Nhà thơ Quang Dũng - Khúc song hành thơ và họa
(Thethaovanhoa.vn) - Hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh Quang Dũng (1921 - 2021), NXB Kim Đồng đã ra mắt tuyển tập Nhà thơ Quang Dũng - Người mang trong trắng đi tìm thanh cao, tuyển chọn những bài thơ, bức tranh nổi bật của nhà thơ. Cuốn sách do 2 tác giả Phương Thảo (con gái của Quang Dũng) và họa sĩ Tô Chiêm biên soạn, gồm 3 phần chính: 30 bài thơ, 29 bức tranh - là tác phẩm của Quang Dũng và một số bài giới thiệu, phê bình.
Toàn bộ bản in trong tập Nhà thơ Quang Dũng - Người mang trong trắng đi tìm thanh cao, dựa theo bút tích chép tay của ông trong các cuốn sổ, thư từ, tư liệu... được gia đình và bạn bè ông gìn giữ.
Ta mang trong trắng đi tìm thanh cao
Nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988) tên thật là Bùi Đình Diệm, quê gốc ở làng Phượng Trì, huyện Đan Phượng (nay thuộc Hà Nội). Với cuộc đời cống hiến cho công cuộc kháng chiến và nghệ thuật, ông từng nhận Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Quang Dũng làm thơ từ tuổi niên thiếu, năm 16 tuổi đã có thơ đăng báo. Bài Chiêu Quân viết năm 1937, những câu thơ mang dấu ấn thời kỳ thơ mới phát triển cao ở giai đoạn thứ 2, nhưng vẫn có một sắc thái riêng của Quang Dũng: Tỳ bà lanh lảnh buốt cung thương/Tang tình năm ngón sầu dâng lệ.../Lã chã trời Phiên mưa tuyết xuống/Chiêu Quân sang Hồ, xừ hồ xang.
Tổng khởi nghĩa, Quang Dũng tham gia cách mạng từ 19/8/1945, làm phái viên Phòng quân vụ Bắc Bộ. Kháng chiến bùng nổ, ông làm Chính trị viên phó Ðại đội vệ binh khu II một thời gian thì được cử đi học lớp bổ túc quân sự ở Sơn Tây.
Ðến đầu năm 1947, Quang Dũng gia nhập đoàn quân Tây Tiến mới được thành lập với nhiệm vụ phối hợp cùng bộ đội Lào để bảo vệ biên giới Việt - Lào và đánh tiêu hao lực lượng quân Pháp. Ðó là những người hào hoa, vui nhộn ngay cả trong hoàn cảnh rất gian nan.
- 'Đoàn binh Tây Tiến': Cuộc hành quân vào mãi mãi
- Chuyện chưa kể về 'Đoàn binh Tây Tiến'
- Thủ tướng dâng hương tại Khu di tích Trung đoàn Tây Tiến
Chính trong môi trường cuộc sống đoàn Tây Tiến, Quang Dũng đã có được những bài thơ hay bậc nhất cho thời đại thơ ca kháng chiến cứu quốc: Nhớ buổi trung đoàn ta ra đi/Tháng Chạp màn sương trùm đất nước/ Gió mùa chết héo mạ non xanh/Sương muối thấm vào bao đạn ướt...
Có thể nói, con đường số phận đã đưa Quang Dũng đến với đoàn Tây Tiến. Và rồi, tài năng của ông đã khiến một phần đời sống tinh thần của đoàn binh này, qua những bài thơ còn sống lâu dài trong nền văn học.
Thơ ông như cuộc kiếm tìm khuôn mặt hình dáng đích thực của tình yêu, của số phận trong cái khốc liệt của chiến tranh. Đời sống kháng chiến trong thơ ca của ông là cuộc đối thoại tràn trề sức trẻ, biến những gian nan, cách xa, lửa đạn, thành kỷ niệm của tình yêu thương đùm bọc: Tiếng hát hành quân vui trong mưa/ Gió bấc về sân buổi tiễn đưa/ Nải chuối tiễn nhau em mới cắt/ Nắm cơm hàng xóm gửi trung đoàn (Những làng đi qua).
Bộc bạch, mô tả hoàn cảnh, không khí kháng chiến, nhưng cái đích đến của nhà thơ là tình yêu và khát vọng hòa bình.Ngập tràn thơ Quang Dũnglà thế giới hoang dã cây cỏ, hoa lá, chim muông. Thiên nhiên đã truyền vào thơ ông những âm thanh, sắc màu vang động, những vẻ đẹp lộng lẫy và những bí ẩn kỳ diệu như cánh đồng, dòng sông, hồ nước, dãy núi, trong một trí tưởng tượng vô tận: Người đi Châu Mộc chiều sương ấy/Có thấy hồn lau nẻo bến bờ/Có nhớ dáng người trên độc mộc/ Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa (Tây Tiến).
Trữ lượng “thi trung hữu họa”
Không gian hội họa mà ta cảm nhận được trong thơ Quang Dũng nhờ những liên tưởng thị giác là không gian cảm giác. Ở nhiều bài thơ qua cách miêu tả đối tượng của thi sĩ, cách thức tổ chức câu thơ, dễ thấy yếu tố không gian hội họa được gợi lên bởi những liên tưởng thị giác: Đường ấy đi về qua bóng núi/ Miếu đêm soi lạnh xuống sông dài/ Lay động màn sương trên khói sóng, Thuyền câu ai gõ mạn xa khơi (Đường trăng).
Cũng vậy, không gian tranh của ông dung dị, khoáng đạt như chứa chất bao nỗi niềm, cảm xúc, cảnh sắc thiên nhiên gắn bó với tâm trạng, và qua đó thể hiện tình cảm của tác giả.
Thời niên thiếu, Quang Dũng rất yêu thơ và hội họa, được bố mẹ dành cho một buồng riêng trong căn nhà gác thoáng rộng. Ở đó, chính Quang Dũng tự trang trí lấy bằng nhiều bức tranh ông tự vẽ, cả những tranh vẽ trên toan, lồng khung treo lên, cả mấy bức ông vẽ thẳng vào tường. (Người mẹ của Quang Dũng vẫn giữ gìn nguyên vẹn những bức vẽ đó suốt bao năm đằng đẵng sau này, khi Quang Dũng đi kháng chiến).
Nhiều bài thơ được thi sĩ vẽ minh họa bằng bút chì ngay bên cạnh. Họa sĩ Tô Chiêm nhận định: Ông thích tự làm bìa, minh họa cho thơ và bút ký của mình. Dường như người nghệ sĩ tài hoa ấy mong muốn những đứa con tinh thần có được sự hài hòa tuyệt đối.
Tranh Quang Dũng chủ yếu là phong cảnh. Những bức vẽ: Nhớ Tây Tiến, Đường lên Tây Bắc, Làng ven đê sông Đáy, Mây đầu ô, Dốc Yên Phụ, Vườn đào Nhật Tân, Ba Vì... Vẻ đẹp của thiên nhiên, đời sống đã cuốn cảm xúc vào nhịp điệu của thời gian, vẽ là cách để Quang Dũng ghim giữ lại bằng ngôn ngữ tạo hình những cảm xúc trong thơ. Tranh của Quang Dũng dựng nên một thế giới thanh bình và lãng mạn, an hòa, như trong mỗi bài thơ, trang văn của ông đã chứa đựng sẵn một bản nhạc, một bức tranh, ông vẽ trong cảm xúc của bài thơ, trong hình ảnh của bài thơ.
Quang Dũng tựa bóng “mây phiêu lưu, mây lang thang”, hồn nhiên viết thơ trên từng bản thảo vương vãi hoặc trong sổ tay của các bè bạn. Cũng vậy, say mê vẽ,vượt thoát ra tham vọng có tác phẩm để đời, vẽ cho ông lưu giữ lại kỷ niệm với bờ bãi, sông nước, làng mạc, cỏ cây, con người… Màu sắc, đường nét như tự do đến với ông rồi bay bổng ở lại trong sự trân trọng của người yêu thơ và họa của ông.
Nhà văn Chu Hồng Tiến