Nhà làm phim Lan Nguyên: 'Làm phim tài liệu ở Việt Nam vừa dễ, vừa khó'
(Thethaovanhoa.vn) - Thời gian qua, khi phim tài liệu "Màu cỏ úa" về nhạc sĩ Trần Tiến hiện diện ở một số rạp chiếu phim trên cả nước, khán giả và người trong giới phim ảnh đã có thêm một cơ sở để kỳ vọng rằng dòng phim tài liệu nước ta đang có cơ hội để chiếu thương mại. Và Việt Nam vừa có thêm một gương mặt phim tài liệu mới, thuộc thế hệ 9X, đó là Lan Nguyên.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với Lan Nguyên nhân buổi trò chuyện về Màu cỏ úa vừa diễn ra tại TP.HCM. Đây là một phim tài liệu về nhạc sĩ Trần Tiến, mất 5 năm để thực hiện.
* Chào Lan Nguyên, động lực thật sự nào giúp một người 25 tuổi theo đuổi nhân vật suốt 5 năm chỉ để có 80 phút phim?
- Đối với mình thì làm phim là một hành trình, mà hành trình nào cũng cần thời gian, để có được 80 phút phim ưng ý không phải dễ, nên đã xác định điều này từ khi bắt tay vào thực hiện bộ phim.
Ở tuổi 25, động lực là để thỏa mãn bản thân trước đã, vì mình đã được gặp người mình hằng ngưỡng mộ, bởi thế mà có rất nhiều khoảnh khắc quan trọng mình đã không kịp ghi lại. Ở tuổi 26, động lực là được bước vào giới làm phim.Tuổi 27, 28 là lúc mình muốn bỏ cuộc nhiều nhất. Và nguồn động lực đến từ những nhân vật khác, những nhân vật cũng vô cùng tầm cỡ mà mình được gặp, động lực đến từ lời động viên của nhạc sĩ Dương Thụ, nghệ sĩ Hồng Ánh.
Lúc này, mình bắt đầu dựng từng chút từng chút một, dựng đến đâu, mình nhìn thấy lại chính mình của những năm về trước: Tự do, nhiều hoài bão, mình tự nghĩ “ồ mình đã quay được những thứ thú vị thế này”, trong khi hiện tại mình đang mắc kẹt ngay chính giữa hàng ngàn suy nghĩ của chính mình. “Phải hoàn thành bộ phim này, nó sẽ cứu sống mình” - đó là động lực lớn nhất của mình.
Tuổi 29, mình hoàn thành được 80% bộ phim, động lực đến từ những người bạn, người thầy, tất cả những người đã bỏ công sức, bỏ tiền ra để giúp đỡ mình, rồi động lực lớn nhất đến từ niềm tin của chính mình.
Và ở tuổi 30, may thay mình đã kịp ra mắt bộ phim này, khi gặp được Silver Moonlight - người giúp mình hoàn thành chặng đường cuối cùng, cùng với suy nghĩ rằng không thể phản bội lại niềm tin của chính mình.
Niềm tin vào nhân vật, niềm tin vào khả năng của bản thân, niềm tin rằng những giá trị âm nhạc vẫn còn tồn tại. Tóm lại, niềm tin chính là động lực lớn nhất.
* Kỷ niệm nào làm Lan Nguyên nhớ nhất với nhạc sĩ Trần Tiến trong 5 năm làm phim về ông?
- Có nhiều kỷ niệm nhỏ bé nhưng mang ý nghĩa to lớn với mình. Nhưng kỷ niệm đáng nhớ nhất chắc là lần đầu tiên được bay ra Quảng Bình cùng chú Tiến, mình còn nhớ mãi khoảnh khắc cả sân bay nhận ra nhạc sĩ, họ nô nức đến chào ông, bắt tay với ông, ai cũng yêu mến ông. Mình và anh quay phim và nhạc sĩ cùng nhau ngồi trong phòng hút thuốc của sân bay, tất cả những người đàn ông ngồi trong đó cùng hát vang: Sao em nỡ vội lấy chồng. Chẳng hề có khoảng cách thế hệ, chúng tôi mải hát đến độ trễ giờ lên máy bay, nhưng tất cả đều được bỏ qua bởi vì đó là… Trần Tiến.
* Còn những khó khăn về mặt nội dung và kỹ thuật đã gặp phải trong quá trình quay và hậu kỳ?
- Về mặt nội dung, một bộ phim tài liệu có được nhân vật hay như thế, tầm cỡ như thế thì không hề dễ thực hiện, làm cách nào để không sa đà, không bị ngợi ca? Làm thế nào phải chân thật, để người ta muốn xem bộ phim này? Có gì trong bộ phim này ngoài một nhân vật đã quá nổi tiếng? Nói chung có rất nhiều câu hỏi cần phải trả lời. Đây cũng là những lý do khiến mình loay hoay rất lâu, cuối cùng mình đã để chính bản thân mình kể chuyện, kể lại cho khán giả biết là tại sao mình làm phim này, tại sao khán giả nên xem bộ phim này.
Về mặt kỹ thuật, khi quay thì phải mượn máy móc thiết bị, mượn được máy nào quay máy đó, nên khi hậu kỳ gặp nhiều vấn đề về mặt hình ảnh và âm thanh, nhưng may mắn là mình đã gặp được những người giỏi cho chuyện này.
* Chân ướt chân ráo làm phim tài liệu với mong muốn đưa phim ra thị trường, đoàn phim có khó khăn khi tìm nhà đầu tư và tài trợ không?
- Mình bắt đầu bộ phim không với mong muốn đưa phim ra thị trường, mà chỉ tìm tài trợ để được hoàn thành bộ phim. Đương nhiên, điều này vô cùng khó khăn, bởi chẳng ai biết mình cả, mình còn không có năng lực gì về chuyện làm phim cả.
- Trần Tiến và tôi
- Nhạc sĩ Trần Tiến: Tùng Dương làm được điều 'Bộ tứ sông Hồng' chưa thể làm
- VIDEO: Nhạc sĩ Trần Tiến hát 'Yesterday' của Beatles cực 'chất'
* Theo chị, làm phim tài liệu ở Việt Nam là dễ hay khó? Công chúng thời gian qua đón nhận “Màu cỏ úa” như thế nào?
- Làm phim tài liệu ở Việt Nam vừa dễ lại vừa khó, bởi nước ta có vô số đề tài hay, nhưng khó khai thác, khai thác sao để không bị nhàm chán, không bị rập khuôn là khó nhất.
Mình vô cùng hạnh phúc khi công chúng đón nhận Màu cỏ úa vô cùng tích cực. Rất nhiều khán giả đã nói với mình rằng bộ phim này khiến họ cảm thấy hạnh phúc và đáng sống, tiếp thêm nguồn động lực cho họ thông qua câu chuyện của nhân vật, của chính bản thân người làm phim, đó là những giá trị to lớn mà mình đã nhận được sau khi bộ phim ra mắt.
* Sau phim này thì chị có dự định nào cho phim tiếp theo không?
- Có một câu nói mà bác thầy người Pháp đã nói với mình: “Tại sao ta lại làm phim, bởi vì có những câu chuyện chỉ có ta mới có thể kể được”. Mình muốn làm phim, để được kể chuyện, giống như chú Trần Tiến đã kể những câu chuyện bằng âm nhạc. Phim tài liệu hoặc phim điện ảnh đối với mình không quá khác nhau, mình mong muốn được dung hòa 2 thể loại đó với nhau: Điện ảnh cần “đời” và cần “thật” hơn, còn tài liệu thì cần “sống” và cần tiếp cận với số đông.
* Cảm ơn Lan Nguyên về cuộc trò chuyện này.
Từ kiến trúc đến phim tài liệu Lan Nguyên sinh năm 1990, tên đầy đủ là Nguyễn Thúy Lan. Sau khi tốt nghiệp á khoa tại Đại học Kiến trúc TP.HCM, Lan Nguyên lại quyết định chuyển hướng để thành phóng viên - biên tập viên truyền hình. Đã tham gia làm nhiều phóng sự, phim tài liệu trên khắp Việt Nam. Trong 5 năm làm Mùa cỏ úa, Lan Nguyên vẫn làm công việc của một biên tập viên. |
Văn Đồng (thực hiện)