A+ A A- Kiểu đọc sách

'Khảo cổ' để giữ hương hỏa cho ca trù

11:15 21/11/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tự trào, Bùi Trọng Hiền gọi những gì vừa làm là cuộc khảo cổ cho ca trù. Khảo cổ, bởi những thứ  ấy gần như chỉ còn là chút "hương hỏa" vớt vát từ quá khứ thẳm sâu, nhưng vẫn đủ để hình dung về những gì mà nghệ thuật ca trù từng có...

1. Tuần trước, tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam nhà nghiên cứu này đã có buổi báo cáo về cuộc phục dựng hình thức hát cửa đình lần thứ 2 của mình. 2 năm trước nữa , anh cũng  đứng ra tổ chức một cuộc phục dựng hát cửa đình - hình thức cổ xưa nhất của ca trù - tại đình Hàng Kênh (Hải Phòng).

Ít người biết, trước khi các đào kép bước ra đô thị để mở quán hát, nhà hát vào cuối thế kỷ XIX, ca trú đã tồn tại suốt nhiều thế kỷ ở làng quê với hình thức hát cửa đình trong các dịp tế thánh. Để rồi, khi dòng chảy ca trù đứt đoạn vào giữa thế kỷ XX, hình thức hát cửa đình với hàng loạt quy ước, trình thức, lề luật đặc thù (gồm cả múa, diễn xướng nghệ thuật) cũng chấm dứt sự tồn tại của mình.

Mất "gốc", những gì còn giữ được ở loại hình di sản này chỉ là kiểu ca trù "đô thị" mà người ta vẫn biết tới hiện nay. Cho dù bây giờ, cả loại ca trù" đô thị" ấy cũng đang thoi thóp dần.

Chú thích ảnh
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (phải) trong một đợt làm việc cùng cố nghệ nhân ca trù Nguyễn Thị Chúc

Từ 2014 , hoàn toàn với tư cách cá nhân, Bùi Trọng Hiền gắng mày mò tìm lại nghi thức hát cửa đình ấy. Đơn giản, anh bảo mình "tiếc của", xót ruột với hương hỏa của cha ông thì cố sống cố chết mà làm.

 Tư liệu ghi chép về hát cửa đình chỉ có vài dòng, những gì anh dựng lại chủ yếu dựa vào ký ức của cụ Nguyễn Phú Đẹ. Tuổi ngoài 90, cụ gần như là nghệ nhân cuối cùng còn biết tới hát cửa đình. Rồi, từ những mảnh ký ức ấy, đầu năm 2015, lần đầu tiên sau hơn nửa thế kỷ, hát cửa đình được tái sinh trở lại.

Còn bây giờ, lần phục dựng thứ 2 này được anh triển khai theo một dự án thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam – nơi Hiền công tác.Bên cạnh vốn bài bản học từ nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ, trong nhiều tháng, anh còn phục chế các băng ghi âm tư liệu từ giáo phường của dòng họ Đinh nổi tiếng tại Vĩnh Phúc.

Hiền, như lời kể, hì hục "chiến đấu" với 10 cuộn băng cassette cũ nát, mốc trắng. Mốc tới mức,  với từng cuộn, anh chỉ còn cách cách tãi băng, rón rén lau  từng đoạn một rồi đưa vào máy. Được bản nào, ký âm phân tích xong, anh lại xuống Hải Dương nhờ cụ Đẹ thẩm định. Như một định mệnh, đầu năm 2016, khi Hiền đã có được nghiên cứu cơ bản thì nghệ nhân Nguyễn Phú Đẹ bị tai biến và không thể khai thác gì được nữa.

2. Buổi báo cáo, Bùi Trọng Hiền hào hứng thuyết trình về những thể cách độc đáo lần đầu được phục dựng sau hàng chục năm "ngủ yên" của hát cửa đình. Đó là những thể cách giáo nhạc - hát giai - giáo hương, là thét nhạc, là hát bỏ bộ, là phú Kiều... Kèm theo mỗi thể cách ấy là những câu chuyện độc đáo về nghi thức hát cửa đình trong quá khứ.

Chẳng hạn, hát cửa đình, theo lời anh, để "tế thánh" nên thường diễn ra ở đình vào buổi đêm. Người xem, ngoài các chức dịch trong làng, chỉ có các "quan viên" đại diện cho từng gia đình - chứ gần như không có chị em phụ nữ. Sau giáo nhạc - hát giai - giáo hương, đào nương vừa hát vừa dâng hương lên thành hoàng. Rồi, khi thét nhạc xong, đào nương mới được ngừng hát đứng để ngồi xuống. Rồi, lúc gần sáng, tới hát bỏ bộ, bà con trong làng mới lục tục kéo tới xem...

Có điều, buổi báo cáo của Hiền chỉ có thể được minh họa khá "hạn chế" bằng những làn điệu ngắn trên sân khấu. Đó không phải là một chầu hát cửa định được phục dựng đầy đủ mọi nghi thức, như tại đình Hàng Kênh năm 2015. Cũng dễ hiểu, bởi năm ấy, các đào nương tại Hải Phòng đã phải tự bỏ tiền túi để có một chầu hát cửa đình "đầu tiên và duy nhất. Bây giờ, không có nhà tài trợ, chẳng ai đủ sức bỏ ra hơn 20 triệu đồng để phục dựng nguyên vẹn một chầu hát cửa đình thứ hai.

Ngậm ngùi, Bùi Trọng Hiền nhắc lại những thống kê đầu thế kỷ XX, khi ca trù và hát cửa đình là loại nhạc bình dân phổ biến tới mức mỗi huyện miền Bắc đều có một, hai làng. Ở Hà Nội, tư liệu của người Pháp cũng "đếm" được khoảng 2.000 đào nương hoạt động trong những ca quán với loại ca trù "đô thị". Bây giờ, những biến động của xã hội đã khiến di sản ấy đang đứng trước nguy cơ mất hẳn.

"Tôi không viển vông tới mức muốn phục dựng hát cửa đình để đưa về làng quê phục vụ nhân dân như xưa. Và cũng chưa vội nghĩ tới chuyện phục vụ du lịch, khi mà ca trù cũng chưa làm  nổi điều ấy" – anh nói – "Trước mắt, những gì đã làm chỉ là nỗ lực để kết nối với quá khứ và giữ lại chút hương hỏa của loại hình di sản này...."

Di sản Thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp

Từ năm 2009, UNESCO đã xếp ca trù vào danh sách Di sản Thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Theo đó, định kỳ, phía Việt Nam có trách nhiệm báo cáo lên UNESCO kết quả và tiến độ của việc khôi phục, bảo tồn loại di sản này.

Theo bà Nguyễn Thu Trang (Cục Di sản Văn hóa), dự án của Bùi Trọng Hiền rất có giá trị trong việc báo cáo lên UNESCO, cũng như  trong kế hoạch từng bước khôi phục để đưa Di sản này thoát khỏi tình trạng "cần bảo vệ khẩn cấp".

Bảo tồn ca trù: 6 năm vẫn chưa có đề án 'chuẩn'

Bảo tồn ca trù: 6 năm vẫn chưa có đề án 'chuẩn'

Một thông tin khiến nhiều người ngỡ ngàng: 6 năm sau khi trở thành Di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại (2009), ca trù vẫn chưa có một đề án bảo tồnđể ra khỏi tình trạng “khẩn cấp” này.

Sơn Tùng

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...