Kiến nghị đệ trình UNESCO công nhận Văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Chiều ngày 23/3, trong khuôn khổ các hoạt động hưởng ứng Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn Đà Nẵng 2019, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã tổ chức toạ đàm Thư tịch cổ và Văn khắc Hán Nôm. Đây là sinh hoạt học thuật đầu tiên được tổ chức sau khi Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.
Toạ đàm “Thư tịch cổ và Văn khắc Hán Nôm” do Sở Văn hoá - Thể thao Đà Nẵng, UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp với Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán tổ chức đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các nhà khoa học đến từ Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng.
Toạ đàm đã nhận được nhiều tham luận bàn về sự xuất hiện của Thư tịch cổ và Văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn gồm tham luận Tổng quan Di sản Văn hoá Phật giáo Ngũ Hành Sơn của Đại đức Thích Không Nhiên đến từ Tập san Liễu Quán; tham luận Ngũ Hành Sơn qua ghi chép của Châu bản triều Nguyễn - Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng đến từ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế; tham luận Danh tăng núi Ngũ Hành của Đại đức Thích Như Tịnh đến từ chùa Viên Giác Hội An; Nhà Nghiên cứu Phan Đăng đến từ Trung tâm Văn hoá Phật giáo Liễu Quán với tham luận Ngũ Hành Sơn lục - Một tư liệu quý về Phật giáo Ngũ Hành Sơn...
Các tham luận bàn về nhiều chủ đề xoay quanh di sản văn hoá Phật giáo Ngũ Hành Sơn, danh lam cổ tự, pháp tượng pháp khí, thư tịch cổ, bia ký Phật giáo và hệ thống bia Ngũ Hành Sơn, giới thiệu về nội dung thư tịch cổ “Ngũ Hành Sơn Lục”, “Ngự chế thi” của hoàng đế Minh Mạng, hệ thống hoành phi/ đối liễn/ kim bài tại các chùa trên ngọn Thuỷ Sơn.
Thông qua các nghiên cứu về di sản văn hoá phật giáo Ngũ Hành Sơn nói chung và Thư tịch cổ và Văn khắc Hán Nôm nói riêng, toạ đàm được tổ chức nhằm nhận diện, đánh giá một cách hệ thống và khoa học về hệ thống di sản văn hóa tư liệu tại danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn, phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Đồng thời, tiến đến việc đề nghị Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam xem xét đưa vào “Danh mục ký ức quốc gia” và đệ trình UNESCO công nhận di sản văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới.
Trước đó, tháng 1/2019 UBND thành phố Đà Nẵng đã tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Di tích nằm ở phía Đông Nam thành phố Đà Nẵng, trải dài trên diện tích 2km2, gồm 6 ngọn núi đá vôi Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Thổ Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn. Các ngọn núi tuy có khác nhau về kích thước, nhưng nhìn từ xa hình dáng khá giống nhau, đặc biệt, mỗi ngọn núi có một màu đá riêng biệt. Di tích được xếp hạng di tích quốc gia năm 1980.
Trước khi có tên núi Ngũ Hành Sơn, nơi này mang hàng loạt danh xưng như núi Ngũ Chỉ Sơn, Ngũ Uẩn Sơn, Tam Thai, Non Nước...
Tại đây, có nhiều hang động đẹp như: Động Huyền Không, động Huyền Vi, động Vân Thông, động Tàng Chơn, động Quan Âm; những ngôi chùa cổ kính như chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng...
Di tích cũng chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa vô cùng quý giá. Lưu giữ nhiều văn bia và hiện vật văn hóa Phật giáo như: Văn bia Phổ Đà Sơn linh trung Phật (Phật trong hang thiêng núi Phổ Đà) ở động Hoa Nghiêm được khắc trực tiếp trên vách đá vào năm Canh Thìn (1640), do Thiền sư Huệ Đạo Minh trụ trì chùa Phổ Đà biên soạn...
- Danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt
- Gò Đống Đa, Ngũ Hành Sơn trở thành di tích quốc gia đặc biệt
Danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách nhất trên bản đồ du lịch của thành phố Đà Nẵng.
Hoàng Yến