mua tranh với nghệ thuật, sáng tạo?

- Mình là người nghệ sĩ, vai trò của mình là sáng tạo. Còn người mua tranh họ thích thì họ mua, không thích thì thôi. Khi mua, họ tính toán nhiều thứ, ông bà này có nổi tiếng không, tranh có đẹp hay không. Nếu nổi tiếng và tranh đẹp là họ mua liền, về là có lời.

Nguyễn Quang Cường

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...