(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin khiến nhiều người ngỡ ngàng: 6 năm sau khi trở thành Di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại (2009), ca trù vẫn chưa có một đề án bảo tồnđể ra khỏi tình trạng “khẩn cấp” này.
Thông tin trên được đưa ra trong cuộc tọa đàm về bảo tồn ca trù do Sở VH,TT Hà Nội tổ chức sáng 22/10. Tọa đàm được coi là cơ sở để cơ quan quản lý xây dựng đề án bảo tồn ca trù tại Hà Nội trong giai đoạn 2016- 2020.
Thực chất, vài năm gần đây, một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình… cũng đã “dành chỗ” cho ca trù trong đề án bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh. Nhưng, với tư cách là một Di sản Thế giới, và lại đang được UNESCO đặt vào tình trạng cần “bảo vệ khẩn cấp”, rõ ràng loại hình âm nhạc này cần một đề án bảo tồn riêng, ở tầm mức quốc gia.
Các nghệ nhân ca trù Hà Nội biểu diễn tại cuộc tọa đàm
“Sự chậm trễ này bắt nguồn từ việc ca trù xuất hiện rải rác ở 14 tỉnh, thành phố khác nhau, thay vì tập trung chủ yếu ở một địa phương như hát xoan Phú Thọ”- TS Lê Thị Minh Lý, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa nhận xét. “Và ở mỗi nơi, sự tồn tại của ca trù lại mang những đặc điểm riêng khá phức tạp”.
Theo bà Lý, về nguyên tắc, UNESCO yêu cầu các quốc gia sở hữu các di sản văn hóa ở dạng “cần bảo vệ khẩn cấp” phải có những chiến lược cụ thể để bảo tồn, phát huy và từng bước đưa di sản này thoát khỏi nguy cơ mai một.
Các hoạt động bảo tồn này phải được báo cáo lên UNESCO theo chu kỳ 4 năm/lần. Trong trường hợp không bảo tồn và để di sản tiếp tục mai một, danh hiệu này có thể bị rút lại.
“Tôi được biết, chúng ta đã báo cáo lên UNESCO về thực trạng bảo tồn ca trù vào năm 2014 vừa qua. Trước mắt, chưa vấn đề gì xảy ra. Nhưng, rõ ràng, cho tới trước đợt báo cáo tiếp theo, việc bảo tồn của chúng ta phải có những bước tiến rõ nét và hợp lý hơn”- TS Lý nói thêm.
Tại cuộc tọa đàm, phần lớn các ý kiến thảo luận đều đề nghị TP Hà Nội nên trở thành “đầu tàu” về bảo tồn ca trù, để rồi tiếp tục kết nối và cùng các địa phương khác lên kế hoạch cho một chương trình hành động dài hơi ở cấp quốc gia trong giai đoạn sau.
Theo đó,ngoài việc kiểm kê thực trạng ca trù và xây dựng hệ thống tư liệu, việc đào tạo các nghệ nhân có khả năng truyền dạy ca trù cần được ưu tiên hàng đầu để tạo cơ sở cho sự tồn tại của nghệ thuật này trong tương lai.
Được biết, Hà Nội hiện có 14 nhóm ca trù, với khoảng 50 nghệ nhân. Dự kiến, từ năm 2016, Sở VH,TT Hà Nội sẽ tổ chức liên hoan biểu diễn định kỳ 2 năm/lần cho các nhóm nghệ nhân này.
Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa