Góc nhìn 365: Đã đến thời của phố đi bộ?
(Thethaovanhoa.vn) - Khá thú vị, chỉ trong tuần qua, chúng ta dồn dập nhận được thông tin về những tuyến phố đi bộ chuẩn bị khai trương, cũng như được đề xuất thành lập tại Hà Nội trong tương lai gần.
Trước tiên, đó là tuyến phố đi bộ dài hơn 800 mét bao quanh thành cổ Sơn Tây, sẽ chính thức đi vào hoạt động từ kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 tới và được duy trì trong các ngày cuối tuần.
Tiếp đó, ngành văn hóa Hà Nội cũng vừa đề xuất thí điểm thành lập không gian đi bộ tại phố Trần Nhân Tông và vùng phụ cận, gắn liền với hệ thống đường dạo quanh và vườn hoa hồ Thiền Quang...
Tương tự, ở phía Nam thành phố, quận Hoàng Mai cũng vừa công bố việc xây dựng đề án tổ chức phố đi bộ mới tại khu đô thị Nam vành đai 3, Hà Nội trên địa bàn phường Đại Kim.
Chưa kể, trong kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đến năm 2025 do Hà Nội vừa ban hành, thêm trường hợp nữa cũng được nhắc tới là các không gian đi bộ tại khu đô thị Bắc An Khánh - Splendora và quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám.
Và, đó mới chỉ là những tuyến phố được chính thức đề cập. Xa hơn, ở các mức độ khác nhau, ý tưởng thiết lập nhiều không gian đi bộ khác tại Hà Nội cũng từng được nhắc đến vài năm qua. Đó là trục phố Yên Thái - ngõ Tạm Thương gắn với không gian ẩm thực tại quảng trường chợ Hàng Da, là đoạn phố Phùng Hưng gắn với các bức bích họa và trụ cầu bằng đá từ thời Pháp, là khu phố cổ để nối dài những không gian đi bộ đang vận hành.
Nhìn lại, không kể tới một trục phố đi bộ Hàng Ngang - Hàng Đào được thiết lập sớm nhưng hoạt động khá mờ nhạt, cột mốc cho việc hình thành một không gian đi bộ quy mô tại Hà Nội mở ra vào 6 năm trước (2016), tại khu vực Hồ Gươm. Để rồi, sau 5 năm, với những gì đang diễn ra, rõ ràng mô hình này đang dần có chỗ đứng - khi các nhu cầu vui chơi, thư giãn, giao tiếp... của cộng đồng đã phát triển hơn xưa.
Tất nhiên, với những đặc thù về văn hóa, lịch sử, du lịch, Hà Nội không dễ để hoạch định một không gian đi bộ gây ấn tượng mạnh như khu vực Hồ Gươm và phố cổ. Nhưng ở hướng ngược lại, với diện tích hơn 3000km2, không phải mỗi người dân đều có điều kiện tiếp cận khu vực đặc biệt này. Bởi thế, chúng ta vẫn luôn cần thêm những phố đi bộ mới để phục các khu vực và cộng đồng khác nhau trên thành phố.
Đó không hẳn là một bài toán dễ dàng, nếu nhìn sang một không gian đi bộ khác của Hà Nội - phố Trịnh Công Sơn. Thành lập năm 2018, không gian này đến giờ vẫn chưa thu hút nhiều du khách, khi bị cho là thiếu điểm nhấn gắn với cái tên nhạc sĩ này, đồng thời cảnh quan cũng chỉ thật sự hấp dẫn vào mùa sen nở.
- Góc nhìn 365: 'Gặp lại' phố đi bộ Hồ Gươm
- Hà Nội mở lại phố đi bộ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm từ ngày 18/3
- Góc nhìn 365: Thập niên mới của phố đi bộ
Điều ấy giống với một thực tế đã được nhiều chuyên gia chỉ ra: Thay vì áp đặt theo kiểu... chia đều cho từng quận huyện, những phố đi bộ mới tại Hà Nội nên được nghiên cứu và lựa chọn kỹ cả ở góc độ xã hội học lẫn kiến trúc và quy hoạch. Và ở một chừng mực, đó không nhất thiết phải là những phố đi bộ quá hoành tráng và sang trọng, nhưng lại phải là những không gian có sự chuyển tiếp và biến đổi linh hoạt, có điểm nhấn đúng chỗ - và cuối cùng, phải gắn và phù hợp với đời sống người dân trong khu vực.
Ngay với không gian đi bộ sắp xuất hiện tại thành cổ Sơn Tây trong vài ngày tới, có thể thấy rõ khu vực này đã có sẵn những ưu điểm hiện có về cảnh quan với mặt nước, tường đá ong, cây xanh... và đặc biệt là giá trị văn hóa - lịch sử được hình thành theo thời gian. Nhưng, để thật sự trở thành điểm đến vào mỗi tuần, đó còn là một câu chuyện dài về cách tổ chức, duy trì các hoạt động và tiện ích để phục vụ du khách.
Còn trước mắt, hãy cứ mừng với sự xuất hiện thêm của những phố đi bộ tại Hà Nội. Bởi, nhu cầu thực tế và sự sàng lọc theo thời gian sẽ giúp chúng ta tiếp tục hoàn thiện và làm phong phú mô hình này.
Trí Uẩn