Hầu đồng vì sao gây sốt?
(Thethaovanhoa.vn) - Hiếm có liên hoan hội diễn mà người dân ùn ùn đổ tới xem “đông như trẩy hội” như tại Liên hoan Nghi lễ Chầu Văn Hà Nội trong tuần qua (ngày 4,5/10). Tuy nhiên đều này không gây ngạc nhiên với người trong nghề. Từ vài năm nay, nghi lễ chầu văn (vốn rất gần với khái niệm hầu đồng trong dân gian) luôn ở vào tình trạng "gây sốt" như thế, giữa sự tò mò và háo hức của những cư dân đô thị.
Loại hình diễn xướng nghệ thuật - tâm linh này có sự thăng trầm khá thú vị: phát triển từ thời Lê mạt, lên tới đỉnh cao trong thời Nguyễn, bị ngừng thực hành trong vài chục năm qua vì những biến tướng dị đoan, để rồi dường như đang bắt đầu hành trình trở lại thời hoàng kim của mình trong các đô thị lớn. Điều gì làm nên câu chuyện ấy? Và xa hơn, hầu đồng cần được ứng xử thế nào, khi đi kèm nó là những yếu tố hay - dở luôn đan xen vô cùng phức tạp?GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn tín ngưỡng VN, trò chuyện với TT&VH Cuối tuần trong tư cách một chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này.
GS Ngô Đức Thịnh |
* GS sẽ giải thích thế nào về việc hầu đồng đang “đắt hàng” như hiện nay?
- Trước hết, điều này đến từ bản chất của nó. Quan điểm của cá nhân tôi, thì tín ngưỡng thờ Mẫu - cái gốc của hầu đồng - có lẽ đã xuất hiện ngay từ thời Mạc, tiếp nhận các ảnh hưởng của Đạo giáo Trung Hoa để biến từ việc thờ nữ thần, thờ Mẫu thần thành Đạo Mẫu tam phủ, tứ phủ gắn với các khát vọng về sức khỏe, tài lộc của con người. Với bề dày hàng trăm năm, cộng cùng những hệ giá trị rất độc đáo như thế, hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu thu hút sự quan tâm của nhiều người là dễ hiểu.
Nhưng, điều cốt lõi làm nên sức hấp dẫn của hầu đồng là trạng thái thăng hoa tinh thần mà nó mang tới cho người tham dự. Có thể khẳng định, không một hệ thống tín ngưỡng hay diễn xướng nào của chúng ta có được thế mạnh tuyệt đối như thế. Hầu đồng diễn ra, những người tham dự đều bị cuốn vào và “kéo” về một điểm tâm lý chung: khai mở nhu cầu giao hòa giữa con người với thần linh.
Khoan bàn tới tranh cãi về thực/hư của sự tiếp cận ấy. Nhưng, từ khởi thủy tới nay, tâm lý giao hòa với thần linh luôn là một trong ba nhu cầu cơ bản của con người, bên cạnh nhu cầu giao hòa với thiên nhiên và giao hòa giữa con người với con người. Bởi thế, không có gì lạ khi lên đồng diễn ra, những người tham dự đạt tới sự hưng phấn, giống như tham gia một buổi “trị liệu tâm lý” vậy. Người ta quên hết mọi thứ, rơi vào trạng thái thăng hoa đặc biệt - điều mà chúng ta vẫn thấy trong đời sống thường ngày với những so sánh theo kiểu “hát như lên đồng”, “chơi bóng như lên đồng...”.
* Cũng còn phải kể tới một yếu tố nữa, đó là hầu đồng một thời gian từng bị cấm thực hành vì những biến tướng liên quan tới dị đoan. Và với tâm lý chung của chúng ta, cái gì càng bị cấm thì càng dễ gây tò mò...
- Chuyện bị cấm là một vấn đề của xã hội giai đoạn đó. Nhưng, từ thời Đổi mới, những hệ thống giá trị tín ngưỡng, tâm linh cũng dần dần được nhìn nhận lại cho hợp lý hơn. Điểm thú vị, theo tôi biết, nằm ở việc không có một văn bản chính thức nào xác nhận hầu đồng được phép vận hành trở lại. Mọi chuyện cứ diễn ra từ từ, khi hầu đồng bắt đầu phát triển như một dòng chảy ngầm, sau thời gian gián đoạn. Tâm lý “nửa kín, nửa hở” ấy càng kích thích đám đông.
Cách đây vài năm, tôi không nhớ chính xác, tỉnh Hải Dương là một trong những địa phương đầu tiên cho phép hầu đồng xuất hiện trong lễ hội đền Kiếp Bạc. Giám đốc ngành văn hóa tại đó kể với tôi: “trình bày với lãnh đạo tỉnh, em phải mang mấy cuốn sách về hầu đồng của thầy để mọi người đọc trước” (cười). Rồi sau đó, tới các địa phương khác. Tại Hà Nội, lần “công khai” đầu tiên là buổi tọa đàm có tên: Lên đồng - Bảo tàng sống của văn hóa Việt vào tối 23/2/2011. Khi đó, báo chí viết khá nhiều về chuyện “vỡ sân” tại đây, khán giả chen vào đông tới mức Ban tổ chức phải đóng cửa sớm vì sợ quá tải.
* Hầu đồng hiện đang “bùng nổ” mạnh nhất ở các đô thị lớn. Phải chăng, nhu cầu giải tỏa căng thẳng trong nhịp sống đô thị hiện đại là lý do dẫn tới điều này?
Một giá đồng tại LH Nghi lễ chầu văn Hà Nội ( 4, 5/10/2013)
- Đó là thực tế. Bởi, những đô thị lớn hiện nay như Hà Nội hay TP.HCM đều đang phát triển với tốc độ cao, thậm chí có lúc trở nên hỗn loạn. Điều ấy dẫn tới những đảo lộn xã hội về nhiều mặt như dịch chuyển dân cư, quá tải kết cấu hạ tầng đô thị, phá vỡ các quan hệ xã hội truyền thống, tạo tâm lý bức xúc, dồn nén trong đời sống văn hóa… Và khi ấy, việc sút giảm niềm tin vào bản thân, vào cộng đồng khiến người ta dễ đi tìm kiếm chỗ dựa và niềm tin tâm linh từ các lực lượng siêu nhiên như trường hợp hầu đồng.
Cũng cần nói thêm, về bản chất, hầu đồng ít nhiều gắn bó chặt với các lực lượng thương nhân hoặc cư dân đô thị. Theo tôi, điều này là có lý do. Khi thương mại phát triển mạnh vào thời Mạc, tín ngưỡng thờ Mẫu cũng mang đậm màu sắc thương nghiệp, gắn với tầng lớp thương nhân hoặc cư dân đô thị. Thực tế cho thấy, phụ nữ là lực lượng chủ yếu tham gia các hoạt động tiểu thương trong thời kỳ này. Và, các đền, phủ thờ Mẫu cũng xuất hiện tập trung dọc theo các trục giao thương cơ bản như Hà Nội - Lạng Sơn, Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng hoặc đường thiên lý Bắc - Nam.
* Sự thực, khi hầu đồng phát triển mạnh như hiện nay, nhiều người cũng lo lắng về việc những biến tướng về dị đoan, thương mại hóa... quanh nó. Chẳng hạn, nhiều thanh đồng hiện nay phản ứng rất mạnh về dạng “đồng đua”, nghĩa là những người không hiểu, không thạo và không có căn cốt để hầu đồng nhưng lại thích chạy theo loại hình diễn xướng tâm linh này như một thứ mốt. Nghĩa là trong xã hội hiện đại, thì những biến tướng có thể còn diễn ra theo cách... đa dạng và phức tạp hơn nhiều so với hầu đồng của những năm xưa...
- Hiện giờ hầu đồng phổ biến rất mạnh, nhưng lại tồn tại khá tản mát theo từng đền phủ. Có những bản hội có tới hàng ngàn con nhang, và có những bản hội ít hơn nhiều, nhưng điểm chung của chúng là việc thiếu sự kết nối để tạo thành một cộng đồng thờ Mẫu trên toàn quốc. Vấn đề này, các nhà quản lý cần nghiên cứu và cân nhắc về việc có nên xây dựng một tổ chức xã hội nào đó cho cộng đồng thờ Mẫu không? Bởi, thành lập thì dễ, nhưng việc hoạt động thế nào để tránh đi sự cứng nhắc, thiếu uyển chuyển về hành chính, mới là điều cần bàn.
Cá nhân tôi cho rằng việc vận động và chia sẻ trách nhiệm với những trùm bản hội, những đồng cốt có uy tín, là giải pháp hữu hiệu trước mắt để quản lý tiêu cực và biến tướng. Sự thật, những người như vậy luôn có nhu cầu khẳng định vai trò và sự thành tâm của mình - sau một quãng thời gian rất dài bị cấm hành nghề, bị xã hội chê bai, thiếu tin tưởng hoặc giễu cợt như những năm qua.
* Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này.
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần