Nhà thơ ‘Tre Việt Nam’ Nguyễn Duy: Làng ta ở tận làng ta
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/6 tại Đường sách TP.HCM, tác giả bài thơ quen thuộc trong sách giáo khoa Tre Việt Nam – nhà thơ Nguyễn Duy đã có buổi ra mắt và giao lưu cùng lúc 3 cuốn sách mới xuất bản của ông, gồm: 1 tập ký Ghi và nhớ, 2 tập thơ Quê nhà ở phía ngôi sao và Tuyển thơ lục bát do Phương Nam Books, NXB Hội Nhà văn và NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành.
- Nhà thơ Nguyễn Duy với cuộc chơi của bạn tâm giao tại Sài Gòn
- Nhà thơ Phan Hoàng kế tục nhiệm vụ nhà thơ Nguyễn Duy
- Nhà thơ Nguyễn Duy: Vẫn giã từ thơ dù nhận giải quốc tế
Buổi ra mắt sách và giao lưu của Nguyễn Duy có chủ đề: “Làng ta ở tận làng ta”. Quả thật, thơ hay văn của Nguyễn Duy đều mang đậm tâm thức làng quê trong huyết quản dù ông có đưa đôi chân đến tận các chân trời Âu - Mỹ hay linh hồn bay tận trăng sao.
Nói đến Nguyễn Duy, người ta nhớ đến ông với “mệnh danh”: thi sĩ thảo dân, tác giả của bài thơ nổi tiếng Tre Việt Nam được nhiều thế hệ học thuộc lòng trong sách giáo khoa. Thế nhưng, trong suốt đời thơ của mình, ông đã rong ruổi nhiều nơi, đi và viết. Những cảnh, những người ông gặp trở thành tài sản văn chương đồ sộ của ông. Từ những chuyến đi ấy, tác phẩm Ghi và nhớ ra đời, tập hợp các bài viết vốn đã đăng rải rác trên các báo nhiều năm nay.
Ghi và nhớ bộc lộ một Nguyễn Duy khác với cảm xúc thi sĩ thường thấy trong các bài thơ của ông. Kết cấu Ghi và nhớ chia ba phần rõ rệt: “Đông Âu du kí”, “Vừa đi vừa đếm bước…”, “Gập ghềnh giấy”. Nguyễn Duy đã tái hiện sinh động đời sống xã hội, đặc biệt là xã hội các nước Đông Âu trong buổi giao thời, với những hoàn cảnh trớ trêu trước những biến động lịch sử.
Ở đây, ta có thể bắt gặp khuôn mặt của những người Việt xa xứ trên đất khách quê người, cùng những khuôn mặt người Việt lập nghiệp và thành công trên chính quê hương của mình. Nguyễn Duy dù thử sức mình ở thể loại nào vẫn giữ cho mình tâm thế của một thi sĩ thảo dân, gắn bó với đời sống người dân, những con người bình thường mà cũng thật đặc biệt dưới ngòi bút tài hoa.
Ở Ghi và nhớ, người đọc bắt gặp một Nguyễn Duy ít mơ mộng, cố giữ giọng bình tĩnh của một ngòi bút ký sự cần phải có. Nhưng ẩn trong đó, có thể thấy một tâm trạng hoài hương sâu sắc của một hồn thơ nặng nợ với quê hương, dù ông đang ở phương trời Âu - Mỹ vẫn đau đáu nhớ quê, ta như gặp những dòng sông cứ thế hiện lên một cách vô thức chảy xuyên qua tâm hồn thi sĩ, gần như trở thành nỗi ám ảnh.
Nguyễn Duy dành phần cuối sách Ghi và nhớ để khắc họa chân dung những bạn văn, những vị tiền bối từng là nguồn cảm hứng khích lệ ông trên con đường văn chương, như: Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Đoàn Văn Cừ, Hoàng Cầm…
Nguyễn Duy đã quan sát họ trong khoảng cách gần, góp thêm những nét mới vào bức chân dung của những văn nghệ sĩ mà ta ngỡ rằng đã quen thuộc nhưng vẫn còn nhiều góc khuất chúng ta chưa nhìn ra.
Đó là khi cái hữu hạn của đời thường gặp cái vô hạn của suy tưởng nghệ sĩ, không chỉ là những người sáng tạo nghệ thuật mà còn là những người làm công việc bình thường đã nâng kí ức lên thành nghệ thuật.
Ghi và nhớ còn có một đoản thiên sử kí trong dòng chảy lịch sử xuyên suốt, được cắt ra, giữ lại vài khoảnh khắc, mà khoảnh khắc nào cũng đáng quý, đáng nhớ. Đó là cuộc hành trình đi tìm lại dấu xưa của những vị vua yêu nước, như: Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân, khắc họa một thời đoạn bi ai của lịch sử dân tộc.
Văn của Nguyễn Duy cũng như thơ ông, không màu mè mà chân thật như chính từ cuộc sống này ra, chính vì thế mà sức mạnh của sự thật ở thể loại ký được tăng thêm. Văn chương đó không quá dụng công để tạo ra những hiệu ứng nghệ thuật khác lạ, nó như là chính nó, chân thật, không cầu kỳ, bộc trực, nhắm thẳng vào cảm xúc người đọc.
Như để bổ sung cho phần cảm xúc còn chưa bộc lộ hết trong tập kí Ghi và nhớ, hai tập thơ Quê nhà ở phía ngôi sao” và Tuyển thơ lục bát tập hợp những vần thơ gây dựng tên tuổi Nguyễn Duy trong lòng công chúng.
Ta có thể bắt gặp những vần thơ quen thuộc đến mức nhiều lúc chúng ta tưởng chừng là ca dao:
Bần thần hương huệ thơm đêm
khói nhang vẽ nẻo đường lên niết bàn
chân nhang lấm láp tro tàn
xăm xăm bóng mẹ trần gian thuở nào
Lục bát Nguyễn Duy nối tiếp con đường lục bát được vạch ra kể từ thời Nguyễn Du, đó là mạch nguồn tâm thức Việt, là tâm hồn Việt lắng đọng trong nhạc điệu con chữ:
Dịu dàng vang tiếng mắt cười
bỏ qua sấm chớp một thời xa xăm
Nguyễn Duy không chỉ làm thơ lục bát, nhưng chính lục bát định hình nên một Nguyễn Duy hiện hữu trong thơ ca Việt
Anh vặt trăng sao rịt lành vết thương
thấm giọng giọt sương nước mắt em long lanh mảnh vỡ
và bắt chước lá cây bình thản hát mỗi lúc gặp gió
Thơ Nguyễn Duy bắt nhịp từng khoảnh khắc bình dị giữa dòng đời đang hối hả trôi tuột đi không níu giữ được. Ông lắng nghe từng rung động bình dị của cuộc sống, mà ở đó những vần thơ của ông được sinh ra, như chính con người ông, sinh ra từ nhân dân, được nhân dân nuôi lớn, vì thế thơ ông lúc nào cũng có vẻ đẹp của sự trường cửu.
Trạc Tuyền