Hơi ấm tình mẹ
(Thethaovanhoa.vn) - Năm lên 3 tuổi, mẹ tôi mất mẹ. Bà ngoại tôi ra đi ở tuổi ngoài 30 do bệnh nặng. Ông ngoại tôi dạy học, nay đây mai đó. Mẹ được một người trong họ nhận nuôi đến năm 18 tuổi thì trả về gia đình. Như vậy kí ức về mẹ đẻ ở bà gần như không có.
Vậy mà trước lúc mất, mấy ngày, mẹ tôi luôn mồm gọi mẹ. Bà cứ lẩm bẩm hoài: “Mẹ vừa về, vừa ở đây lại đi đâu rồi mẹ ơi”. Nghe cô em kể mà tôi rơi nước mắt. Một người ra đi ở tuổi 104 mà vẫn nhớ về mẹ, còn tìm mẹ. Thế mới biết hơi ấm và tình mẹ quan trọng như thế nào đối với đời một con người.Ca dao xưa viết:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng THỜ mẹ, KÍNH cha
Cho tròn chữ HIẾU mới là ĐẠO con!”
Mẹ thì thờ, cha thì yêu kính. Công cha thì đo được, núi dù cao cũng có giới hạn, còn nghĩa mẹ như nước suối nguồn không bao giờ cạn!
Mới hiểu sao trong tang lễ thì “cha đưa, mẹ đón”. Tiễn cha, vịn vào tay đòn đi theo sau quan tài, tiễn mẹ, đi giật lùi như muốn đẩy mẹ trở lại nhà.
Những cái sâu sắc cũng có lúc là ở hành vi mà không chỉ hiện ở câu nói..
Gia đình tôi tản cư trên đất Thái Nguyên từ những năm bốn tư của thế kỉ trước và đất Thái Nguyên như là quê hương thứ hai gắn bó với cả nhà. Còn nhớ những năm xưa, khi mẹ già yếu, thì có một cái tết, tôi thuê chuyến xe chục chỗ để bà cùng con cháu về quê khỏi xe đò vất vả. Mẹ cũng không đi, tôi căn vặn thì bà bảo, năm có hai ngày giỗ bố mẹ không về, ngày Tết, ngày hội về làng người ta cười cho. Dứt khoát bà không đi.
Tôi lờ mờ hiểu ra lớp người trước người ta sống không chỉ biết mình mà còn vì rất nhiều cái khác và luôn đề cao chuyện lễ nghĩa. Mẹ tôi gánh trên vai bảy người con, sáng đi chạy chợ thì úp mặt vào bóng đêm mà đi, chiều về cũng xâm xẩm nhập nhoạng, vất vả lắm mới đủ nuôi con, thương lắm.
Nào tưởng còn nghĩ gì đến những việc khác nữa. Nhưng cái lễ nghĩa bà luôn cất giữ trong người, luôn trọng chữ hiếu hơn chữ hỉ! Giỗ ông ngoại tôi mồng Tám Tết, mà năm nào sơ ý trót quên không kịp gửi lễ là ca cẩm tự trách mình suốt tháng.
Người mẹ xưa bó khuôn cuộc sống vào gia đình nên có những vun vén mà thời nay không có, hoặc có nhưng đang mất dần đi, hoặc cũng có những cái cũng không biết nữa.
Lần ngược thời gian, qua những thói quen của thế hệ đi trước, tôi lờ mờ nhận ra bây giờ có sự mai một văn hóa sống khá trầm trọng. Tính ích kỉ dâng cao, lòng vị tha, bao dung hẹp dần đi, chuyện lấy nhau và “giải tán” dễ dàng với những biện minh không có sức thuyết phục, vừa cẩu thả vừa bừa bãi. Chuyện cư xử với cha mẹ của một số con cái trở nên tệ bạc, thậm chí mất hết tình người…
Tôi nhắc lại chuyện xưa, dù chưa xưa lắm, với mong muốn để mọi người ngoái lại nhìn xem cha anh mình sống ra sao, để dừng lại chút ít, sắp xếp lại hành trang văn hóa, giữ lấy cái nết người mà phải rèn bao đời mới có được! Đừng vội vứt nó đi, nếu không sẽ chẳng còn gì.
Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa