Khám phá sự biến hóa của nét trong tranh Đông Hồ (kỳ 5): Nét hóa mảng trong 'Đám cưới chuột'
(Thethaovanhoa.vn) - Trong các kỳ trước, chúng tôi đã giới thiệu 10 nét dương, 7 nét âm và chấm âm trong tranh Đông Hồ. Bên cạnh đó, dòng tranh này luôn luôn tạo bản nét đen mà không chỉ toàn nét, họ luôn tạo mảng đen kết hợp - đậm nhạt mạnh song hành với màu rực rỡ...
Mảng và nét là một đặc thù kỹ thuật của dòng tranh dân gian Đông Hồ. Bởi cách thực hiện toàn in, không tô vẽ nên Đông Hồ khắc nhiều bản mảng để in các màu trước khi in bản nét đen sau cùng (tất nhiên trừ rất ít ngoại lệ). Đông Hồ cũng là dòng tranh dân gian duy nhất của ta mà luôn luôn in trên những nền màu khác nhau - nền điệp (chúng tôi vẫn suy tư lâu nay về nền giấy quét điệp rất đỗi quyến rũ của Đông Hồ mà hiện chưa đủ dữ liệu để ra một bài luận nghiêm chỉnh).
Trở lại ý chính của phần này, Đông Hồ luôn luôn tạo bản nét đen mà không chỉ toàn nét. Họ luôn tạo mảng đen kết hợp - đậm nhạt mạnh song hành với màu rực rỡ là hiệu quả riêng có của dòng tranh "dân quê" này. Ví dụ như tranh Gà đại cát chẳng hạn, tất cả có thể toàn nét, nhưng nghệ nhân đã cố tình cho các lông cánh có mảng đen và lại thêm 1 mảng đùi gà đen đậm. Mảng đen đậm cho "chắc bố cục" chăng? Có thể lắm nhưng ý này chưa thật rõ...
Tuy nhiên đến tranh Đám cưới chuột thì dụng ý đã rõ. Nội dung tranh này chúng ta đều đã biết, xin không bàn nữa để dành đất cho phần luận về thủ pháp nghệ thuật ở đây. Điều thú vị là bức tranh đầy kịch tính bởi câu chuyện đã nhân cách hóa tất cả các con vật trong tranh. Chuột đi 2 hàng, hàng trên hối lộ và hàng dưới rước dâu. Tình huống phải nói là... nín thở bởi "ông kẹ" to đùng trấn ngay góc trên bên phải - là hướng đi tới của đàn chuột. Tuy nhiên không khí toàn tranh vẫn là "trống dong, cờ mở" tưng bừng. Ngoài tưng bừng về nội dung thì còn tưng bừng về nghệ thuật: Các con chuột khoác bộ cánh nhiều màu với đậm nhạt rất mạnh - có cả đen, vàng, đỏ, xanh.
Như chúng ta đã biết, thiên nhiên cho ra 1 quy luật bắt phần lớn các loài vật phải "lưng sẫm - bụng sáng" để ngụy trang. Các dòng tranh dân gian đã biết tận dụng đặc điểm này khi vẽ các loài vật. Riêng Đông Hồ, với Đám cưới chuột còn biến hóa quy luật “lưng sẫm - bụng sáng" hơn nữa: Các mảng đen vốn chạy theo nét đường viền hình thể được nở ra hay thu hẹp đầy biểu cảm. Lúc thì mảng đen nở ra trên lưng, lúc lại nở ra ngang bụng, có khi toàn bộ con chuột là mảng đen nhưng do in gượng nhẹ mà có phần để lộ mảng màu bên dưới... Các mảng đen được kết hợp tài tình với các mảng màu vàng, đỏ, xanh... khiến mỗi con chuột đều như khoác bộ cánh rực rỡ. Do cách thay đổi mảng và màu mà mỗi con chuột có bộ cánh riêng, không con nào giống con nào - tranh càng vui vì vậy. Đó là chủ ý của nghệ nhân Đông Hồ: Thỏa thuận hối lộ đã được chấp nhận, đám cưới vẫn phải vui tưng bừng! Bức tranh như thế là vui... như Tết và xứng đáng treo Tết thời xưa, khi những nhiễu nhương được dàn xếp để cuộc sống tiếp đà tiến tới, đời vẫn sinh sôi, nảy nở.
***
Bây giờ thì vấn đề đã rõ: Bức tranh Đám cưới chuột có gốc từ phương Bắc, không chỉ duy nhất 1 bản gốc mà là vô vàn - có rất nhiều dòng tranh dân gian Trung Quốc làm tranh về Đám cưới chuột! Từng có một nghiên cứu rất xuất sắc đi tới ngọn nguồn câu chuyện này của ông Hà Vũ Trọng trên mạng internet. Chúng tôi sẽ soi nó về khía cạnh kỹ thuật của nghệ thuật. Ở đây xin dẫn chứng bản tranh Đám cưới chuột Trung Quốc mà chúng tôi coi như gần nhất về bố cục so với bức cùng tên của Đông Hồ - bản của một dòng tranh dân gian tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, thời nhà Thanh (1644 - 1911).
- Khám phá sự biến hóa của nét trong tranh dân gian Đông Hồ (kỳ 4): Đến nét âm và chấm âm...
- Tiếp về các nét dương trong tranh Đông Hồ
- Từ các nét dương trong tranh Đông Hồ...
Tranh Đám cưới chuột của tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc cho thấy rõ tài khéo rất cao của họ. Họ tả chuột ra chuột, tất cả các nét hình thể đều rất mảnh, bố cục 2 tầng của họ là mẫu mực cho ta. Thế nhưng chính sự tài khéo đặc biệt của họ đôi khi dường như có phần cản trở cách "biểu diễn nghệ thuật". Mỗi con chuột trong tranh họ đều chỉ tô có 01 màu - hoặc vàng, hoặc xám, hoặc đen - chuột là chuột, không cần nhân cách hóa quá cao. Họ đang kể một câu chuyện có nội dung nhân cách hóa trong khi Đông Hồ ta - dù vẫn kể chuyện - nhưng chú trọng vào cách hình tượng hóa nhân vật. Mỗi con vật trong tranh Đông Hồ đều có xu hướng cá tính hóa, vui Tết hóa trong khi chuột hay ngay cả mèo trong tranh Hồ Nam, Trung Quốc đều dường như không biểu lộ cá tính, chúng hiện diện chỉ để phục vụ cốt truyện. Mà thực sự họ có cả một câu chuyện dài với nhiều tình huống éo le trong quan hệ mèo - chuột.
Trong khi đó, về mặt tạo hình, tranh Đông Hồ của Việt Nam đã đi theo một hướng khác theo thể cách cảm nghĩ rất Việt Nam, không chỉ Đông Hồ mà cả Hàng Trống và có thể ở cả các dòng tranh khác nữa. Chúng tôi xin dành phần luận bàn sâu và rộng hơn về vấn đề này ở phần sau, thông qua góc hẹp về kỹ thuật khắc gỗ mà chúng tôi có phần hiểu biết không quá tệ nên tương đối đủ tự tin.
2 hướng đi Tranh khắc gỗ Trung Quốc, dù chỉ tạm tính ở hạng tranh dân gian, cũng rất phát triển. Chỉ tính riêng loại tranh về Đám cưới chuột thôi thì các dòng tranh dân gian Trung Quốc đã làm thành kiểu gần như tiểu thuyết bằng tranh để kể hết câu chuyện dài đầy kịch tính muôn đời giữa mèo và chuột. Các tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống của Việt Nam thì đi theo hướng khác. Thay vì kỳ công kể câu chuyện dài bằng tranh thì dân gian ta nói chung thường chỉ tranh đơn hay tranh đôi. Mỗi tranh chỉ thường đưa ra một hình tượng điển hình - tạo mảng, in màu, diễn nét sao cho điển hình đậm đà, gây ấn tượng mạnh ngay lập tức. Bởi vậy Đông Hồ có rất nhiều tranh gà nhưng đó là những tranh độc lập, hình tượng nổi bật, không kể câu chuyện dài dòng nào. Tuy nhiên, đôi khi có những nhân vật anh hùng dân tộc Việt Nam có sự tích rất gợi cảm về hình tượng nên dễ làm tranh như Đinh Tiên Hoàng thì có thể được Đông Hồ làm tới 4 tranh độc lập. Rất có thể, nếu không bị nạn đói và chiến tranh kể từ 1945 thì chúng ta sẽ có thêm các tranh về Đinh Tiên Hoàng hơn nữa. Dù hình tượng nhân vật trong tranh có chất lượng tạo hình không đều nhưng 4 tranh vua Đinh của Đông Hồ có giá trị đường nét khá phong phú, đúng sở trường của Đông Hồ... |
(Xem tiếp kỳ 6: “Phát triển rộng về nội dung nhưng cần nâng cao giá trị đường nét”)
Họa sĩ Đức Hòa