Thủ tướng dâng hương tại Khu di tích Trung đoàn Tây Tiến
(Thethaovanhoa.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017) và kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ Việt – Lào, chiều 16/7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dâng hương, tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến trên đồi Nà Bó, Tiểu khu 12, thị trấn Mộc Châu (Sơn La).
- Bâng khuâng nhớ nhà thơ 'Tây Tiến'
- Chuyện cảm động về dòng sữa mẹ cứu chiến sĩ Tây Tiến
- Về đường Tây Tiến, nhớ nhà thơ Quang Dũng
Trung đoàn 52 Tây Tiến thường gọi là Trung đoàn Tây Tiến được thành lập ngày 27/2/1947. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), Mộc Châu là nơi tập kết của đoàn quân Tây Tiến. Từ đây, các chiến sỹ của đoàn quân Tây Tiến đã tỏa đi khắp các mặt trận Tây Bắc và Thượng Lào, lập nên những kỳ tích vang dội góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn Lào.
Khu di tích lịch sử Tây Tiến được khánh thành vào ngày 20/8/2016. Nơi đây đã trở thành một di tích lịch sử tâm điểm cho công tác giáo dục truyền thống, là công trình lịch sử văn hóa tiêu biểu trong quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Khu di tích gồm 7 hạng mục chính, có kiến trúc thể hiện sự hùng vĩ, chất thơ mộng của núi rừng Tây Bắc và vẻ đẹp hào hùng, lãng mạn của Bộ đội Tây Tiến.
Khu di tích đang lưu giữ những bức ảnh, kỷ vật, những tác phẩm nghệ thuật được những người lính Tây Tiến sáng tác trong những ngày chiến đấu gian khổ… Đây cũng là những bằng chứng chân thực chứng kiến lịch sử hào hùng của Trung đoàn 52 Tây Tiến và nay là hình ảnh “tiếp lửa”, nuôi dưỡng tâm hồn, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Thành kính dâng hương tại Đài tưởng niệm – điểm cao nhất trong khu di tích, được thiết kế theo hình cụm lưỡi lê theo hình ảnh ‘ Heo hút cồn mây sung ngửi trời’; trong nền nhạc bài ca Tây Tiến trầm hùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác tri ân, tưởng nhớ công lao của các Anh hùng Liệt sỹ Trung đoàn 52 – Tây Tiến không tiếc máu xương, hy sinh tính mạng, tuổi trẻ của mình góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và làm trọn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Thăm Nhà truyền thống trong Khu di tích, ghi sổ lưu niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại lời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Thư gửi Trung đoàn Tây Tiến tháng 2/1947: “Công đức của các đồng chí, đồng bào, Tổ quốc sẽ ghi nhớ”.
Bày tỏ niềm xúc động được đến dâng hương tại Khu di tích, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ: Các thế hệ của đoàn quân Tây Tiến đã mãi mãi đi vào lịch sử Anh hùng cách mạng của Quân đội Nhân dân Việt Nam; là niềm khích lệ, tấm gương lớn và tài sản quý giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau”.
Sau khi tới thăm, dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ tại Khu di tích Trung đoàn 52 Tây Tiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm hỏi, nói chuyện thân mật và tặng quà ông Nguyễn Thanh Lâm và gia đình tại Tiểu khu 19/8, Thị trấn Nông trường Mộc Châu. Ông Nguyễn Thanh Lâm là Thương binh hạng ¾, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Ông Lâm và người thân còn là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin trong chiến tranh.
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới dây chuyền chế biến, đóng gói thành phẩm của Nhà máy Sữa Mộc Châu - Công ty Cổ phần giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu, Sơn La).
Đây là doanh nghiệp có tiền thân là Nông trường Quân đội, được thành lập ngày 8/4/1958 do các chiến sỹ thuộc Trung đoàn 280, Sư đoàn 335 sau khi giải phóng Tây Bắc được Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ làm kinh tế, mở mang phát triển vùng Tây Bắc. Năm 2005, Công ty Giống Bò sữa Mộc Châu được chuyển thành Công ty Cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu.
Nằm trên cao nguyên Mộc Châu có độ cao 1.050 m so với mực nước biển, dù có khó khăn về địa hình, song đến nay, tổng đàn bò sữa của công ty đạt trên 22 ngàn con; sản lượng sữa chu kỳ đạt 7.500kg. Sữa tươi sản xuất trên 80.000 tấn năm, doanh thu đạt trên 2.300 tỷ đồng; thu nhập bình quân đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, công ty còn phối hợp, phát triển 560 hộ chăn nuôi và ba Trung tâm giống ở 11 đơn vị chăn nuôi; có hai nhà máy chế biến sữa với dây truyền hiện đại nhập từ châu Âu.
Quang Vũ - Hồng Cường/TTXVN