Kịch 'Chuyện tình nữ phạm nhân': Một thể nghiệm đáng khen
(Thethaovanhoa.vn) - Kịch 5B (TP.HCM) vừa ra mắt vở Chuyện tình nữ phạm nhân (kịch bản: Trần Tuấn, đạo diễn: NSƯT Trần Minh Ngọc) với phong cách thể nghiệm, trong tình hình sân khấu đang khó khăn, rất may, vẫn có sức được thu hút.
Câu chuyện gần như gói gọn trên một chuyến xe chở phạm nhân buôn bán ma túy, với 4 nhân vật, nơi đó nữ nghi phạm mặt đối mặt với đội phó hình sự, người từng sống với mình như vợ chồng, có với nhau một đứa con 4 tuổi.
Nóng hổi tính thời sự
Câu chuyện rất thời sự, khi báo chí vừa đưa tin đã bắt được nhiều vụ buôn bán ma túy. Kịch bản này đã được dàn dựng hơn 10 năm trước, giờ tái dựng vẫn không lạc hậu. Ma túy chưa bao giờ ngưng lại, thậm chí còn nhiều hơn. Và cuộc đấu tranh với nó còn gay go hơn trước.
Sự tha hóa đã trở nên “quen thuộc”, người ta không còn nhận ra mình sai nữa, không còn xấu hổ, che giấu nữa. Họ thản nhiên phô bày như đó là “thành công” trong sự nghiệp, đó là thước đo, là tiêu chuẩn để người sau nhìn theo người trước mà đua. Chuyện anh công an địa phương xã đeo đồng hồ xịn, hút thuốc xịn, nhà cửa xe cộ khang trang… cũng là “bình thường”. Rồi sẽ phấn đấu cho giàu có hơn như những người khác.
Đối phó với anh em của mình càng khó hơn với bọn buôn ma tuý. Bởi người chiến sĩ không thể lường được sự phản trắc và nguy hiểm. Anh công an tên Đào, đội phó đội trọng án, phải hy sinh. Cuộc đời vẫn thế, trong đen tối vẫn có ánh sáng. Đào ra đi, nhưng niềm tin anh để lại, cho người ta còn tin vào công lý. Trong cuộc chiến chống ma tuý, bao người chiến sĩ đã lặng thầm hy sinh như thế.
Và trong bãi lầy của ma túy, đôi khi có những ngang trái khiến người ta phải đau lòng, chứ không đơn giản chỉ là ghét bỏ, trừng phạt. Phương, cô phạm nhân bị còng tay áp giải trên chuyến xe, đã ngổ ngáo, ngang bướng, bất cần. Nhưng cô đã lột dần lớp vỏ bên ngoài, để lộ một tuổi thơ bất hạnh, mồ côi, bơ vơ giữa dòng đời, phải hấp thu cái xấu.
Thực tế đã có bao nhiêu đứa trẻ thiếu mái ấm, thiếu tình thương như thế, bị xô vào tội lỗi một cách tự nhiên. Chợt chạnh lòng nghĩ đến những người làm cha làm mẹ vô tâm. Và Phương còn một điểm sáng nữa là tình yêu. Dù trong ma trận của nàng tiên nâu, Phương vẫn thủy chung chờ đợi một bóng hình, để rồi gặp lại nhau trong hoàn cảnh nghẹn ngào.
NSƯT Mỹ Uyên dư sức thể hiện những tâm lý phức tạp ấy, khi đáng ghét, lúc đáng thương, với một vẻ đẹp gai góc quyến rũ. Trung Dũng và Hoàng Ngọc Sơn với dáng cao to, nét đẹp đầy nam tính, cũng vào vai hai người công an rất giỏi. Đạo diễn Chánh Trực vốn có duyên hài, đóng vai ông công an già dễ thương, tạo chút tiếng cười, nét chấm phá cho vở kịch.
Dồn nén và đơn sắc
Khán giả không ngại mưa to mà mua vé đi xem, vỗ tay liên tiếp. Mà thật ra không phải dễ xem. Bởi không có sắc màu. Các nhân vật chỉ mặc trang phục đen trắng, xám, bối cảnh là đường rừng ban đêm, chung quanh đen mịt, thực sự không đủ sức hấp dẫn theo thường tình. Một, hai cảnh vũ trường nhảy múa lung linh cũng không gánh nổi gần hai tiếng đồng hồ đen tối đó.
Và tất cả thiết kế sân khấu, đạo cụ biểu diễn chỉ dồn vào chiếc xe tải cũ kỹ dành để chở người tù cùng mấy anh công an. Chiếc xe tải cũng màu đen, buồn bã. Tất cả toát lên sự u ám, mờ mịt của số phận, đồng thời là sự ám ảnh xã hội khi ma túy đang gieo rắc cái chết, gieo rắc sự tàn tạ lên từng con người, xóa sổ tình yêu.
Ma túy cũng màu đen như thế, nó phủ trùm lên con đường ta đi, như con đường rừng đêm kia, không ánh sáng, chiếc xe chỉ chực chờ lao xuống vực. Ngôn ngữ, màu sắc đã đủ tả cái nội hàm khốc liệt.
Thời gian cũng ngưng đọng rất ngắn, chỉ trong một đêm thôi. Một đêm mà lộ rõ từng con người, từng số phận. Không gian và thời gian đều dồn nén. Chiếc xe tù chật hẹp bỗng như mở toang để người ta thấy hết quá khứ, nỗi đau, sự kinh khủng, tệ nạn, thấy cả một xã hội rộng lớn đang dung chứa những gì.
Thế mới hay. Nhân vật xoay sở trong lòng xe với những bức bối cơ thể, lẫn bức bối tâm lý, nhưng có lúc lại thả lỏng cho lời tâm sự thủ thỉ, như ông cảnh sát già kể chuyện gia đình hạnh phúc cho cô nữ tù nghe, giống một lời cổ tích mà tuổi thơ của cô từng ao ước.
Một chiếc xe thôi, đã biểu hiện cho chiếc xe đời mà mỗi người đã bước lên. Chiếc xe đời ấy mang người ta đi đến nơi nào tùy theo chí nguyện và hành động của mình. Cô gái bán ma túy thì phải đi đến trại giam. Anh công an biến chất thì chết trong sự nguyền rủa. Còn anh công an chân chính thì quyết bảo vệ lẽ phải nên hy sinh trong sự thương tiếc.
Sân khấu thể nghiệm với sự tối giản như thế nên đòi hỏi người nghệ sĩ phải đủ sức cuốn khán giả theo mình bằng sức diễn nội lực. Đặc biệt, hầu như lời thoại rất nhiều, nên dễ khiến người xem mệt mỏi và lơ đãng khi dõi theo quá lâu. Chính vì vậy mà phải giỏi kỹ thuật nhấn nhá. Nghệ sĩ của Kịch 5B đã đủ sức để vượt qua.
Hoàng Kim