Lịch sử Văn hoá lễ hội làng quê Kinh Bắc xưa: Nét đặc trưng hấp dẫn của Bắc Giang
Bản sắc của văn hoá làng quê Kinh Bắc được đặt ra trong tiến trình xây dựng trên tất cả bình diện: văn hoá xã hội, văn hoá tư tưởng, văn hoá nghệ thuật, văn hoá tâm linh... của Bắc Giang.
Làng quê Kinh Bắc xưa, Bắc Giang nay là vùng đất tụ cư của nhiều dân tộc cùng chung sống. Vùng quê này ở vào một địa thế thuận lợi, nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, được bồi đắp phù sa bởi các con sông lớn như Sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, có các vùng núi cao với nhiều lâm sản quý, lại có một vùng trung du rộng lớn thuận lợi cho việc phát triển cây công nghiệp.
Cư dân sinh sống ở đây bằng nghề nông là chính. Họ đã hình thành nên các làng, bản với kiểu thức kinh tế và kiểu thức văn hoá riêng. Từ cách trồng trọt, chăn nuôi, từ nếp ăn, nếp ở, trang phục, phong tục, tập quán...cho đến cách nghĩ, cách làm và lối sống đã tạo nên truyền thống và đặc trưng văn hoá làng xã Bắc Giang.
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, truyền thống ấy của Bắc Giang vẫn được giữ gìn và phát huy như làng Vân Xuyên (Hoàng Vân - Hiệp Hoà ), vì cả làng theo cách mạng mà còn gọi là làng Đỏ; làng Sặt (Liên Sơn- Tân Yên ) là làng kháng chiến; lại có làng thủ công như làng gốm Thổ Hà; làng rưọu VânHà(Việt Yên); làng bún Đa Mai (thành phố Bắc Giang); làng mây tre đan Phúc Long, Phúc Tằng(Tăng Tiến - Việt Yên); làng rèn sắt Đức Thắng (Hiệp Hoà); làng quan họ Thổ Hà (Vân Hà - Việt Yên); làng tuồng Tân Dĩnh (Lạng Giang); làng chèo Đồng Quan (Đồng Sơn – Yên Dũng); làng Then (Thái Đào - Lạng Giang)...
Lại còn có cả làng võ, làng vật ở Yên Thế, Hiệp Hoà, làng thợ ở Yên Dũng. Và đặc trưng hơn là các bản dân tộc ít người như bản Dao ở Đồng Làng ( Sơn Động ), bản Sán Chí ở Kiên Lao (Lục Ngạn ), bản Cao Lan ở Nghè Mản (Lục Sơn - Lục Nam )....Các dân tộc anh em sinh sống trên những bản làng này đã tạo nên bản sắc văn hoá riêng rất đa dạng và phong phú.
Biểu tượng nghìn đời của làng quê cổ là luỹ tre làng với ngôi chùa, ngôi đình và các đền, miếu, văn chỉ. Đó chính là những thiết chế gắn liền với tín ngưỡng thờ thành hoàng là cơ sở tạo nên truyền thống, phong tục, tập quán, lễ hội, đình đám và nội dung văn hoá của làng. Bắc Giang có nhiều ngôi đình không những mang giá trị lịch sử, văn hoá tiêu biểu mà còn trở thành biểu trưng văn hoá của làng xã Việt Nam như đình Lỗ Hạnh (Đồng Lỗ - Hiệp Hoà ), xây năm 1576; đình Thổ Hà (Vân Hà - Việt Yên ) xây dựng năm 1686; đình Phù Lão (Đào Mỹ - Lạng Giang) xây dựng thế kỷ XVII; đình Hả ( Tân Trung – Tân Yên); đình Đông (Bích Động - Việt Yên); đình Dĩnh Thép ( xã Tam Hiệp - Yên Thế) ).
Không chỉ có đình mà nhiều ngôi chùa ở bắc Giang cũng đã được ghi nhận trong lịch sử Phật giáo Việt Nam như: chùa Đức La (hay còn gọi là chùa Vĩnh Nghiêm, ở xã Trí Yên – Yên Dũng); chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn - Việt Yên); chùa Kem (xã Nham Sơn – Yên Dũng)...Ngoài những đình, chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá, hầu hết các làng ở Bắc Giang đều có đình là nơi thờ cúng thành hoàng làng.
Hội làng đã trở thành đặc trưng riêng của mỗi làng và được tổ chức ở hầu hết các làng xã. Hội làng tồn tại hàng nghìn năm với các nghi lễ, nội dung, hình thức riêng song mục đích chính của lễ hội đều nhằm giúp cho sự thống nhất, đoàn kết trong cộng đồng làng xã, giáo dục truyền thống văn hoá, lịch sử, truyền thống chống ngoại xâm, truyền thống hiếu học, phát triển ngành nghề.
- Lễ đón nhận Bằng ghi danh Thực hành Then là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
- Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh nâng tầm giá trị văn hóa Việt Nam
- Đà Nẵng tăng cường đầu tư các công trình văn hóa trọng điểm
Do những biến cố lịch sử từng giai đoạn, sự thay đổi chuyển biến của xã hội từng thời kỳ cùng với thời gian và tác động của thiên nhiên mà làng xã và lễ hội cũng có chung số phận thăng trầm. Thiết chế văn hoá làng bị phá vỡ, nội dung văn hoá làng cũng bị phôi pha, mờ nhạt. Nhiều ngôi đình, ngôi chùa, cây đa, bến nước...vốn là biểu tượng văn hoá của dân tộc cũng mất đi vẻ uy nghiêm, nhiều di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh bị cảnh xâm lấn mà trở thành hoang phế, nhiều lễ hội chỉ còn trong ký ức của người dân.
Từ cuối những năm tám mươi, cùng với đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, ở Hà Bắc cũ, ngành Văn hoá - Thông tin chủ trương triển khai xây dựng làng văn hoá và quy ước làng. Đầu năm 1990, Bộ Văn hoá - Thông tin mở cuộc hội thảo về làng văn hoá đặt tại Hà Bắc. Sau hội thảo và thực tiễn hơn 10 năm Trung ương phát động xây dựng làng văn hoá trên toàn quốc đã khẳng định sự tồn tại của làng và sức sống của làng văn hoá trong thời đại mới.
Những nội dung của văn hoá làng được đặt ra trong tiến trình xây dựng trên tất cả bình diện: văn hoá xã hội, văn hoá tư tưởng, văn hoá nghệ thuật, văn hoá tâm linh. Ở từng bình diện, nhiều biểu tượng và nét đẹp văn hoá đã trở thành biểu trưng mang giá trị truyền thống như: luỹ tre làng, cây đa, bến nước, sân đình, lời ru, tiếng trống chèo, lời ca quan họ, điệu hát then... được phục hồi.
Những di tích lịch sử, văn hoá, những danh lam thắng cảnh không những được Nhà nước quan tâm, mà nhân dân còn phấn khởi đầu tư công sức, tiền của giữ gìn tu bổ. Những di tích khảo cổ, văn bia, thần tích, thần phả, những câu chuyện dân gian, truyền thuyết, những phương ngôn, ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ, và biết bao hương ước cũ đã được sưu tầm, khai thác và gìn giữ.
Thảo Nhi