Liên hoan kịch: cơ hội để học nhau?
(Thethaovanhoa.vn) - Đã 9 năm (kể từ 2009) Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc mới trở lại TP.HCM - nơi đang là thủ phủ của kịch tư nhân và xã hội hóa. Năm nay có 13/22 đơn vị ngoài công lập tham gia.
Nghe phần nhiều các trưởng đoàn, các bầu sô chia sẻ thì họ đến với liên hoan chủ yếu để học hỏi, giao lưu với nhau. Nếu thật vậy, thì rất đáng mừng.
Đầu tiên, các đoàn kịch tư nhân và xã hội hóa có cơ hội để học về tính chính luận, tính tư tưởng của các đoàn kịch công lập. Bởi dù muốn dù không, kịch vẫn là một tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó tính chính luận, tính tư tưởng rất quan trọng. Nhiều vở kịch của tư nhân và xã hội hóa vắng bóng điều này, nên tuy nói là tác phẩm nghệ thuật, nhưng thật ra chỉ là tác phẩm giải trí, xem xong là xong, chẳng đọng lại điều gì.
Kế đến, các đoàn kịch công lập cũng có cơ hội học hỏi tính giải trí và sự câu khách của các đoàn tư nhân và xã hội hóa. Sân khấu từ cổ chỉ kim chủ đạo vẫn thiên về nghệ thuật giải trí, nên rất cần khán giả, dù ít dù nhiều cho mỗi thể loại.
Các sân khấu tư nhân và xã hội hóa họ sống nhờ vào khán giả, nên luôn đau đáu tìm khán giả mới, giữ chân khán giả cũ. Nếu các đoàn kịch công lập có thêm điều này thì tuyệt vời biết bao nhiêu. Nhiều vở công lập bỏ công mấy tháng dàn dựng, diễn vài suất rồi xếp xó, rất uổng công và lãng phí. Dù được bao cấp, nhưng tự thân mỗi nghệ sĩ đều muốn đến gần hơn khán giả của mình, ở lâu hơn bên họ.
Một vở diễn hoặc một tác phẩm thành công thì phải có được 3 điều căn bản, đó là “danh, lợi, tình”. Vở đó phải “sống đủ lâu” để tạo nên sự chú ý và nhận về danh tiếng. Mà trong nghệ thuật, khi đã có danh tiếng tốt thì lợi nhuận sẽ nhiều và nhận được tình cảm từ đông đảo khán giả. Trên thế giới và Việt Nam vẫn có một vài vở chỉ diễn vài suất là tạo được danh tiếng, nhưng rất hy hữu, còn đa số phải sáng đèn đủ lâu thì ánh sáng ấy mới lan tỏa ra xa.
Một khía cạnh khác để học hỏi nữa, đó là cách thức dàn dựng giữa các thế hệ đạo diễn. Thế nhưng với Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc 2018 thì đạo diễn gạo cội vẫn chiếm đa số.
Những tên tuổi kỳ cựu như NSND Lê Hùng, NSƯT Trần Minh Ngọc, NSND Lê Khanh, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Hồng Vân, NSND Trần Nhượng, NSND Anh Tú, NSND Hoàng Tiến Dũng, NSƯT Trịnh Kim Chi, Thanh Thủy, Tấn Hoàng… đã dựng hơn một nửa của 27 vở diễn. Một mình NSND Lê Hùng đã đạo diễn đến 5 vở, đó là Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nhà hát Kịch Hà Nội), Thiên đường (Đoàn Kịch nói Hải Phòng), Gặp lại người đã chết (Nhà hát Kịch Công an nhân dân), Sóng muôn đời thao thức (Nhà hát Kịch Quân đội), Tình đồng đội (Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn). Giới đạo diễn trẻ bị lép vế về số lượng, các vở của họ thường là kịch giải trí đơn thuần, cũng khó mà thu hút các đạo diễn tiền bối đến xem.
Nhưng khi tham gia liên hoan này, họ có xem nhau hay không, họ có học hỏi nhau thật sự hay không, lại là chuyện khác. Cho nên, có khi trong những kỳ liên hoan tiếp theo, rất cần thêm những bàn tròn, hội thảo trao đổi chuyên môn, làm sao để kịch công lập đến gần hơn khán giả, còn kịch tư nhân và xã hội hóa thì có thêm tính học thuật, tính tư tưởng.
Hơn nữa, xã hội hóa và tư nhân hóa đang là xu thế, nếu các đoàn kịch công lập muốn tiếp tục hoạt động, tạo được danh tiếng và tăng thu nhập, việc làm sao để có được khán giả ổn định, thường xuyên cũng là nhiệm vụ tiên quyết.
Văn Bảy