Gian nan tranh Việt hồi hương
(Thethaovanhoa.vn) - Trước đây, khái niệm “tranh Việt hồi hương” được cho là viển vông, vì suốt một thời gian dài, chỉ có bán tranh ra nước ngoài, mấy khi ra nước ngoài mua tranh. Nhưng gần đây thì tình hình đã khác, vì đang có nhiều người Việt ra nước ngoài đấu giá tranh của các thế hệ tiền bối để mang về Việt Nam.
- Tranh Việt trên sàn đấu giá Sotheby’s: Thiếu niềm tin, thế giới nghệ thuật sẽ sụp đổ
- Mừng hay lo khi tranh Việt vượt 'tuổi dậy thì'?
- Nghiêm - Liên - Sáng - Phái đều đã ra đi, nỗi buồn ở lại với tranh Việt
Bức tranh lụa Thiếu nữ cầm quạt của Nguyễn Nam Sơn vừa lên sàn nhà đấu giá Aguttes của Pháp hôm 22/10/2018 là một ví dụ. Đã có 3 - 4 nhà sưu tập trong nước muốn mua tranh mang về…
Đa số dự đoán bức Thiếu nữ cầm quạt sẽ bán chừng 200.000 euro, có thể hồi hương được, nhưng kết quả đấu lên đến 440.000 euro, cộng dồn các chi phí khác thành 565.040 euro, hơn 15 tỷ đồng. Hoặc như bức lụa Đi chợ về của Trần Văn Cẩn cũng tưởng dễ mua, khi mức ước đoán từ 40.000 - 60.000 euro, nhưng kết quả đấu 230.000 euro, cộng dồn các chi phí thành 297.080 euro, gần 8 tỷ đồng.
Bức Thiếu nữ cầm quạt rời Hà Nội từ năm 1938, được xem là một trong vài đại diện tiêu biểu cho kỹ thuật lụa hiện đại của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn. Trước phiên đấu, đã có nhiều ước mơ về việc hồi hương bức tranh này, cho bảo tàng mượn treo, hoặc có những cuộc trưng bày rộng rãi cho công chúng chiêm ngưỡng.
Các bảo tàng mỹ thuật tại Việt Nam cũng chưa có được những tác phẩm xứng tầm của Nguyễn Nam Sơn và Victor Tardieu - đồng sáng lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, những người mở cánh cổng lớn cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Nhưng đó có lẽ chỉ là những “giá như” mà thôi.
Quan sát trực tiếp tại phiên đấu, một nhà sưu tập cho biết người mua hai bức này và vài bức khác là một phụ nữ người Việt. Theo thông tin hành lang, người này đại diện đấu cho một nhà sưu tập ẩn danh, sống ở nước ngoài. Điều có thể trông chờ ở tương lai là sự hào phóng của nhà sưu tập ẩn danh này, biết đâu ông/ bà ấy sẽ cho thuê giá rẻ, hoặc cho mượn để treo. Một triển lãm những tác phẩm đã đấu giá quốc tế là rất nên làm, nhưng Việt Nam chưa có cơ hội khả thi để thực hiện.
Gần đây, quan sát thị trường quốc tế, thấy nhiều nhà sưu tập Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm đến tranh Việt, đặc biệt là tranh sơn mài và tranh lụa. Các phiên đấu tại Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Paris (Pháp)… đã có nhiều sự hiện diện của họ. Những nhà sưu tập nước này đang nổi lên khắp thế giới bằng phương châm “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”.
Nhìn ở khía cạnh tích cực, điều này sẽ góp phần nhanh hơn trong việc làm khan hiếm, đẩy giá và tăng giá tranh Việt. Bởi Trung Quốc đang là một thị trường nghệ thuật rộng lớn, tăng trưởng mạnh mẽ, về thị phần thì xếp ngang hàng, thậm chí cao hơn Hoa Kỳ, tùy năm. Nếu nhìn ở khía cạnh hồi hương tranh Việt, thì đang có nhiều khó khăn, thách thức, bởi giá cả leo thang chóng mặt, khiến tâm thế và túi tiền nhiều nhà sưu tập nội địa chưa theo kịp.
Theo Forbes, thế giới đang có hơn 1.420 tỷ phú USD, Việt Nam đã góp mặt 4 người. Nên cần một “giá như” cụ thể hơn, đó là “nước lên thì thuyền lên”, “phú quý sinh lễ nghĩa”, hy vọng nhiều người có điều kiện tài chính sẽ trích một phần nào đó vào việc hồi hương những tranh Việt có ý nghĩa trong lịch sử nghệ thuật. Đây cũng là việc thường thấy ở các triệu phú, tỷ phú trên thế giới. Bởi việc chấn hưng văn hóa, chấn hưng nghệ thuật nói chung, việc hồi hương tranh Việt nói riêng, không thể là việc của riêng ai.
Vô Ưu