loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Trong sách Tiếng Việt 1 (tập 2), thuộc bộ sách giáo khoa Cánh diều của NXB Đại học Sư phạm TP.HCM - bắt đầu được sử dụng từ năm học 2020-2021 - nhà thơ Cao Xuân Sơn có bài thơ Cả nhà đi học. Nhưng bài thơ này khá quen thuộc với học sinh tiểu học từ hơn 20 năm qua, khi từ lâu nó đã được đưa sách Tiếng Việt 3 (tập 2) của NXB Giáo dục.
Sinh 1949 tại Hà Tây (cũ) nay là Hà Nội, hiện sống tại TP.HCM, Trần Quốc Toàn là tác giả của khoảng 35 đầu sách, thì có đến 25 cuốn viết cho thiếu nhi. Bài thơ Mẹ và cô mà ông viết cách đây chừng 40 năm đã được chọn in trong sách giáo khoa (SGK) Tiếng Việt 1 (tập 2) từ hơn 20 năm trước. Bài thơ 40 chữ này còn trở thành bích họa mười mấy mét vuông tại khuôn viên một trường điểm ở quận 1, TP.HCM.
Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa tiểu học trước hết vì nó nói về niềm vui tới trường, một trạng thái cảm xúc cần lan tỏa và duy trì ở độ tuổi đi học còn là điều bắt buộc, là “cưỡng bức” với các em! Vui quá đi chứ! Vui đến mức bố mẹ như có phép màu, được trẻ ra, để trở lại làm cô bé, cậu bé tiểu học, cùng con mình ríu ran chào thưa! Vui đến mức mấy con chữ "thưa thầy" - "chào cô" - “chào cô” - “thưa thầy” nhảy vòng tròn theo nhịp thơ 6/8 y như các bạn kiến múa điệu “leo ra” “leo vào” trong bài: Con kiến mà leo cành đa. Vui như mấy bạn “heo nhi đồng” trong bài Ba bà đi bán lợn con.
“Đưa con đến lớp mỗi ngày
Như con mẹ cũng "thưa thầy", "chào cô"
Chiều qua bố đón tình cờ
Con nghe bố cũng "chào cô", "thưa thầy"...
Cả nhà đi học, vui thay!
Hèn chi điểm xấu, buồn lây cả nhà
Hèn chi mười điểm hôm qua
Nhà mình như thể được... ba điểm mười”.
(Cả nhà đi học - Cao Xuân Sơn)
Từ nhịp thơ rất hoạt kiểu đồng dao ở khổ thứ nhất, ý thơ đã bừng sáng rất tự nhiên ở khổ thứ 2 - sân trường là nơi dạy người ta sống đẹp bằng những buồn vui đúng cách. Học là để hoàn thiện mỗi người!
Người tạo nguồn, xây dựng đội ngũ
Kể từ khi cầm bút, nhà thơ - thầy giáo Cao Xuân Sơn kiên trì với nguyên tắc nghệ thuật “phép màu thơ ca” của mình. Trước ý kiến “đời sống hiện đại ít chất thơ và tuổi thơ của thiếu nhi hôm nay cũng nghèo chất thơ”, ông phản bác: “Tôi không tin điều ấy. Có thể là nó, cái chất thơ ấy, ít nhiều bị khuất lấp đâu đó thôi. Quan trọng là nhà thơ, anh phải nhìn thấy nó, từ bất cứ góc độ nào. Thế gian bụi mù, nhưng thế gian luôn lấp lánh và bầu trời đêm đêm luôn lung linh những giấc mơ tượng hình những chấm sao li ti. Trong bất cứ thời đại nào, tôi cam đoan là luôn có 2 dạng người thích ngửa mặt lên đếm sao trời, ấy là trẻ em và các nhà thơ”.
Không chỉ lý thuyết suông, Cao Xuân Sơn còn xây dựng đội ngũ những người “ngửa mặt lên đếm sao trời”. Cao Xuân Sơn chính là người có sáng kiến thành lập tủ sách Tuổi mới lớn của nhà xuất bản Kim Đồng, với mục đích tạo nguồn rõ rệt. Ông nói về tủ sách này: “Khẩu vị đọc sách của độc giả nhỏ tuổi càng ngày càng đa dạng và tinh tế. Trẻ em ngày nay hơn kém nhau vài tuổi đã có nhu cầu, sở thích đọc khác xa nhau. Không thể chỉ chia ra nhi đồng và thiếu niên chung chung như trước kia. Trong mỗi lứa ấy cần và có thể phân chia thành những nhóm nhỏ hơn. Cho đến hôm nay, vào một hiệu sách, độc giả mẫu giáo, nhi đồng hay thiếu niên bé (bậc tiểu học) có nhiều cơ hội lựa chọn hơn các em tuổi vị thành niên, tuổi “ô mai”, tuổi giáp ranh giữa trẻ con và người lớn. Mà tuổi giáp ranh này chính là lúc tâm sinh lý đang diễn biến phức tạp nhất, đây là thời điểm, hơn lúc nào hết, các em cần những bàn tay dìu dắt, những người bạn tâm tình”.
Nếu nhìn tủ sách Tuổi mới lớn như một sàn tập, một sân chơi chữ nghĩa, một lò luyện văn chương thì chính tủ sách này tạo được liên hệ khăng khít giữa chiều rộng của những mơ mộng sáng tạo, của hoạt động sáng tác mang tính phong trào và chiều sâu, chiều cao của văn học chuyên nghiệp.
Từ tủ sách này, một đội ngũ những cây viết trẻ đã được hình thành, có thể kể: Nguyễn Ngọc Thuần, Liêm Trinh, Đỗ Thanh Vân, Võ Thu Hương, Nguyễn Thúy Loan, Đỗ Thiền Đăng, La Thị Ánh Hường, Trần Huyền Trang, Đoàn Phương Huyền, Tú Trinh, Huỳnh Tài, Võ Thu Hương, Phương Trinh, Nguyễn Thiên Ngân, Hà Thanh Phúc, Phạm Vũ Ngọc Nga, Nguyễn Thị Yến Linh, Đỗ Tú Cường… Trong những người viết trẻ này, có người đã xuất bản sách khi còn là học sinh trung học như Hà Thanh Phúc, Đỗ Tú Cường, có người đã có sách dịch ra tiếng Thụy Điển, tiếng Anh như Nguyễn Ngọc Thuần.
Nhìn xa hơn vào tương lai, từ khi mang trọng trách Phó giám đốc phụ trách chi nhánh phía Nam NXB Kim Đồng, nhà thơ Cao Xuân Sơn càng tích cực mang “phép màu thơ ca” cùng với sách văn học tới các trường học. Người viết bài này đã được cùng ông giao lưu với sinh viên Đồng Tháp, học sinh Đồng Nai, cùng ông săn lùng tác phẩm và tác giả văn học thiếu nhi trên Đắk Lắk. Với tầm nhìn ấy, khi được mời giao lưu với học sinh trường British Vietnamese International School, Quận 7, TP.HCM, một trường quốc tế giảng dạy bằng tiếng Anh, ông chọn đề tài Sự giàu đẹp của tiếng Việt. Và còn tổ chức tại đây, cuộc thi sáng tác thơ tiếng Việt!
Sáng tác với “phép màu thơ ca”
Cho tới năm 2019, Cao Xuân Sơn đã là tác giả của 17 đầu sách. Ông đưa ra trang bìa tác phẩm thứ 15 của mình - tập thơ Con chuồn chuồn đẹp nhất (giải Bạc, giải thưởng Sách hay năm 2011 của Cục Xuất bản Việt Nam) - quan niệm của mình về văn học thiếu nhi “…tôi thấy, mỗi khi viết xong một bài thơ đắc ý cho thiếu nhi chính là những giây phút mình gần với thánh thần nhất”. Tác giả muốn nói về cả vinh hạnh và gian khó của loại công việc văn chương mình đang theo đuổi, muốn nói tới sự thánh thiện của đối tượng miêu tả và cả sự biến ảo cần có của ngòi bút thể hiện, trong chữ “thánh thần” kia.
Dùng “phép màu thơ ca” như một nguyên tắc sáng tạo mà chính mình đưa ra, Cao Xuân Sơn xâu chuỗi những thủ pháp, những cách thức tu từ truyền thống để thơ mình khi trữ tình bất ngờ bằng một tứ tuyệt có hơi hướng Đường thi mà vẫn rất trẻ con: “Sân trường lặng phắc như tờ/ Vòm cây thấp xuống lá cờ cao lên/ Tưởng như sau tiếng hô “nghiêm”/ Chim trên cành cũng tự nhiên thành hàng”; có khi mỹ lệ, nhịp nhàng như viết lời sẵn cho một ca khúc: “Cơn này thôi, ngủ đi nghe/ Tạnh mưa, tạnh cả chớp lòe sấm ran”; có khi lại sâu sắc, cô đọng như một triết lý, để có thể đứng tên cho cả tập thơ: “Tôi đã từng rình, nấp, mê say/ Nhưng chỉ thấy một con chuồn chuồn đẹp nhất/ Chính là con chuồn chuồn chưa một lần bị bắt/ Con chuồn chuồn… đang bay!”.
Cao Xuân Sơn cũng “đang bay” để nuôi mãi cho tuổi thơ cuộc rình, nấp hồn nhiên kia. Và mới hiểu vì sao đôi cánh bay mỏng tinh tang và trong suốt ấy lại nhận được lời khích lệ chân tình từ bậc “trưởng lão” trong làng thơ thiếu nhi Việt Nam - nhà thơ Định Hải: “Tôi rất đỗi vui mừng được đọc tập thơ mới của Cao Xuân Sơn, vui mừng khiến tôi phải gọi điện ngay vào Sài Gòn chia sẻ với tác giả, dù biết đêm đã khuya rồi. Rõ ràng vẫn còn đó thơ hay cho thiếu nhi…”.
Cao Xuân Sơn không chỉ viết hay cho thiếu nhi. Tập thơ mới nhất của ông - Bấm chân qua tuổi dại khờ (NXB Hội Nhà văn, 2019) là tập ông dành cho những bạn đọc từng trải “mấy chục tuổi đầu” như mình. Và cũng là tập thơ hay. Hay nhất là, dẫu “giật mình chiều muộn” (tr.38-39) nhà thơ vẫn: “Xin đem mấy chục tuổi đầu/ Đặt mua vé vớt chuyến tàu ăn năn/ Ví còn mộng mị gió giăng/ Thề cho kiếp nữa nhọc nhằn với thơ”!
"Mỗi khi viết xong một bài thơ đắc ý cho thiếu nhi chính là những giây phút mình gần với thánh thần nhất” (Quan niệm của nhà thơ Cao Xuân Sơn".
|
(Còn nữa)
Trần Quốc Toàn
loading...