Nghịch lý của cao ốc
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần qua, vấn đề quy hoạch và quản lý sử dụng đất tại đô thị đã được đặt ra trong các buổi thảo luận tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Song song với kỳ họp, câu chuyện về cao ốc lại nóng lên trên mặt báo.
“Bức tử”, “ngộp thở”, “ken dày”, “nhồi nhét”, “mọc lên như nấm” “bóp nghẹt giao thông”... – đó là những cụm từ đang được báo giới sử dụng khi nói về sự xuất hiện tràn lan của các tòa nhà chọc trời tại đô thị.
Từ một biểu tượng cho sự phát triển của đô thị hiện đại, tại sao những tòa cao ốc lại được gắn kèm với những từ ngữ không hề thiện cảm ấy?
Rất đơn giản, dù ở Hà Nội, Nha Trang, Đà Nẵng hay TP HCM những tòa cao ốc bị “điểm danh” đều gặp nhau ở một mẫu số chung: nằm ken dày trên những trục đường đô thị quan trọng – tới mức có người gọi đó là những bức tường thành bằng bê tông khổng lồ.
Đơn cử, như thống kê trên mặt báo, tại TP HCM, trục đường Nguyễn Hữu Thọ với chiều dài gần 4km đang oằn mình gánh trên nó gần 40 khu chung cư lớn nhỏ. Tương tự, dài gần 3 km, đường Nguyễn Hữu Cảnh cũng xuất hiện tới 6 khu phức hợp bao gồm bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại và hơn 17.000 căn hộ chung cư. Tại Hà Nội, đường Tố Hữu dài 2, 7 km được nhồi nhét tới gần 40 cao ốc có chiều cao từ 25 – 40 tầng. Hoặc, đặc biệt gây chú ý, trục đường Nguyễn Tuân có chiều dài vẻn vẹn 1 km, rộng 7 mét, nhưng lại cõng theo nó gần 20 cao ốc.
Chưa nói tới câu chuyện về thẩm mỹ hay hiệu ứng khí thải, những tòa nhà san sát ấy vẫn được xem là lý do trực tiếp dẫn tới nạn ùn tắc giao thông – khi dần theo thời gian, các trục đường gắn với chúng ngày càng phải gánh thêm một lượng người khổng lồ.
Thực tế, không cần kể tới những con đường cũ chưa được mở rộng như phố Nguyễn Tuân, các trục đường Tố Hữu (Hà Nội) hay Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Hữu Thọ ( TP.HCM) đã từng là những trục giao thông rộng rãi và thoáng đãng của thành phố - cho tới khi những cao ốc đua nhau xuất hiện và biến chúng thành nỗi ám ảnh với người dân thành phố về nạn tắc đường.
***
Cao ốc về bản chất không có lỗi. Loại công trình ấy là xu thế - và cũng là giải pháp – tất yếu của các đô thị hiện đại, khi muốn phát triển mật độ cư dân theo chiều cao, thay vì “phủ kín” mặt đất như nhà ống truyền thống. Trên lý thuyết, với cách phát triển ấy, phần diện tích “tiết kiệm” trên mặt đất sẽ được sử dụng phần lớn vào cho chức năng giao thông, cây xanh, tiện ích công cộng...
Và thực tế, trong rất nhiều cuộc tọa đàm, các chuyên gia cũng đã nhiều lần chỉ rõ vấn đề này. Như các so sánh được đưa ra, trên lô đất 1 ha, nếu một căn nhà ống có diện tích trung bình 80m2 thì người ta có thể xây được khoảng 100 căn nhà (phần còn lại dành cho giao thông). Thế nhưng, số nhà ấy có thể “gom” hết vào một chung cư 25 tầng với diện tích mỗi căn hộ là 200 m/2 mà chỉ chiếm 10% của lô đất này, phần còn lại có thể dùng làm đường giao thông, vườn hoa, bãi đỗ xe và các tiện ích khác...
Có nghĩa, câu chuyện nằm ở vấn đề quy hoạch: thay vì kiểm soát mật độ dân số trong một không gian cố định, chúng ta lại thoải mái cho phép “nhồi nhét” quá nhiều cao ốc vào một khu vực đất trống – để rồi phải chạy theo bài toán khó khi hạ tầng quá tải và không còn đảm bảo.
Bây giờ, khi nhiều trục đường vốn rộng rãi bỗng trở nên kẹt cứng vào giờ tan tầm, dường như vấn đề lập quy hoạch (và cả giám sát để không phá vỡ quy hoạch vốn có) đã trở nên vô cùng bức thiết với mỗi đô thị.
Đành hi vọng, chúng ta sẽ không lặp lại những sai lầm đã có, để cao ốc – một biểu tượng của đô thị hiện đại – không trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người đi đường.
Sơn Tùng