Khám phá Hồ Tây (kỳ 5): Từ lũy bảo vệ thành đến bến tắm
(Thethaovanhoa.vn) - Con đường Lạc Long Quân bên Hồ Tây hiện nay kéo dài từ đê Nhật Tân đến cuối phố Hoàng Hoa Thám. Thế kỷ 9, con đường này là lũy bảo vệ thành Đại La từ Nhật Chiêu đến Cầu Giấy qua Giảng Võ, Ô Chợ Dừa, Kim Liên kéo đến Lương Yên nối vào đê sông Hồng.
Xem chuyên đề "Mọt sách, mọt sử, mọt phim tại đây"
Xung quanh khu vực từ đường Trích Sài đến đường Lạc Long Quân hiện nay, có nhiều dấu ấn lịch sử, văn hóa khó phai của Hồ Tây.
Lũy thành đường
Trải qua thời gian lũy bảo vệ thành ở khu vực này bị sụt lún trở thành đường nhưng năm 1588, vua Mạc Mậu Hợp cho đắp lại và thêm hai lớp nữa làm ba lớp cao tới 11,7 mét có hào sâu để ngăn cản quân đội của Lê - Trịnh từ Thanh Hóa ra đánh thành Thăng Long.
Rồi nhà Mạc phải bỏ chạy khỏi thành Thăng Long, Tiết chế Trịnh Tùng nghe lời của tướng nhà Mạc bị bắt là Nguyễn Quyện cho phá lũy để quân Mạc nếu có quay lại không có gì bảo vệ. Đoạn lũy từ Nhật Chiêu đến làng Trích Sài thành đường.
Tuy nhiên đoạn đường này lại trở thành lũy vào năm 1749 khi chúa Trịnh Doanh sợ quân nổi dậy ở các trấn xung quanh kéo quân quấy phá thành đã cho đắp lũy giống như nhà Mạc nhưng chỉ có một lớp, đồng thời mở cửa và ô.
Khi nhà Nguyễn lên nắm quyền và chuyển kinh đô vào Huế thì đoạn lũy dần bị dân quanh vùng bạt thấp để tiện đi lại. Thời vua Tự Đức, đường thấp tương ứng với các con đường các làng xung quanh và trở thành con đường quan trọng phía Tây Hà Nội. Dân bờ bên kia sông Hồng muốn sang chợ Bưởi, đi Sơn Tây thì đi đò ngang đến bến Nhật Tân hay Chèm.
Năm 1914, Toàn quyền Đông dương cho đặt bốt cảnh sát ở gần chợ Bưởi kiểm soát cả khu vực này.
Năm 1915 đê Liên Mạc bị vỡ, nước tràn ngập Xuân Đỉnh, Xuân La. Khi nước rút chính quyền sợ nếu đê vỡ lớn không kịp hàn vá thì nước có thể tràn vào Hồ Tây gây úng ngập phố cổ và khu vực Dinh Toàn quyền nên đã cho đắp con đường cao như đê.
Năm 1948 đường mới được rải đá. Vì là đường liên xã thuộc huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông nên không có tên nhưng đường chạy qua làng Trích Sài bám theo Hồ Tây nên dân gọi là đường Trích Sài. Tên này được gọi cho đến năm 1986 thì thành phố đặt tên là đường Lạc Long Quân. Năm 2001, tên Trích Sài được đặt cho con đường mới sát hồ từ ngã ba phố Văn Cao đến Lạc Long Quân.
Bến tắm ven Hồ Tây
Xuân La thời Nguyễn gồm ba làng riêng biệt: Quán La xã, Quán La sở và Xuân Tảo sở. Xuân Tảo sở nằm sát Hồ Tây còn hai thôn kia nằm ở phía trong. Xuân Tảo sở gồm hai thôn là Xuân Tảo sở và Vệ Hồ. Năm 1949 khi chính quyền cách mạng hoạt động bí mật ở khu vực này đã đặt tên liên xã gộp ba làng lại gọi là Xuân La. Năm 1956, Xuân La chính thức trở thành xã Xuân La trong cơ cấu hành chính của huyện Từ Liêm. Năm 2001, đoạn chạy qua thôn Vệ Hồ của con đường vòng quanh hồ Tây được đặt tên là phố Vệ Hồ.
Dân thôn Vệ Hồ xưa có nghề đánh chim rẽ và đánh cá. Xưa thôn có tục thi bơi chải vào ngày 3/3 Âm lịch trên Hồ Tây. Tham gia thi bơi chải có 10 thuyền, mỗi thuyền hai người chèo. Địa điểm xuất phát trước cổng chùa Vạn Niên, các thuyền thi phải chèo đến phủ Tây Hồ sau đó vòng lại. Ở thôn cũng có tục thi nấu cơm mới vào tháng 10 Âm lịch.
Cũng như các làng khác, Xuân Tảo sở có đình và chùa nhưng nằm cả ở thôn Vệ Hồ. Đình làng bị phá trong kháng chiến chống Pháp.
Năm 1930, toàn quyền Đông Dương là Pierre Pasquier cho xây bến tắm dành cho quan lại của chính phủ nghỉ ngơi và bơi lội ở gần đình. Năm 1936, bến tắm và nhà nghỉ được bán lại cho Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu. Ông Hoàng Trọng Phu tiếp tục sử dụng bến này làm nơi nghỉ ngơi và bơi lội cho các quan chức Bắc Kỳ. Sau năm 1954, bến tắm bị phá bỏ.
Cũng xin nói thêm, Hồ Tây còn có bến tắm khác ở làng Nghi Tàm. Đây là ngôi làng được sử sách nói đến từ thời Lý. Công chúa Từ Hoa con vua Lý Thần Tông mến cảnh đẹp Hồ Tây xin vua cha cho mang theo mấy cung nữ ra đây và mọi người tập nghề trồng dâu nuôi tằm rồi lập ra trại Tằm Tang vì thế mới có tên Nghi Tàm.
Cũng thời Lý, Nghi Tàm còn được gọi là cánh đồng bông vì ở đây trồng nhiều loại hoa cung cấp cho dân chúng dâng hoa lên chùa. Thế kỷ 17, chúa Trịnh Giang đã cho xây dựng một bến tắm ở Nghi Tàm. Mùa Hè, chúa đưa các cung nữ lên đây tắm và nghỉ ngơi. Khi bơi hồ, Trịnh Giang bắt các cung nữ không được mặc quần áo. Bơi xong chúa lên bờ vào phòng tắm, các cung nữ kỳ cọ và lau khô người chúa rồi mặc quần áo. Chính tại bến tắm này thời Lý, Trần và đầu nhà Lê gọi là bến trúc Nghi Tàm, một trong bát cảnh của Hồ Tây. Khi đó Nghi Tàm trồng một giống trúc vàng tên là trúc ngà xung quanh làng. Từ xa trông hàng ngàn, hàng vạn cây đứng trước gió, ánh sáng chiếu vào ánh lên màu vàng rất đẹp.
Chợ ốc
Nước Hồ Tây ngày càng cao hơn đã nhấn chìm ruộng vườn từ Hồ Khẩu, Võng Thị đến Trích Sài. Vào mùa mưa, sóng đánh gây sạt lở đường nên năm 1976, chính quyền phải cho kè đá đoạn từ ngã ba Trích Sài - Lạc Long Quân hiện nay đến đầu phố Vệ Hồ hiện nay.
Năm 2000, Lạc Long Quân vẫn là con đường một chiều khá hẹp. Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm 2005 đường được mở rộng thành đường hai chiều. Diện tích đất ở dải phân cách đoạn từ Trích Sài lên đường Âu Cơ được trồng hoa và đào. Còn rào bằng đá sát mép hồ và hàng dừa thì năm 2013 mới làm.
Trước đây, nếu buổi tối đường Thanh Niên đông đúc như chợ tình yêu thì Lạc Long Quân đoạn qua Hồ Tây vắng lặng dù ven hồ có bãi cỏ khá đẹp. Sở dĩ các đôi tình nhân không dám tự tình ở đây vì thời đó, họ sợ bị trấn lột.
Thập niên 1980, 1990, Công ty khai thác Thủy sản hồ Tây bán vé cho dân cào ốc. Họ xuống hồ cào ốc rất sớm sau đó tầm 7h mang lên bán ở đường Lạc Long Quân. Vì có chợ ốc nên nhiều người lầm tưởng bún ốc có xuất xứ từ Hồ Tây. Làng bán bún ốc lâu đời nhất Hà Nội là Pháp Vân. Dân gian có câu “Tứ Kỳ gánh cân, Pháp Vân gánh nánh”. Tứ Kỳ chuyên làm bún nên gánh bún mang vào phố san đều hai bên thúng nên cân, còn làng Pháp Vân bán bún ốc nên bên thúng có nồi nước nặng hơn bên thúng đựng bún và bát đũa nhẹ hơn, người xưa gọi bên nặng bên nhẹ là gánh nánh.
Từ chùa Thiên Niên đến chùa Vạn Niên Chùa Thiên Niên nằm giữa hai đường Lạc Long Quân và phố Vệ Hồ. Sở dĩ chùa có tên Thiên Niên vì chùa nằm trên đất trang Thiên Niên do Lê Thánh Tông cắt một nửa đất làng Trích Sài cấp cho người đẹp gốc Chăm Phan Thị Ngọc Đô. Thời Minh Mạng (1820-1841) lại nhập trang Thiên Niên vào làng Trích Sài, do vậy người ta gọi là chùa Thiên Niên Trích Sài. Theo bài ký trên bia còn lại ở chùa thì chùa được xây dựng từ thời Lý Nam Đế (544- 548) có tên là Bát Tháp. Chùa là nơi tu hành của hai công chúa con vua Lý Nam Đế. Cả hai đã từng học pháp thuật để trừ yêu quái ven hồ. Khi trụ trì hai công chúa đã xây 8 cái tháp nên gọi là Bát Tháp, trước cửa có gò Ngũ Nhạc (lở đất đã đổ xuống hồ). Sau khi trừ hết yêu ma hai công chúa qua đời được thờ ở chùa. Rồi chùa cũ đổ nát và bà Phan Thị Ngọc Đô đã xây chùa mới trên nền chùa cũ. Vì chùa thiêng nên thời Hậu Lê có lệ cử các quan về tế lễ mỗi năm hai lần vào mùa Xuân và mùa Thu. Cách chùa Thiên Niên không xa là chùa Vạn Niên. Sách Thăng Long cổ tích khảo chép: “Chùa ở bờ Tây Hồ Tây, xưa gọi là chùa Vạn Tuế, nay gọi là Vạn Niên. Chùa thuộc địa phận ấp Quán La (nay thuộc phường Xuân La). Lý Thuận Thiên năm thứ năm (1014), Hữu nhai Tăng Thống tâu xin lập giới đàn tại đây, thụ giới cho các tăng đồ. Vua xuống chiếu ban cho. Bấy giờ danh tăng Lâm Tuệ Sinh, Thảo Đường thời Lý kế thừa trụ trì ở đây. Nếu năm Thuận Thiên thứ năm (1014) Hữu nhai Tăng Thống tâu xin lập giới đàn tại đây để thụ giới cho các tăng đồ, nghĩa là chùa đã có từ trước đó. Đến thời Lý, chùa đã trở thành chốn tùng lâm thụ giới cho các tăng đồ. Và như vậy, chùa Vạn Niên phải là chùa có quy mô to lớn, kiến trúc nguy nga không kém bất kỳ chùa đương thời nào. Một điều đáng lưu ý, Vạn Niên có nhiều cao tăng trụ trì, đó là Lâm Tuệ Sinh, Biện Tài, Thảo Đường… Thảo Đường là phái thiền riêng của thời Lý, phái này do sư Thảo Đường sáng lập. |
(còn nữa)
Nguyễn Ngọc Tiến