Góc nhìn 365: Rạp cổ trong... phố cổ
Một thông tin thú vị từ Nhà hát Cải lương Việt Nam: Theo giám đốc NSND Triệu Trung Kiên, đơn vị sân khấu này đang ấp ủ kế hoạch xây dựng một số vở diễn thực cảnh tại khu phố cổ Hà Nội.
Cụ thể, thay vì biểu diễn trên sân khấu hộp quen thuộc, chương trình này sẽ diễn ra tại Hội quán Quảng Đông (22 Hàng Buồm). Tại đó, mọi không gian của quần thể kiến trúc cổ này - kể từ cửa sổ, kèo cột, sân trước, hậu cung, hội trường giữa.... cho tới con đường dẫn vào Hội quán - đều có thể trở thành sân khấu của các diễn viên, trước sự chứng kiến của người xem.
Theo dự kiến, ở mỗi đêm diễn như vậy (tổ chức tuần một lần với thời lượng khoảng 60 phút), Hội quán Quảng Đông chỉ đón khoảng 50 - 70 khách để vừa với sức chứa của điểm diễn. Và không cần tới những hàng ghế như ngoài rạp, người xem sẽ ngồi giữa nhà để có thể.. xoay tròn 360 độ khi cần nếu muốn xem các nghệ sĩ cải lương đang hát, chạy và biểu diễn ngay sát sát cạnh mình. Tất nhiên, những chương trình biểu diễn của Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng đã được tính toán xây dựng kịch bản và dàn dựng cho phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, cũng như với không gian đặc trưng của Hội quán.
Thực tế, những show diễn nghệ thuật thực cảnh trong vài năm qua đã không còn quá xa lạ với khán giả Việt Nam. Nhưng, việc chọn một kiến trúc cổ, ngay giữa phố cổ Hà Nội, làm sân khấu thực cảnh là điều gần như chưa có tiền lệ. Và như lời đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên, anh đã ấp ủ ý tưởng này từ rất nhiều năm, cho tới khi tìm thấy không gian tại Hội quán Quảng Đông.
“Sân khấu phục vụ khán giả hiện đại cần những cách tiếp cận mới để vừa phù hợp với nhu cầu luôn thay đổi của người xem, vừa giữ nguyên được những tinh hoa của văn hóa truyền thống. Và, việc lựa chọn không gian đặc biệt giữa phố cổ để biểu diễn là một thử nghiệm của chúng tôi” - anh nói.
***
Dù được xếp hạng hay chưa, những di sản kiến trúc trong phố cổ vẫn luôn tạo ra một sức hút đặc biệt với khách du lịch. Cho dù thực tế, nhiều kiến trúc trong số đó đang được sử dụng theo những công năng chưa xứng với giá trị của chúng - hoặc ngược lại, chỉ là nơi trưng bày mà thiếu đi những hoạt động văn hóa để tạo dựng phần hồn.
Câu chuyện về ý tưởng khai thác Hội quán Quảng Đông của cải lương chỉ là một ví dụ. Đơn cử, cách địa chỉ một đoạn chính là nơi tọa lạc của rạp Chuông Vàng với tuổi đời gần tròn một thế kỷ. Thực tế, nhiều năm trước, dù không hiểu tiếng Việt, nhiều khách du lịch quốc tế cũng từng mua vé vào đây xem các chương trình biểu diễn của Nhà hát Cải lương Hà Nội chỉ bởi sức hút từ kiến trúc độc đáo này.
- Cuộc thi Tài năng cải lương Trần Hữu Trang 2022: Còn đó, mối bận tâm 'tuồng cũ'
- Chờ cải lương 'có nhà để hát'
- Đừng dùng chữ 'cải lương' tùy tiện!
Và rộng hơn, phố cổ Hà Nội còn có những Sán Nhiên đài (nay là Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội), có rạp Quảng Lạc cũ đang do Nhà hát kịch Hà Nội quản lý, có rạp Hồng Hà dành cho nghệ thuật Tuồng. Đó đều là những dấu tích đặc biệt của một giai đoạn mà phố cổ Hà Nội là trung tập của kịch nghệ, của nghệ thuật sân khấu trong quá khứ.
Không phải ngẫu nhiên, tại nhiều cuộc tọa đàm, các chuyên gia văn hóa đã đề nghị cần sớm tìm hướng khai thác hiệu quả giá trị kiến trúc khu phố cổ như là một sản phẩm du lịch đặc thù để lớp di sản còn tiềm ẩn này. Ở đó, một số kiến trúc đặc biệt có thể tổ chức thành nơi trình diễn nghề thủ công đặc trưng tại các phố “Hàng”, một số khác chỉ còn là dấu tích theo thời gian có thể sử dụng công nghệ để quay về quá khứ và gia tăng trải nghiệm cho du khách. Còn lại, những rạp hát cũ như Chuông Vàng, Quảng Lạc hay rạp Hồng Hà hoàn toàn có thể trở thành những sân khấu nhỏ chuyên phục vụ khách du lịch - miễn là chúng ta có sự thử nghiệm để nghiêm túc đầu tư và lựa chọn đúng cách làm.
Với sức hút đặc thù dành cho khách du lịch và những trầm tích văn hóa theo thời gian, những kiến trúc ấy biết đâu lại là sự bù trừ cho nhiều rạp hát, bảo tàng hay công trình giải trí tại Hà Nội vốn được đầu tư rầm rộ nhưng đang trống vắng vì không đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa đương đại?
Trí Uẩn