Ngày Môi trường Thế giới và câu chuyện túi nilon
(Thethaovanhoa.vn) - 80 năm trước, ngày 27/10/1938, nilon lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới với những sản phẩm của công ty Mỹ DuPont (Mỹ). Phần còn lại trong lịch sử của nó, chúng ta đều biết: nilon đã làm thay đổi cả cuộc sống của con người, với những ưu điểm đặc biệt của mình.
- Ông tây dọn rác James Joseph Kendall: Muốn Hà Nội sạch đẹp, hãy 'khai tử' túi nilon
- Tổ chức thành công Ngày không túi nilon – The Nature Day
Để rồi, ngày hôm nay 5/6 – ngày Môi trường Thế giới -loại vật liệu ấy lại trở thành...nhân vật chính, khi thông điệp "Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon" đang lan rộng.
Có nghĩa, như rất nhiều sản phẩm công nghiệp khác, nilon cũng đang dần đi hết một vòng hành trình của nó. Ở vòng hành trình kế tiếp, độ "phủ sóng" của loại vật liệu ấy được mong đợi sẽ giảm đi một phần đáng kể, vì lý do bảo vệ môi trường.
Ở Việt Nam, chưa ai xác định được thời điểm nilon bắt đầu xuất hiện. Nhưng chắc chắn, với những đặc thù về kinh tế của mình, có những giai đoạn chúng ta ít sử dụng loại vật liệu này.
Như ghi chép của cố nhà văn Tô Hoài, khoảng vài mươi năm trước "ai có áo ni lông màu vẽ hoa lá - phải là được người ở nước ngoài về cho hay được biếu. Thật ra, trong khi ấy ở các nước người ta thì cái ni lông đã xuống dốc rồi, người nghèo kiết mới mặc áo quần ni lông."
Để rồi, khi mở cửa thị trường, nilon phát triển ở Việt Nam với tốc độ "tên lửa". Và, chúng ta "đến sau", nhưng lại vượt trội hơn rất nhiều quốc gia khác về khả năng sử dụng nilon – để rồi, theo thống kê vào năm ngoái của Hiệp hội Bảo tồn Đại dương Quốc tế, Việt Nam nằm trong top 5 Thế giới về... thải rác nhựa xuống biển.
Vì sao nilon có thể phát triển mạnh ở Việt Nam như vậy? Câu trả lời đơn giản: nó quá tiện.
Thử nhìn vào những chiếc túi mỏng, "đại diện" phổ biến nhất của nilon. Chỉ với tính năng đựng đồ, loại túi ấy gần như thay thế tuyệt đối mọi thứ rổ rá, thúng mủng, túi đay, túi cói... Đến mức, có người đã thống kê rằng một suất cơm trưa bây giờ có thể sử dụng 10 túi nilon một lúc: túi đựng nước chấm, túi đựng cơm, túi đựng canh và cả...túi đựng mấy chiếc tăm để dùng cuối cùng.
Mỏng, nhẽo, dùng một lần là rách, vậy nhưng những chiếc túi ấy lại làm được tất cả - cho dù chỉ là tạm bợ.
Bởi thế, vẫn nhà văn Tô Hoài, phải than thở rằng nhìn những bà nội trợ bây giờ khác hẳn ngày xưa. Họ ra khỏi chợ, "với hàng chục bịch nilon tua tủa bên sườn, không ung dung như cắp cái rổ, xách cái làn đi chợ. Cũng lâu lâu rồi đấy mà vẫn nhếch nhác như người đi xe đạp, xe máy bịt cái khăn tay kín miệng..."
"Lâu lâu" bén rễ trong đời sống, nhưng lại không thể thay đổi cách sử dụng tạm bợ ấy. Bởi, tất cả mọi người đều được lợi vì túi nilon.
Tất nhiên, chỉ có môi trường là chịu thiệt. Bởi như các phân tích, tuổi thọ của nilon có thể kéo dài đến 500 năm, chứ không ngắn như các vật dụng truyền thống bằng gỗ, đất nung, giấy... mà nó đang thay thế.
***
Nhìn lại, câu chuyện của túi nilon cũng có gì đó giống với sự tồn tại của chợ cóc và xe máy trong đời sống. Cũng ưu tiên tuyệt đối cho sự tiện lợi, cho tâm lý "dã chiến", tạm bợ để giải quyết nhu cầu cá nhân của mỗi người.
Đã có rất nhiều giải pháp hạn chế túi nilon được nhắc tới – và từng bước được triển khai. Vắn tắt, đó là việc tăng thuế bảo vệ môi trường với nilon, là việc sử dụng các vật liệu thay thế (vật liệu truyền thống hoặc các loại nilon tự phân hủy) hay chí ít là tăng "vòng đời" sử dụng nilon để hạn chế xả rác ra môi trường. Một số khu du lịch cũng bắt đầu nói không với loại vật liệu này.
Nhưng, cũng giống như chuyện của chợ cóc và xe máy, việc hạn chế túi nilon chỉ có thể hiệu quả với một xuất phát điểm:chúng ta cùng chấp nhận thay đổi những thói quen tìm kiếm sự tiện lợi cho mình – thói quen mua bán vặt, leo lên xe máy để phóng tới bất cứ đâu và thoải mái dùng/vứt túi nilon.
Hãy động viên nhau rằng dăm trăm năm nữa, hy vọng con cháu chúng ta không phải than thở với đống rác nilon được để lại từ... tổ tiên mình.
Anh Bảo